8 dấu hiệu thiếu kali của cơ thể mà bạn cần lưu ý

8 dấu hiệu thiếu kali của cơ thể mà bạn cần lưu ý
Thiếu kali có thể xảy ra nếu một người không nhận đủ kali từ chế độ ăn uống hoặc họ bị mất quá nhiều kali do nôn mửa hoặc tiêu chảy kéo dài. Dấu hiệu thiếu Kali phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự thiếu hụt, nhưng thường bao gồm huyết áp cao, táo bón, chuột rút, mệt mỏi, các vấn đề về thận và tim,...

1. Cơ thể thường xuyên mệt mỏi

Kali tồn tại trong mỗi tế bào, giữ cho môi trường chất lỏng trong và ngoài tế bào được cân bằng, hỗ trợ các tế bào hoạt động đúng cách. Khi bị thiếu kali, các tế bào hoạt động không trơn tru. Đây là lý do khiến bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức.

Nếu bạn đã nghỉ ngơi đủ, không làm việc quá sức mà vẫn thường xuyên cảm thấy hết năng lượng thì đó có thể là dấu hiệu thiếu kali.

2. Huyết áp cao

Tăng huyết áp có thể là dấu hiệu thiếu kali, đặc biệt ở những người có lượng natri hoặc muối cao. Kali có vai trò quan trọng trong việc thư giãn các mạch máu, giúp hạ huyết áp.

Một chế độ ăn nhiều natri là nguyên nhân phổ biến của huyết áp cao, mặt khác Kali lại có vai trò cân bằng nồng độ natri trong cơ thể. Đó là lý do các bác sĩ thường khuyên những người bị huyết áp cao nên giảm lượng natri và tăng lượng kali.

3. Yếu cơ, chuột rút

Trong các tế bào cơ, kali giúp truyền tín hiệu từ não kích thích các cơn co thắt. Nó cũng giúp chấm dứt các cơn co thắt này bằng cách di chuyển ra khỏi các tế bào cơ bắp. Do vậy, dấu hiệu thiếu kali thường là những cơn co thắt đột ngột, chuột rút, không kiểm soát được hoạt động của cơ bắp.

Những người bị thiếu kali trầm trọng có thể gây tê liệt cơ bắp. Khi nồng độ kali trong cơ thể rất thấp, cơ bắp không thể co bóp đúng cách và có thể ngừng hoạt động hoàn toàn.

4. Tim đập nhanh

Bạn có bao giờ cảm thấy tim đột nhiên đập nhanh hơn, mạnh hơn hoặc bỏ qua 1 nhịp. Đó có thể là do bạn bị căng thẳng, lo lắng, hoặc đó cũng có thể là dấu hiệu thiếu kali đáng lo ngại.

Nguyên nhân là do dòng Kali vào và ra khỏi các tế bào tim, giúp kích hoạt và điều chỉnh nhịp tim. Nồng độ kali trong máu thấp có thể làm thay đổi dòng chảy này, dẫn đến tim đập nhanh.

5. Táo bón

Kali giúp truyền tín hiệu từ não đến các cơ nằm trong hệ thống tiêu hóa. Những tín hiệu này kích thích các cơn co thắt giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động và nhào trộn thức ăn để nó dễ dàng được tiêu hóa hơn.

Khi nồng độ kali trong máu thấp, não không thể truyền tín hiệu một cách hiệu quả. Do đó, các cơn co thắt trong hệ thống tiêu hóa có thể trở nên yếu hơn và làm chậm sự di chuyển của thức ăn, gây ra các dấu hiệu thiếu kali như đầy hơi, táo bón.

Nếu thiếu kali nghiêm trọng có thể khiến cho ruột bị tê liệt hoàn toàn.

6. Ngứa và tê tay chân

Kali rất quan trọng đối với chức năng thần kinh khỏe mạnh. Nồng độ kali trong máu thấp có thể làm suy yếu tín hiệu thần kinh, có thể dẫn đến ngứa ran và tê liệt. Nó thường xảy ra ở tay, cánh tay, chân và bàn chân. Đây là dấu hiệu thiếu kali vô hại, nhưng bạn vẫn nên đến bác sĩ để khắc phục dứt điểm tình trạng thiếu kali, tránh biến chứng nghiêm trọng hơn.

7. Khó thở

Kali có vai trò chuyển tiếp các tín hiệu kích thích phổi co bóp và mở rộng. Khi nồng độ kali trong máu thấp nghiêm trọng, phổi của bạn có thể không mở rộng và co bóp đúng cách. Điều này dẫn đến khó thở.

Ngoài ra, dấu hiệu thiếu kali khiến bạn khó thở vì nó làm tim đập bất thường. Điều này có nghĩa là lượng máu bơm từ tim đến các cơ quan khác bị giảm xuống. Máu cung cấp oxy cho cơ thể, do đó lưu lượng máu thay đổi có thể gây khó thở.

8. Thay đổi tâm trạng

Mọi người cũng biết, kali rất quan trọng đối với hệ thần kinh và hệ cơ nên dấu hiệu thiếu kali cũng sẽ thể hiện ở chức năng não bộ. Nồng độ kali trong máu thấp có thể phá vỡ các tín hiệu giúp duy trì chức năng não tối ưu, liên quan đến việc thay đổi tâm trạng và mệt mỏi về tinh thần. Minh chứng là một nghiên cứu cho thấy, 20% bệnh nhân bị rối loạn tâm thần bị thiếu kali.


Tác giả: Mai Nhung