Hấp là một phương pháp chế biến thực phẩm sử dụng hơi nước nóng bên dưới truyền nhiệt trực tiếp lên để làm mềm thức ăn. Tùy từng loại dụng cụ hấp mà thực phẩm có thể đặt trong bát, chén, khay, lồng hấp,... để ngăn thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với nước. Không chỉ rau củ, nhiều loại trái cây đem hấp từ lâu được xem như một vị thuốc chữa bệnh nhờ cách chế biến này giúp giữ lại nhiều chất dinh dưỡng dễ bị phá hủy ở nhiệt độ cao như vitamin C.
Theo Aboluowang, 8 loại trái cây dưới đây đem hấp sẽ có công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe tốt mà bạn có thể tham khảo:
Táo giàu các hợp chất thực vật có tác dụng chống oxy hóa như quercetin, catechin, epicatechin, procyanidin, phloridzin, axit coumaric, axit chlorogenic và axit gallic có tác động tích cực tới hệ miễn dịch và các phản ứng viêm của cơ thể. Theo một nghiên cứu năm 2025 trên NCBI, người trưởng thành ăn một quả táo một ngày có khả năng ít phải sử dụng thuốc kê đơn hơn. Điều này cho thấy táo là loại quả vô cùng tốt cho sức khỏe và hệ miễn dịch nói riêng.
Trong đó, táo hấp được xem là phù hợp với người có tỳ vị yếu, mới ốm dậy, giúp giảm gánh nặng cho dạ dày và ruột và phòng ngừa táo bón bằng cách cải thiện hệ vi sinh đường ruột và tăng cường khả năng miễn dịch mà vẫn giữ lại được giá trị dinh dưỡng ban đầu. Hơn nữa, chất xơ hòa tan trong táo được hấp thụ tốt hơn sau khi hấp, có thể hấp thụ vi khuẩn và chất độc, từ đó ngăn ngừa tiêu chảy.
Cách làm táo hấp đơn giản tại nhà (Ảnh: Sohu)
Cách làm táo hấp: Rửa sạch táo, giữ lại cả vỏ. Sau đó cắt thành các lát mỏng rồi hấp cách thủy khoảng 20 phút thì dùng ăn. Ngoài hấp riêng thì táo cũng có thể hấp cùng với táo đỏ, hoàng kỳ và một vài quả kỷ tử cùng đường nâu trong 25 phút, ăn cả nước.
Đọc thêm:
Lê cũng là một loại trái cây quen thuộc trong nhiều bài thuốc chẳng hạn như lê chưng đường phèn, lê chưng quất mật ong,... trong điều trị các bệnh mũi họng như ho, viêm họng, giảm ngứa họng, tiêu đờm và làm ấm phổi. Trong Đông Y, lê có tính mát, vị ngọt, có tác dụng nhuận tràng, thanh nhiệt, giảm ho.
Tương tự như táo hấp thì lê hấp cũng giúp các vitamin và khoáng chất trong quả lê được giữ nguyên sẽ rất tốt khi ăn. Hơn nữa, các món lê hấp lành tính, hầu như phù hợp với mọi người ở nhiều lứa tuổi, từ trẻ em đến phụ nữ mang thai.
Cách làm lê hấp: Lê hấp có thể kết hợp cùng với táo đỏ, lê hấp đường phèn trị ho, lê hấp mật ong tiêu đờm.
+ Lê hấp đường phèn: Chuẩn bị 1 quả lê tươi và một ít đường phèn. Ngâm lê trong nước muối rồi rửa sạch, giữ nguyên vỏ rồi cắt miếng, thêm đường phèn (có thể thêm gừng) vào bát rồi chưng khoảng 20 phút thì dùng được.
+ Lê hấp táo đỏ: Chuẩn bị lê tươi, táo đỏ, kỷ tử (nếu có). Đem rửa sạch lê rồi cắt phần đầu quả lê để nạo thịt lê bên trong để tơi ra rồi thêm táo đỏ và kỷ tử vào. Hấp khoảng 30 - 40 phút, ăn cả cái trong ngày.
Chuối hấp không chỉ giúp vị ngọt trong chuối trở nên đậm hơn, thịt chuối mềm dẻo hơn mà ăn chuối hấp còn giàu chất xơ hòa tan có tác dụng giảm gánh nặng cho đường ruột, thúc đẩy nhu động ruột, cải thiện tình trạng táo bón. Ngoài ra, chuối hấp cũng chứa lượng lớn kali, nếu kết hợp cùng kỷ tử, ăn chuối hấp sẽ giúp dưỡng âm, dưỡng phế, bổ gan và giúp ngủ ngon hơn.
