Cách giảm khô mũi chủ yếu nhắm vào việc tăng độ ẩm cho niêm mạc mũi, xoang từ đó giảm nhẹ triệu chứng mũi bị khô rát, khó chịu.
Khi thời tiết hanh khô, độ ẩm trong không khí giảm, cơ thể chúng ta sẽ mất nước nhanh chóng hơn thông qua các hoạt động bình thường như hô hấp, đổ mồ hôi và việc không uống đủ nước có thể khiến mũi bị khô hơn.
Do vậy, để giảm khô mũi, bạn cần chú ý bổ sung chất lỏng nhiều hơn. Điều này cũng giúp giảm cảm giác nghẹt mũi hoặc tắc nghẽn xoang mũi. Uống đủ nước trong mùa hanh khô cũng là cách duy trì độ ẩm cho da và các mô, hỗ trợ quá trình tiêu hóa được trơn tru cũng như điều hòa nhiệt độ cơ thể.
Bên cạnh uống đủ nước thì bạn cần hạn chế các loại đồ uống dễ gây mất nước do tác dụng lợi tiểu như caffeine, trà hoặc rượu bia. Tiêu thụ quá nhiều các loại đồ uống này không chỉ khiến bạn đi tiểu nhiều hơn mà còn dẫn tới mất độ ẩm trong mũi và xoang.
Đọc thêm:
+ Làm gì khi chảy máu cam mùa hanh khô do viêm mũi dị ứng?
+ Ho khan mùa hanh khô: Làm gì để giảm nhẹ triệu chứng?
Máy tạo độ ẩm là cách đơn giản để bổ sung độ ẩm cho không khí trước khi bạn hít vào bằng mũi. Bạn có thể đặt máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ, phòng làm việc, phòng khách với công suất bù ẩm phù hợp với diện tích phòng. Tuy nhiên, cần chú ý vệ sinh máy bù ẩm thường xuyên, tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển bên trong do nước đọng và gây bệnh ngược lại cho bạn.
Ngoài ra, không nên bật máy bù ẩm hết công suất trong thời gian dài, độ ẩm trong phòng nên duy trì từ 45 - dưới 60% là tốt nhất, quá ẩm ướt cũng dễ khiến nấm mốc phát triển. Nếu có thể hãy sử dụng nước mềm thay vì nước cứng như nước máy để bù ẩm, bởi máy tạo độ ẩm có thể giải phóng các khoáng chất có trong nước máy khi bật, một vài khoáng chất có thể gây ra các vấn đề về hô hấp.
Một cách bù ẩm trực tiếp cho niêm mạc mũi và xoang là hít trực tiếp hơi nước ấm từ nước ấm trong bát hoặc tắm nước ấm trong phòng tắm kín. Để hỗ trợ thông xoang tốt hơn, bạn có thể nhỏ thêm vài giọt tinh dầu khuynh diệp hoặc tinh dầu long não, tinh dầu bạc hà vào bát nước ấm.
Lưu ý, không hít trực tiếp hơi nước từ nước sôi, dễ khiến niêm mạc mũi và mặt bị bỏng.
Xịt mũi với nước muối bằng các dụng cụ xịt mũi chuyên dụng không chỉ là cách giảm khô mũi tại nhà đơn giản mà còn giúp giảm tình trạng tắc nghẽn và loãng chất nhầy mũi họng hiệu quả. Điều này là nhờ nước muối có thể thay đổi áp suất thẩm thấu của các niêm mạc mũi, kéo nước trở lại khoang mũi, tăng độ ẩm cho đường mũi.
Đồng thời, nước muối còn có thể giúp ngăn ngừa vi khuẩn và virus phát triển trong mũi.
Ngoài xịt nước muối để giảm khô mũi thì với những trường hợp mũi có nhiều chất nhầy, bình xịt mũi sẽ hỗ trợ loại bỏ chất nhầy dư thừa đó và làm loãng dịch mũi, từ đó giúp mũi cảm thấy dễ chịu hơn. Khi rửa mũi đầu tiên là nếu có cảm giác rát, châm chích hoặc nóng bỏng, hãy thử sử dụng dung dịch nước muối với nồng độ muối ít hơn.
