Những cơn ợ nóng tưởng như rất bình thường có thể là nguyên nhân gây ra ung thư thực quản. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn còn chủ quan trong việc điều trị chứng ợ nóng, mà cụ thể là điều trị trào ngược axit dạ dày.
Trào ngược axit dạ dày là tình trạng nóng rát ở ngực hoặc cổ họng sau khi ăn một loại thức ăn. Do đó, căn bệnh này còn được biết đến với tên gọi là chứng ợ nóng. Hầu hết mọi người đều trải qua tình trạng trào ngược axit dạ dày ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên 2 lần/ tuần (trào ngược axit dạ dày mãn tính) thì bệnh có nguy cơ phát triển thành ung thư thực quản .
Thực quản được cấu tạo như một chiếc ống dài vận chuyển thức ăn từ cổ họng xuống dạ dày. Khi bệnh nhân bị trào ngược axit dạ dày, axit từ dạ dày sẽ đi vào thực quản. Theo thời gian, điều này có thể làm hỏng mô thực quản và làm tăng nguy cơ phát triển ung thư ở thực quản.
Trào ngược axit dạ dày có thể khiến axit dạ dày tác động vào phần dưới của thực quản. Không giống với dạ dày, thực quản không hề có lớp lót bảo vệ nó khỏi sự tấn công của axit. Do đó, axit sẽ gây tổn thương cho các tế bào mô trong thực quản của người bệnh.
Tổn thương mô do trào ngược axit có thể dẫn đến bệnh Barrett thực quản. Barrett thực quản sẽ khiến cho các mô trong thực quản bị biến đổi thành các mô dạng cột với những tế bào giống tế bào ở ruột. Trong một số trường hợp, các tế bào này sẽ phát triển thành tế bào tiền ung thư.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc cả trào ngược axit dạ dày và Barrett thực quản sẽ có nhiều khả năng mắc ung thư thực quản hơn những người chỉ bị trào ngược axit dạ dày.
Kiểm soát trào ngược axit dạ dày là một cách để làm giảm nguy cơ ung thư thực quản. Các phương pháp ngăn ngừa trào ngược axit dạ dày biến chứng thành ung thư thực quản bao gồm 8 điều dưới đây:
- Kiểm soát cân nặng: Béo phì có thể dẫn đến tình trạng thoát vị và trào ngược ở dạ dày. Do đó, bệnh nhân cần kiểm soát tốt cân nặng của mình thông qua chế độ ăn uống và tập luyện.
- Không nằm ngay xuống sau khi ăn: Đối với những người bị trào ngược axit dạ dày, van giữa thực quản và dạ dày thường hoạt động không tốt. Vì vậy, chúng cho phép axit trong dạ dày di chuyển vào thực quản. Việc nằm ngay sau khi ăn có thể khiến cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ợ nóng vào ban đêm.
- Kê cao đầu khi ngủ: Ở tư thế nằm, tình trạng trào ngược axit có xu hướng diễn biến trầm trọng hơn. Do đó, bệnh nhân cần đảm bảo đầu và ngực của mình được nâng cao khi ngủ.
Tư thế ngủ ảnh hưởng đến người bệnh bị trào ngược dạ dày- Ảnh minh họa
- Hạn chế sử dụng thuốc lá và các chất kích thích như bia, ruợu…
- Ăn nhiều trái cây và rau, củ, quả.
- Sử dụng các loại thuốc kháng axit: Các loại thuốc này có tác dụng trung hòa axit dạ dày trước khi nó di chuyển vào thực quản.
- Làm chẩn đoán Barrett thực quản: Nếu mắc chứng ợ nóng mãn tính, bệnh nhân có thể yêu cầu bác sĩ làm chẩn đoán Barrett thực quản. Barrett thực quản thường được chẩn đoán bằng phương pháp nội soi hoặc sinh thiết. Việc kiểm soát Barrett thực quản có thể giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ mắc ung thư thực quản.
- Thăm khám thường xuyên: Khám sức khoẻ định kỳ và tự theo dõi các triệu chứng bất thường liên quan đến thực quản có thể giúp phát hiện sớm biến chứng của trào ngược axit dạ dày.
Kiểm soát trào ngược axit dạ dày chính là chìa khoá vàng trong ngăn ngừa ung thư thực quản. Do đó, khi có triệu chứng trào ngược axit dạ dày bạn hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị nhé!