Cách làm chuối hấp: Chuẩn bị 1 - 2 quả chuối chín vừa, kỷ tử (nếu có). Đem chuối cắt thành từng lát mỏng rồi xếp vào bát cùng kỷ tử, thêm nước và vài giọt dầu mè rồi thêm một ít nước. Hấp khoảng 5 phút ở lửa lớn, để nguội rồi ăn cả cái và nước. Tuy nhiên cần tránh ăn chuối hấp khi bụng đói, dễ khiến dạ dày khó chịu. Người dương thịnh, nóng trong, dễ bốc hỏa không nên ăn chuối hấp, dễ khiến tình trạng nghiêm trọng hơn mà thay vào đó nên ăn chuối tươi.
Cam là trái cây giàu vitamin C có lợi cho hệ miễn dịch cùng hàm lượng chất xơ dồi dào. Trong Đông Y, cam là trái cây có tính bình, vị ngọt chua, công năng sinh tân giải khát, khai vị, tiêu khí, chữa ho, dùng khi chán ăn, đầy tức ngực sườn. Vỏ cam cũng có thể trị bệnh, chủ trị tiêu đờm, thông khí trệ nhờ giàu caroten, axit nicotinic và tinh dầu.
Nên có thể nói, quả cam có 2 thành phần là thịt cam và vỏ cam, một loại thì chữa ho một loại thì tiêu đờm. Nếu kết hợp hấp với muối có thể giúp làm ấm cơ thể, điều hòa phổi khí, từ đó giúp làm ấm phổi, giảm ho đờm.
Cách làm cam hấp: Chuẩn bị 1 quả cam tươi, một ít muối trắng. Rửa sạch cam, cắt một khoanh đầu quả cam rồi rắc muối vào phần thịt quả, để im trong 20 phút cho ngấm rồi mang hấp cách thủy từ 15 - 20 phút là có thể dùng. Ăn cam hấp nên ăn khi còn ấm để có hiệu quả tốt, dùng liên tiếp trong khoảng 5 ngày để thấy tác dụng. Trẻ dưới 3 tuổi không nên ăn cam hấp muối.
Tác dụng làm thuốc của cây mía đã được ghi chép trong các sách thuốc cổ cách đây gần 2000 năm. Cam giá, thuốc từ cây mía có vị ngọt, tính lạnh, không độc, lợi về kinh Thủ thái âm Phế và Túc dương minh Vị. Mía có tác dụng thanh nhiệt, nhuận táo sinh tân, giáng khí. Cây mía dùng chữa các chứng nhiệt làm tổn thương tân dịch, như tâm phiền miệng khát, ẩu thổ (nôn mửa), phản vị (ăn vào nôn ngược trở lại), phế táo khái thấu (phổi háo, ho), đại tiện táo kết, tiểu tiện bất lợi, tiêu hóa không thuận...
Khi hấp mía, từ tính hàn thì mía chuyển sang tính nhiệt, thân thiện với nhiều người hơn. Ăn mía hấp có tác dụng dưỡng ẩm, giải khát, phòng ngừa cảm sốt và tăng sức đề kháng. Hơn nữa khi hấp mía, lượng chất xơ trong mía cũng dễ hấp thụ hơn, giảm gánh nặng cho tiêu hóa.
Cách làm mía hấp: Chuẩn bị mía lượng vừa phải, đem rửa sạch sẽ đất và phấn bên ngoài vỏ rồi dóc vỏ và cắt mía thành các khúc nhỏ hơn. Cho mía vào bát đem hấp cách thủy tới khi lóng mía mềm xốp, chuyển sang màu vàng ngà thì tắt bếp rồi đem dùng. Người có các vấn đề đường huyết thì không nên ăn mía hấp.
Có câu nói rằng: "Một nắm quất tương đương với mười toa thuốc". Bí quyết giảm ho của món quất hấp nằm ở "lớp vỏ" của quả quất. Tinh dầu dễ bay hơi trong đó có thể làm tăng tiết dịch niêm mạc đường hô hấp và giúp tống đờm ra ngoài hiệu quả. Theo Đông y, quả quất có vị ngọt chua, tính ấm, quy kinh phế, vị, can. Tác dụng hóa đờm, trị ho, giải uất, tiêu thực, giải rượu, giảm ho, cầm máu, chống nôn.