Thêm vào đó, khi rửa mũi, cần đảm bảo nghiêng đầu sang một bên ở một góc 45 độ; tuyệt đối lưu ý khi rửa mũi không ngửa đầu ra sau và giữ miệng luôn mở khi rửa mũi để đảm bảo chắc chắn không thở bằng mũi và hít phải các dung dịch nước muối rửa mũi gây sặc, đau rát ở mũi và họng.
Dung dịch nước rửa mũi có thể là loại pha sẵn mua tại các hiệu thuốc hoặc tự pha ở nhà với tỷ lệ 3 thìa muối không i ốt với 1 thìa baking soda vào 240 ml nước cất hoặc nước đã đun sôi trong 5 phút và để nguội.
Những sản phẩm có thành phần là sáp dầu khoáng rất có ích khi bị dị ứng hoặc khi sử dụng trong mùa khô lạnh. Sáp dầu khoáng là kem dưỡng ẩm tuyệt vời cho toàn thân cũng như từng vùng da trên cơ thể như mặt, mũi, môi, bàn tay, gót chân trong mùa hanh khô. Thử thoa một ít sáp dầu khoáng bào bên trong lỗ mũi để giữ độ ẩm cho các mô mũi.
Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng sáp dầu khoáng cho trẻ em hoặc đang sẵn có các bệnh phổi như COPD, viêm phổi thì cần nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng để tránh gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Các loại dầu như dầu dừa, dầu hạnh nhân tự nhiên có thể được sử dụng như kem dưỡng ẩm cho niêm mạc mũi và được xem như cách giảm khô mũi tại nhà an toàn. Nhưng cần chú ý, không bôi trực tiếp tinh dầu lên da hay niêm mạc mũi do có thể gây bỏng.
Tinh dầu ở dạng hít có thể giúp thông các đường mũi đang bị tắc, chẳng hạn như tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu long não, dầu cây trà, dầu bạc hà, dầu hương thảo, dầu oregano, dầu hoa oải hương. Khi sử dụng, tránh để tinh dầu dính vào da vì chúng có thể gây kích ứng. Người dị ứng với mùi hương cũng nên thận trọng với cách giảm khô nghẹt mũi bằng tinh dầu.
Đây không phải là cách giảm khô mũi nhưng là thói quen thường gặp và cần loại bỏ để không khiến niêm mạc mũi vốn đang bị kích ứng lại tiếp tục bị tổn thương do tác động của việc ngoáy mũi gây ra. Nói cách khác, không khí khô có thể khiến màng lót mũi của bạn bị khô, dẫn đến nứt nẻ và đóng vảy. Nếu bạn cạy các mô khô, có thể chảy máu, dẫn đến tình trạng khô mũi hơn nữa.
Bên cạnh đó, ngoáy mũi cũng có thể làm tăng rủi ro đưa vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua đường mũi, chẳng hạn như phế cầu khuẩn - nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm phổi do vi khuẩn.
Nếu cảm thấy ngứa mũi, hãy day nhẹ ở bên ngoài và dùng bình xịt rửa mũi để loại bỏ các mảnh mô dư thừa ra ngoài.
Cuối cùng, nếu bị viêm mũi dị ứng và sử dụng thuốc kháng histamin để giảm triệu chứng dị ứng mũi, hãy sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ bởi một số loại thuốc kháng histamin thế hệ H1 có thể gây ra các tác dụng như khô mắt, khô mũi,...
Trên đây là những cách giảm khô mũi mà bạn có thể thực hiện tại nhà. Nếu tình trạng khô mũi nghiêm trọng hơn, mô mũi nứt nẻ và chảy máu, đau mũi dữ dội, mũi khô kéo dài trên 10 ngày ngay cả khi bạn đã thực hiện các cách bù ẩm cho mũi tại nhà cũng như tránh các tác nhân gây khô mũi thì bạn cần thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị phù hợp với tình trạng của bản thân. Đặc biệt là khi khô mũi kèm theo các triệu chứng như sốt, chảy dịch mũi tanh hôi, chảy máu mũi không ngừng và yếu mệt. Bởi khô mũi có thể là dấu hiệu của các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác ngoài lý do không khí khô hanh thiếu độ ẩm, chẳng hạn như Hội chứng Sjogren, nhiễm trùng, thiếu hụt dinh dưỡng,...
Nguồn dịch tham khảo: