Rửa và gọt vỏ trái cây và rau củ là thói quen của hầu hết mọi người, vì việc gọt vỏ sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, thuốc trừ sâu và tạp chất hoá học. Nhưng nếu đảm bảo được vấn đề an toàn thực phẩm, vỏ trái cây và rau củ chứa rất nhiều hợp chất có lợi cho sức khoẻ, do vậy bạn nên tận dụng bổ sung vào chế độ ăn uống.
Dưới đây là 8 loại vỏ trái cây và rau củ giàu dưỡng chất mà bạn không nên vứt bỏ.
Vỏ kiwi mặc dù trông có vẻ nhiều lông và không thể ăn được nhưng vỏ của loại quả này chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao, đặc biệt là chất xơ, folate và vitamin E.
Ăn vỏ quả kiwi có thể tăng hàm lượng chất xơ lên 50%, tăng folate lên 32% và tăng nồng độ vitamin E lên 34% so với chỉ ăn thịt.
Chất xơ tốt cho hệ tiêu hoá và sức khoẻ tim mạch. Folate giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh khi mang thai. Vitamin E có thể ngăn ngừa gốc tự do, từ đó bảo vệ cho các tế bào khoẻ mạnh.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu năm 2020, ăn vỏ kiwi dường như giúp giảm viêm và có tác dụng có lợi đối với sức khỏe đường tiêu hóa.
Để ăn vỏ kiwi, bạn có thể dùng khăn sạch chà xát để loại bỏ lông của chúng, chà bằng bàn chải rau hoặc cạo nhẹ bằng thìa cũng là những cách hữu ích.
Tuy nhiên, kiwi cũng có thể gây kích ứng bên trong miệng của một số người, do sự hiện diện của các tinh thể canxi oxalate tự nhiên, được gọi là raphides, có thể làm trầy xước vùng da mềm bên trong miệng của bạn. Những vết xước cực nhỏ này kết hợp với axit có trong trái cây có thể gây ra cảm giác châm chích khó chịu.
Gọt vỏ hoặc ăn kiwi chín có thể giảm nồng độ oxalat. Do vậy, nếu khi ăn và cảm thấy bị châm chích trong miệng, bạn không nên ăn loại vỏ trái cây này.
Đọc thêm:
- Trái cây low carb là gì? Danh sách 9 loại trái cây low carb cho người ăn keto
- 12 loại rau tốt nhất để ép với trái cây tăng cường sức khỏe mùa hè
Chắc hẳn nhiều người đã thử ăn vỏ cam quýt, với hương vị thơm nhẹ và he, có thể loại vỏ này đem lại cho bạn sự thích thú.
Không chỉ vậy, ăn vỏ cam quýt được coi là một lựa chọn bổ dưỡng vì chúng chứa hàm lượng chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa cao. Vỏ chứa nhiều chất xơ hơn múi bên trong, giúp tiêu hóa và tăng cường sức khỏe đường ruột.
Ngoài ra, vỏ cam quýt rất giàu vitamin C và nhiều loại bioflavonoid khác nhau, có đặc tính chống viêm và tăng cường miễn dịch. Vỏ cam quýt còn chứa chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và tăng cường sức khỏe làn da.
Đặc biệt, trong vỏ cam quýt còn chứa polyphenol, giống như limonene được tìm thấy trong chanh. Những polyphenol này hoạt động như chất chống oxy hóa mạnh và có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch cùng với việc bảo vệ chống lại bệnh ung thư, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Trong số các loại vỏ trái cây có thể ăn được, vỏ táo là một trong những loại vỏ có lợi nhất nên đưa vào chế độ ăn uống của bạn. Đó là một nguồn vitamin và khoáng chất tuyệt vời, đặc biệt là vitamin C và kali, rất cần thiết cho sức khỏe tổng thể.
Vỏ táo cũng chứa hàm lượng chất xơ cao, góp phần tăng cường sức khoẻ tiêu hóa và kiểm soát cân nặng tốt hơn. Chúng cũng chứa các chất chống oxy hóa quan trọng và các hợp chất thực vật (như quercetin, catechin và axit chlorogen) có thể giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính và tăng cường sức khỏe tim mạch.
Vỏ nho là nguồn giàu chất chống oxy hóa, bao gồm resveratrol, anthocyanin và flavonoid. Những hợp chất này được biết đến với khả năng chống lại stress oxy hóa và giảm viêm trong cơ thể.
Đặc biệt, resveratrol có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm hỗ trợ sức khỏe tim mạch và bảo vệ chống lại một số loại ung thư. Ngoài ra, chất xơ có trong vỏ nho còn thúc đẩy hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh.
Trông có vẻ cứng và không thể nhai được, nhưng chúng ta có thể chế biến vỏ dưa hấu và chế biến thành một món ăn bổ dưỡng.
