7 tác dụng của rau rút và một số lưu ý cần biết về sức khỏe

7 tác dụng của rau rút và một số lưu ý cần biết về sức khỏe
Cây rau rút thường có mặt trong các món ăn giải nhiệt và bổ sung dinh dưỡng thường ngày như canh cua, canh khoai sọ, ... Bên cạnh đó, tác dụng của rau rút đối với sức khỏe cũng được khoa học và y học cổ truyền đánh giá cao. Hãy cùng tìm hiểu những tác dụng ấy trong bài viết ngày hôm nay.

Rau rút, hay còn gọi là rau nhút (tên khoa học: Neptunia oleracea) là loài thực vật có hoa thuộc họ Đậu. Loài cây này mọc bò trên các vùng đất ẩm ướt, gần nguồn nước hoặc nổi trên các những vùng nước chảy chậm. Cây rau rút mọc phổ biến ở những nơi có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm như châu Phi, châu Á, Mexico và Nam Mỹ. Cây mọc cao khoảng 15cm và lan rộng ra tới 90-150cm trên mặt nước. Thân cây nổi dưới nước là do các mô dẫn khí xốp màu trắng, khác với thân trên cạn. Thân cây được bao phủ bởi các lá có dạng hình lông chim kép nhỏ, có mức độ nhạy cảm cao và khép lại khi gặp tiếp xúc (tương tự như lá trinh nữ). Một cụm lá chính có từ 8 tới 40 lá nhỏ thuôn dài, mọc đối diện. Hoa nở vào mùa hè, có màu vàng ánh lục, mọc dày đặc hình thành các cụm hoa. Quả của cây là dạng quả đậu dẹt, có độ dài từ 2.5 đến 5cm.

Phần thân cây nổi trên mặt nước thường hình thành các thảm lá dày gây hại cho dòng chảy, chất lượng nước và thảm thực vật xung quanh. Để hạn chế hiện tượng này, người dân thường thu hoạch rau rút về để làm món ăn hoặc làm thuốc. Các bộ phận của cây bao gồm lá, thân non và quả thường được sử dụng trong các món ẩm thực truyền thống tại Đông Nam Á và trong nhiều bài thuốc của y học dân gian Ấn Độ.

1. Thành phần dinh dưỡng

Theo USDA, trong 100g rau rút có chứa:

Calo

28k

Chất đạm

5.1g

Chất bột đường

1.8g

Chất béo

0g

Chất xơ

1.9g

Nước

90.2g

Canxi

180mg

Photpho

59mg

2. Tác dụng của rau rút

2.1. Trị chứng khó tiêu

Phần hạt rau rút chứa trong các loại thực phẩm chức năng làm từ rau rút có đặc tính giống như các loại hạt chia và hạt é thường gặp. Khi cơ thể hấp thụ phần hạt này, chúng tiếp xúc với nước và chuyển thành dạng chất nhầy. Bởi hệ tiêu hóa thiếu enzyme cần thiết để hấp thụ chất xơ một cách nhanh chóng, phần chất nhầy này sẽ dễ dàng di chuyển trong ổ bụng và thực hiện nhiệm vụ “dọn dẹp” các loại vi khuẩn, độc tố và những phần thức ăn khó tiêu hóa ra khỏi cơ thể. Bạn sẽ không gặp phải cảm giác tức bụng, khó chịu sau những bữa ăn nữa.

Nếu bạn không sử dụng các loại thực phẩm chức năng làm từ rau nhút, việc giã rau nhút lấy nước cốt uống (2 lần/ngày) cũng đem lại công dụng tương tự.    

2.2. Cải thiện giấc ngủ

Tác dụng tốt của rau rút đối với tiêu hóa cũng đem lại những tín hiệu tích cực đối với hệ thần kinh, bởi 90% lượng serotonin trong cơ thể được sản sinh từ đường tiêu hóa. Việc sử dụng rau rút để thanh lọc cơ thể và cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa sẽ kích thích việc sản sinh ra serotonin và phòng ngừa, chữa trị các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, bi quan và mất ngủ.

7 tác dụng của rau rút và một số lưu ý cần biết về sức khỏe - Ảnh 2.

Rau rút có tác dụng chữa mất ngủ cùng nhiều chứng bệnh về tâm lý khác (Nguồn: Internet)

Đọc thêm: 

Đặc điểm và tác dụng của lá đinh lăng đối với sức khỏe 

Rong biển là gì? Tác dụng của rong biển đối với sức khỏe con người như thế nào?

Để phát huy tối đa công dụng chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh của rau rút, nên nấu canh rau rút khô với khoai sọ và ăn nóng. 

2.3. Chữa lành vết thương

Nền y học của nhiều quốc gia đã tận dụng rau rút trong việc chữa lành vết thương và các bệnh về da khác. Hợp chất hydroxyproline có trong chiết xuất rau rút là một trong những thành phần quan trọng của collagen, chất có tác dụng giúp da phục hồi sau những tổn thương ngoài da. Cách sử dụng thường gặp là giã nát lá hoặc rễ cây rau rút ra để đắp lên miệng vết thương hoặc các vùng da bị mụn nhọt, mẩn ngứa, … Ngay cả trong những trường hợp khẩn cấp như bị rắn cắn, người ta cũng có thể sơ cứu vết thương bằng biện pháp này, kết hợp với xông mũi trước khi đưa đi cấp cứu.

