Tại sao bệnh viêm da cơ địa mùa lạnh lại là một trong những bệnh về da thường gặp khi mùa đông tới? Nguyên nhân được giải thích là do thời tiết khô lạnh, đổ ẩm thấp khiến da dễ kích ứng, tạo thành các mảng da khô ngứa, viêm và có vảy. Hơn nữa, khi da tiếp xúc với sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, chẳng hạn như di chuyển từ phòng ấm ra nhiệt độ lạnh ngoài trời hoặc da ma sát với quần áo chất liệu len tổng hợp,... cũng dễ bùng phát bệnh hơn. Hầu hết các bệnh nhân viêm da cơ địa đều có định lượng IgE trong máu cao.
Theo WebMD, dưới đây là một số thông tin về bệnh viêm da cơ địa mùa lạnh bao gồm triệu chứng viêm da cơ địa cũng như cách phòng tránh bùng phát bệnh vào mùa lạnh, đặc biệt nếu gia đình có trẻ bị viêm da cơ địa bởi hiện nay vẫn chưa có cách giúp chữa khỏi bệnh viêm da cơ địa hoàn toàn.
Minh họa hình ảnh viêm da cơ địa mùa lạnh ở mặt (Ảnh: ST)
Đọc thêm:
+ Cảm thấy ngứa râm ran, cảm giác như kim châm ở mặt là do đâu?
+ Khi nào ngứa da là dấu hiệu của bệnh ung thư?
Bệnh viêm da cơ địa được hiểu là một bệnh da mãn tính, gây viêm và kích ứng da. Các triệu chứng của viêm da cơ địa phổ biến nhất bao gồm:
- Triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh: Da khô, ngứa, có vảy; các phát ban trên da đầu hoặc mảng ban đỏ ở má, trán và có thể lan đến đầu gối, khuỷu tay và cơ thể nhưng không xuất hiện ở vùng tã lót kèm theo rỉ dịch hoặc vảy. Trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa thường gặp khó khăn khi ngủ do ngứa, đồng thời có nguy cơ nhiễm trùng da cao do gãi.
- Viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ: Mẩn ngứa dạng ban đỏ ở nếp gấp khuỷu tay, sau đầu gối, trên cổ hoặc ở mặt trong cổ tay và mắt cá chân, nếp gấp giữa mông và chân; tại vị trí phát ban có kết vảy; khi sờ vào các vùng phát ban có cảm giác cực kì khô, sần sùi và dày, sẫm màu hơn hoặc có sẹo do gãi.
- Viêm da cơ địa ở người trưởng thành: Triệu chứng viêm da cơ địa ở người lớn thường hơi khác một chút so với trẻ bị viêm da cơ địa. Các vùng da bị ảnh hưởng thường bao gồm mặt sau của đầu gối, nếp gấp vị trí khuỷu tay, gáy và ở mặt. Các mảng phát ban có cảm giác nhiều vảy hơn kèm ngứa liên tục.
Ở cả người lớn và trẻ em khi bị viêm da cơ địa đều thường xuất hiện tình trạng gọi là nếp gấp Dennie-Morgan, tỷ lệ ghi nhận ở khoảng 84% bệnh nhân viêm da cơ địa. Được hiểu là tình trạng nếp gấp ngay bờ mi mắt dưới khiến vùng da này sẫm màu hơn bình thường, khi sờ vào cũng có cảm giác khô hơn, đôi khi có vảy mỏng.
Nhiều người bị viêm da cơ địa cũng có thể kèm theo các tình trạng bệnh lý khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, các bệnh ngoài da khác, trầm cảm và lo âu, khó ngủ.
2. Điều trị và phòng ngừa bệnh viêm da cơ địa mùa lạnh
Bệnh viêm da cơ địa nếu không được kiểm soát tốt có thể khiến người bệnh thường xuyên gãi, làm tăng rủi ro bị nhiễm trùng da do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập qua da dễ dàng hơn. Chẳng hạn như virus herpes simplex (HSV) - nguyên nhân gây ra mụn rộp dẫn tới đau đớn, sốt và ớn lạnh, loét da.
Điều trị và phòng ngừa viêm da cơ địa cần phụ thuộc vào vị trí và loại phát ban do viêm da cơ địa của từng người, bao gồm cả mức độ ngứa.