Vỏ dưa hấu có chứa citrulline - một loại axit amin có thể giúp cải thiện lưu thông máu và hạ huyết áp. Loại vỏ này cũng chứa nhiều chất xơ, giúp thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Vỏ dưa hấu cũng chứa nhiều vitamin C và B6, rất quan trọng cho hệ thống miễn dịch mạnh mẽ và có thể hỗ trợ chức năng não.
Bạn có thể ăn vỏ dưa hấu theo nhiều cách như: bỏ vỏ vào xay cùng thịt dưa hấu tạo thành món sinh tố thơm ngon, cắt vỏ thành nhiều miếng nhỏ và trộn với salad,... Nếu vỏ quá dày, bạn có thể sử dụng dao cạo mỏng vỏ đi để dễ ăn hơn.
Vỏ cà chua rất giàu chất chống oxy hóa lycopene, giúp tăng cường collagen và bảo vệ khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, giúp làn da mịn màng và trẻ trung hơn" .
Vỏ cà chua có lượng lycopene cao gấp 2,5 lần so với cùi. Khi nói đến vi chất dinh dưỡng, vỏ cà chua cũng cung cấp rất nhiều, bao gồm kẽm, mangan và đồng.
Vỏ khoai tây là một nguồn dinh dưỡng khác, chứa hàm lượng vitamin C, kali, folate, magie và phốt pho cao hơn so với khoai tây đã gọt vỏ. Loại vỏ này cũng cung cấp thêm chất xơ, góp phần tăng cường sức khỏe đường ruột và cảm giác no.
Vỏ khoai tây còn chứa nhiều hợp chất chức năng sinh học. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy chiết xuất vỏ khoai tây kích thích tổng hợp collagen loại I, có thể mang lại lợi ích chống lão hóa. Vỏ khoai tây cũng đã được chứng minh là có hoạt tính kháng khuẩn và chống oxy hóa.
Điều đặc biệt hơn, một loại flavonoid đáng chú ý trong vỏ khoai tây là quercetin, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và có đặc tính kháng vi-rút có thể ức chế giải phóng histamine, giúp ngăn chặn phản ứng dị ứng.
Một chất dinh dưỡng quan trọng khác được tìm thấy trong vỏ khoai tây là choline, giúp hỗ trợ chức năng não của chúng ta (bao gồm cả tâm trạng và trí nhớ).
Có thể ăn vỏ khoai tây xanh không?
Hãy quan sát màu sắc của vỏ khoai tây một cách cẩn thận. Khoai tây xanh chứa solanine, một chất độc tự nhiên có thể gây buồn nôn, đau đầu và trong trường hợp nghiêm trọng là các vấn đề về thần kinh. Do vậy, nếu thấy khoai tây có vị đắng (do chứa solamine) và mọc mầm, thì các bạn tuyệt đối không nên ăn.
Vỏ cà rốt là nguồn dinh dưỡng dồi dào mà bạn không nên bỏ qua.
Vỏ cà rốt rất giàu chất xơ, chất chống oxy hóa như beta-carotene và polyacetylenes cũng như các chất dinh dưỡng thực vật có lợi khác.
Tác dụng của các chất có trong vỏ cà rốt: Beta-carotene, chất mà cơ thể chuyển đổi thành vitamin A, rất quan trọng để duy trì thị lực, làn da và khả năng miễn dịch khỏe mạnh. Chất chống oxy hóa trong vỏ cà rốt có thể giúp bảo vệ tế bào của bạn khỏi bị hư hại, có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính và thậm chí là ung thư.
Mặc dù một số loại vỏ của trái cây và rau củ được đề cập trên giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, khi ăn vỏ, mọi người nên lưu ý đến vấn đề an toàn thực phẩm. Tức là cần phải đảm bảo vỏ không có chứa chất hoá học như thuốc trừ sâu, trồng ở nơi có đất nước không bị ô nhiễm và phải rửa thật sạch trước khi ăn.
Để ăn vỏ trái cây và rau củ an toàn, bạn nên thực hiện theo một số lời khuyên sau:
- Chọn trái cây có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên những sản phẩm hữu cơ để tránh phơi nhiễm với hóa chất độc hại.
- Rửa sạch trái cây dưới vòi nước chảy để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn bám trên bề mặt.
- Sử dụng dung dịch rửa trái cây chuyên dụng hoặc nước muối loãng để ngâm và rửa, giúp tăng cường khả năng làm sạch.
- Chải sạch vỏ trái cây bằng bàn chải mềm nếu cần thiết.
- Rửa lại trái cây với nước sạch sau khi đã sử dụng dung dịch rửa hoặc nước muối.
- Làm khô trái cây trước khi ăn hoặc chế biến.
Nguồn tham khảo: These Are the 8 Best Fruit and Veggie Skins to Eat