Ngoài ra, các khoáng chất có trong rau rút như sắt, kẽm, mangan và đồng cũng có tác dụng tái tạo da và chữa lành các chứng viêm da hay lở loét ngoài da.  

2.4. Diệt khuẩn

Như đã bàn luận tới ở trên, rau rút có tác dụng hỗ trợ hệ bài tiết trong việc đào thải các vi khuẩn có hại và độc tố ra ngoài cơ thể. Bên cạnh đó, việc sử dụng chiết xuất rau rút một cách có khoa học cũng sẽ giúp hạn chế những tác động xấu của các sinh vật có hại trong cơ thể. Tác dụng này của rau rút sẽ có hiệu lực trong vòng 1 tiếng kể từ khi ăn, trong khi các loại thuốc đặc dụng phải mất từ 3-5 ngày mới có thể phát huy công dụng tương tự.

Bạn cũng nên lưu ý rằng tác dụng diệt khuẩn của rau rút chỉ phát huy với các vi sinh vật có hại. Các loại kháng sinh thường gặp cũng có công dụng diệt khuẩn, nhưng chúng cũng tiêu diệt luôn cả các sinh vật có lợi trong cơ thể. Để tránh gặp phải hiện tượng này, các bác sĩ thường khuyên sử dụng các loại thảo dược lành tính để diệt khuẩn, trong đó có rau rút. 

2.5. Bảo vệ hệ tim mạch và phòng chống tiêu chảy

Rau rút chứa lượng đường rất thấp, vì vậy uống nước ép rau rút hàng ngày là một cách hữu hiệu để cân bằng đường huyết và huyết áp cho cơ thể. Bằng cách này, bạn có thể hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch như viêm mạch và trụy tim, đồng thời tránh mắc phải các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy. 

Các hợp chất tanin và flavonoid có trong rau rút có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu thức ăn qua ruột và giúp ngăn ngừa tiêu chảy. Bên cạnh đó, tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn của rau rút sẽ giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và tạo điều kiện cho hệ tiêu hóa, bài tiết hoạt động bình thường trở lại. 

2.6. Lợi tiểu

Ăn canh và các món ăn được làm từ rau rút là một cách hữu hiệu để cung cấp đầy đủ lượng nước cần thiết và giải nhiệt cơ thể, nhất là trong những ngày thời tiết nóng nực. Lượng nước có trong rau rút sẽ được cơ thể hấp thụ nhanh chóng và có tác dụng kích thích đi tiểu, giúp giảm cảm giác khó chịu, tức bụng ở những người bị bí tiểu. Để phát huy tối đa công dụng lợi tiểu của rau rút, bạn có thể uống nước luộc rau rút, hoặc giã rau rút lấy nước cốt uống hàng ngày. 

7 tác dụng của rau rút và một số lưu ý cần biết về sức khỏe - Ảnh 3.

Canh cua rau rút là một trong những món ăn giải nhiệt phổ biến của những gia đình Việt trong những ngày hè nóng nực (Nguồn: Internet)

2.7. Nâng cao sức khỏe cơ và xương khớp

Đau dây thần kinh tọa là một chứng bệnh thường gặp ở độ tuổi trung niên, gây ra rất nhiều phiền toái trong hoạt động thường ngày mà không có cách chữa trị hoặc giảm đau dứt điểm. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra hiệu quả của sử dụng chiết xuất rau rút (4 ngày/lần) trong việc thúc đẩy quá trình tái tạo dây thần kinh tọa. Cụ thể, việc sử dụng loại thảo dược tự nhiên này đem lại hiệu quả điều trị cao hơn khoảng 40% so với khi sử dụng các loại thuốc hoặc hóa trị có tác dụng tương tự mà không để lại bất cứ tác dụng phụ đáng kể nào.

Những người bị đau răng miệng, xương khớp cũng có thể giã rau rút để ngậm, nhai, súc miệng hoặc áp trực tiếp lên các khớp bị đau hàng ngày để kháng viêm, diệt khuẩn và giảm đau nhanh chóng.  

3. Tác dụng phụ của rau rút và các đối tượng không nên sử dụng rau rút

3.1. Tác dụng phụ của rau rút

Rau rút có khả năng tích lũy một số kim loại nặng như chì, đồng, cadimi, kẽm, … trong rễ. Chính vì lý do này, rau rút mọc tại những nơi có nguồn nước ô nhiễm sẽ bị nhiễm kim loại nặng và không an toàn khi sử dụng dưới dạng tươi sống. Ngoài ra, khoa học cũng xác định rau rút tươi sống là nguồn lây truyền sán bã trầu (Fasciolopsis buski). Vì vậy, bạn và gia đình nên tránh ăn rau nhút sống để đảm bảo sức khỏe.