- Các phương pháp giảm nhẹ triệu chứng viêm da cơ địa có thể được chỉ định như:
+ Thuốc bôi và thuốc uống giúp giảm ngứa và giảm viêm da. Bác sĩ có thể kê thêm đơn thuốc corticosteroid mạnh hơn để kiểm soát viêm ngứa nếu các loại thuốc không kê đơn thông thường không đem lại hiệu quả. Tuy nhiên cần tránh tự ý sử dụng bởi corticosteroid dùng kéo dài có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, nhất là đối với trẻ nhỏ bị viêm da cơ địa.
+ Bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng phương pháp UVA, UVB hoặc LASER He-ne; một số thuốc ức chế miễn dịch nếu cần thiết.
+ Kem dưỡng ẩm giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da. Kem dưỡng ẩm tốt nhất nên dùng ngay sau khi tắm xong (trong vòng 3 phút, còn gọi là khóa ẩm cho da) và có thể bôi nhắc lại nhiều lần trong ngày.
+ Hạn chế gãi ở vùng bị phát ban, gãi càng nhiều thì nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao. Với trẻ bị viêm da cơ địa, tốt nhất cha mẹ nên cắt ngắn móng tay và cân nhắc đeo thêm bao tay để tránh gãi trong vô thức khi ngủ vào ban đêm.
- Bị viêm da cơ địa nên tắm như thế nào? Khi tắm nên tắm với nhiệt độ nước vừa phải, không quá nóng cũng không quá lạnh, tránh cho vùng da bị phát ban xảy ra kích ứng và khiến tình trạng bệnh viêm da cơ địa mùa lạnh nghiêm trọng hơn. Thời gian tắm cũng không nên quá lâu, chỉ nên tắm trong vòng từ 5 - 10 phút.
- Người bị viêm da cơ địa cũng nên cân nhắc lựa chọn các loại xà phòng tắm lành tính, không chứa các chất hóa học hay tạo mùi thơm tổng hợp. Sau khi tắm xong cần thấm khô da bằng khăn cotton mềm, thấm nhẹ nhàng tránh chà xát hay miết mạnh lên da.
- Mùa lạnh nên tránh mặc quần áo làm từ len tổng hợp, các loại quần áo bó sát da cũng có thể gây kích ứng và bùng phát cơ ngứa.
- Nhiều gia đình sử dụng thiết bị sưởi trong mùa đông cần chú ý đặt thêm các máy tạo độ ẩm trong phòng để tránh cho da quá khô và dễ bị mất nước khiến bệnh nhân ngứa ngáy và bùng phát các triệu chứng khác.
- Khi ra ngoài trong thời tiết lạnh, cần che chắn các vùng da dễ bị phát ban cẩn thận, tránh tiếp xúc với không khí lạnh khô bên ngoài, hạn chế nguy cơ kích ứng dẫn tới ngứa ngáy, bong tróc da do bệnh. Đồng thời cũng cần tránh mặc quần áo quá ấm, thay vào đó nên mặc nhiều lớp quần áo để dễ dàng điều chỉnh khi cảm thấy nóng và khó chịu, đặc biệt là với trẻ nhỏ thường xuyên vận động và dễ ra mồ hôi.
- Chế độ ăn uống cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, nhiều trái cây và rau xanh; ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin D để tăng cường hàng rào miễn dịch; uống đủ nước ngay cả khi không khát.
- Có kế hoạch cho chế độ sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc, tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
- Loại bỏ các chất gây dị ứng đã biết trong gia đình có thể kích thích bệnh viêm da cơ địa; tránh xa những chất khác như phấn hoa, nấm mốc và khói thuốc lá.
Nhìn chung, bệnh viêm da cơ địa mùa lạnh thường dễ bùng phát nên cần có các biện pháp kiểm soát nguyên nhân và triệu chứng bệnh hợp lý. Nói cách khác, mặc dù bạn không thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh viêm da cơ địa nhưng bạn có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ bùng phát bệnh. Trong trường hợp thấy các vùng ban đỏ mẩn ngứa kéo dài kèm theo đau nhức, sưng nề hoặc có mủ dịch tiết ra kèm theo sốt hoặc ớn lạnh, hãy nhanh chóng thăm khám bác sĩ bởi đây có thể là dấu hiệu vùng viêm da bị nhiễm trùng và cần được điều trị bằng kháng sinh.
Nguồn dịch tham khảo:
1. What Is Atopic Dermatitis (Eczema)?
2. Overview of Atopic Dermatitis
3. 9 Ways to Prevent Atopic Dermatitis (Eczema) Flares in Cold Weather