Chưng quất với đường phèn giúp tăng cường công dụng làm dịu cổ họng kích ứng gây ho, thanh nhiệt, giảm ho khan và ho có đờm, nhuận phế.
Cách làm quất hấp: Chuẩn bị quất, đường phèn vừa đủ, thêm mật ong nếu có. Đem rửa quất thật sạch, ngâm với nước muối khoảng 30 phút thì vớt ra để ráo. Dùng dao khía hoặc cắt thành từng lát mỏng, bỏ hạt, thêm đường phèn rồi bỏ vào bát hấp cách thủy từ 15 - 20 phút tới khi thấy quất chuyển sang màu vàng sẫm hơn thì tắt bếp dùng ngay khi còn đang ấm. Nên ăn cả cái, cả nước trong 2 - 3 ngày để có hiệu quả trị ho rõ rệt.
Theo Đông y, quả đào có vị chua, ngọt, tính ấm; có tác dụng tiêu thử (trừ nóng), chỉ khát (chống khát), hoạt huyết (thúc đẩy sự tuần hoàn của huyết dịch), tiêu tích (làm tan các khối u); thường dùng để chữa chứng "huyết táo tiện bí" (táo bón do huyết táo), phụ nữ bế kinh, can tỳ thũng đại (xơ gan cổ trướng), tăng huyết áp... Theo Y học hiện đại, quả đào cũng giàu vitamin C, vitamin E cùng các chất chống oxy hóa như luetin, lycopene và beta carotene giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.
Đào hấp được cho là có tác dụng bổ phổi, dưỡng âm, bổ khí huyết, dưỡng ruột, thúc đẩy nhu động ruột.
Cách làm đào hấp chữa kinh nguyệt không đều, kinh ít hoặc bế kinh, có thể làm đào hấp theo cách sau: Chuẩn bị 2 quả đào chín, 9 gam hạt đào và 30 gam siro đào. Đem rửa sạch quả đào, gọt bỏ vỏ ngoài rồi trộn cùng hạt đào và siro đã chuẩn bị vào bát, thêm nước và hấp tới khi chín nhừ thì ăn hết trong ngày.
Đào không thích hợp cho người tiểu đường, người bị xuất huyết giảm tiểu cầu, người đang bị suy nhược cơ thể hoặc suy giảm chức năng tràng vị, người mới ốm dậy, tỳ vị yếu.
Quả sơn trà (hawthorn berry) hay còn được biết đến là quả táo gai. Loại quả mọng nhỏ bé này được coi là 1 phần quan trọng trong nền y học cổ truyền của Trung Quốc.
Theo tài liệu cổ ghi chép, quả táo gai có vị chua, ngọt tính ôn và qui kinh tỳ vị và can, hỗ trợ tiêu hóa sau bữa ăn giàu protein và dầu mỡ như thịt, cá cũng như kích thích ăn ngon miệng. Táo gai chứa nhiều axit hữu cơ, axit trái cây,... Ăn táo gai sống sẽ gây kích ứng dạ dày, vì vậy tốt nhất là nên hấp để hấp thụ tốt hơn. Sau một bữa ăn lớn nhiều dầu mỡ, ăn một ít táo gai hấp sẽ giúp dạ dày và ruột của bạn cảm thấy thư giãn, giảm chướng bụng đầy hơi tốt hơn rất nhiều.
Cách làm táo gai hấp: Chuẩn bị táo gai, đường phèn. Rửa sạch táo gai, gọt vỏ bỏ lõi rồi thêm đường phèn vào táo, đem hấp cách thủy khoảng 15 phút, ăn một lần một ngày. Người bị trào ngược axit dạ dày, loét dạ dày, viêm thực quản trào ngược, phụ nữ có thai không nên ăn táo gai hấp.
Nhìn chung, một số loại trái cây khi hấp lên có thể đem đến hiệu quả chữa bệnh rất tốt. Nhưng tùy từng thể trạng khác nhau mà mức độ hưởng lợi từ các bài thuốc này ở mỗi người là khác nhau. Đặc biệt, nó không có tác dụng thay thế cho thuốc chữa bệnh được bác sĩ chỉ định. Nếu đang dùng thuốc theo đơn hoặc từng có tiền sử dị ứng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn dịch tham khảo: Aboluowang