Ngoài vấn đề này ra, việc sử dụng rau rút đã qua chế biến là tương đối an toàn. Những trường hợp sử dụng rau rút liên tục, quá liều lượng hoặc thiếu khoa học có thể gặp phải những tác dụng phụ sau đây:

  • Theo Đông y, rau rút có tính hàn và chứa nhiều nước. Sử dụng đúng liều lượng sẽ có tác dụng thanh lọc cơ thể và giải nhiệt, tuy nhiên nếu dùng thiếu khoa học sẽ dễ dẫn đến các hiện tượng như lạnh bụng, đau bụng, tiêu chảy, …

  • Thường xuyên ăn rau rút cũng có thể gây giảm thể trạng ở những đối tượng như trẻ nhỏ và người già.

Ở thời điểm hiện tại, chưa có đầy đủ thông tin khoa học để xác minh được chính xác lượng rau rút nên ăn hàng ngày là bao nhiêu. Đối với việc sử dụng rau rút dưới dạng chiết xuất hoặc thực phẩm chức năng, nhiều nghiên cứu khoa học đã khuyến nghị sử dụng với liều lượng như sau:

  • Đối với dạng lỏng: 3-6ml chiết xuất rau rút (tỉ lệ 1:2)/ngày.

  • Đối với dạng viên nén: 1 viên/bữa, 3 viên/ngày.

Liều lượng này có tính chất tham khảo là chủ yếu, bởi mỗi hãng dược phẩm lại sử dụng 1 công thức riêng cho sản phẩm của họ.

3.2. Các đối tượng không nên sử dụng rau rút

Với những tác dụng phụ kể trên, những đối tượng sau đây nên đặc biệt lưu ý đến liều lượng sử dụng rau rút của bản thân, hoặc ngừng hẳn việc sử dụng rau rút để đảm bảo sức khỏe:

  • Những người bị thể hàn, hoặc bệnh nhân mắc phải các bệnh lý như khó tiêu, tiêu chảy, … không nên sử dụng rau rút dưới bất kỳ dạng nào để tránh làm cho tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Các đối tượng có thể trạng yếu như người già và trẻ nhỏ cũng nên tránh sử dụng rau rút để đảm bảo thể trạng ổn định.

  • Đối với những đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai và cho con bú, các bệnh nhân mắc bệnh về máu, những người chuẩn bị hoặc đang trong quá trình phẫu thuật hay điều trị thuốc, …; nên kiêng việc sử dụng rau rút trong thời gian này để đảm bảo sức khỏe.

  • Khi dùng rau rút, nếu gặp phải bất cứ vấn đề bất thường nào về sức khỏe, cần ngừng ngay việc sử dụng rau rút lại và đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và chữa trị kịp thời.

4. Rau rút trong cuộc sống thường ngày

Trong văn hóa của người phương Đông, rau rút có thể ăn sống, tái hoặc chín. Mặc dù nhiều vùng có thói quen sử dụng rau rút làm rau sống hoặc nguyên liệu cho các món gỏi, bạn vẫn nên tránh ăn rau rút sống hoặc tái để đảm bảo sức khỏe.

Ăn rau rút đã qua chế biến (xào, luộc, nấu canh) vừa giúp phát huy những công dụng có ích của rau rút đối với sức khỏe, vừa loại bỏ được những tạp chất có thể gây hại cho cơ thể. Trong bữa ăn, nhiều người thường luộc rau rút cùng với rau muống để tăng mùi thơm và hương vị cho món rau thường ngày. Để hạn chế vị hơi chát đặc trưng của rau rút, nhiều bà nội trợ còn xào rau rút với các loại thịt, ếch, nhái, hải sản, … bổ dưỡng. Đặc biệt, món canh rau nhút nấu với khoai sọ hoặc cua vừa lạ miệng, vừa giàu dinh dưỡng đã trở thành món ăn giải nhiệt quen thuộc của nhiều hộ gia đình trong những ngày hè nóng nực.

Trong y học cổ truyền phương Đông, rau rút còn là thành phần của nhiều bài thuốc chữa các chứng bệnh như bướu cổ, phù thũng, chảy máu cam, mụn nhọt, … Nếu bạn có ý định sử dụng những bài thuốc này trong việc điều trị bệnh, cần tham khảo công thức từ các nguồn chính thống, có uy tín cùng các lời khuyên từ bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất.   

Tác dụng của rau rút trong việc phòng và điều trị bệnh từ lâu đã được y học cổ truyền đánh giá cao. Trong những năm trở lại đây, loại rau này đã thực sự trở nên phổ biến trong cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam. Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy sử dụng các thông tin cung cấp trong bài viết này một cách phù hợp, kết hợp với chỉ dẫn từ các chuyên gia y tế nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.

Nguồn tham khảo:

1.  https://microbeformulas.com/blogs/microbe-formulas/10-health-benefits-of-mimosa-pudica

2.  https://www.healthbenefitstimes.com/sensitive-plant/

3.  http://tropical.theferns.info/viewtropical.php?id=Neptunia+oleracea

 

Tác giả: Đinh Đức Huy