7 sai lầm phổ biến khiến các triệu chứng dị ứng vào mùa Xuân trầm trọng hơn

7 sai lầm phổ biến khiến các triệu chứng dị ứng vào mùa Xuân trầm trọng hơn
Dị ứng vào mùa Xuân thường không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số thói quen có thể làm các triệu chứng dị ứng trầm trọng hơn, vì thế mọi người nên chú ý và thay đổi những thói quen này.

Dị ứng thường phổ biến vào mùa Xuân do đây là thời điểm có nhiều phấn hoa, bào tử nấm mốc, bụi cỏ, … Khi các tác nhân này tác động vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ giải phóng histamin. Khi lượng histamin vượt ngưỡng cho phép của cơ thể sẽ gây ra phản ứng dị ứng với các triệu chứng như ho, hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, chảy nước mắt, …

Các triệu chứng có thể được kiểm soát nhờ thuốc và các biện pháp tại nhà. Tuy nhiên, một số thói quen dưới đây có thể khiến triệu chứng dị ứng trầm trọng hơn mà mọi người nên lưu ý.

1. Không tránh các tác nhân gây dị ứng

Thông thường các triệu chứng dị ứng theo mùa dễ gây nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp như cúm, cảm lạnh, … Do đó, việc chẩn đoán nhầm hoặc không biết rõ tác nhân gây dị ứng khiến mọi người không tránh xác các tác nhân gây hại. Khi vô tình tiếp xúc với chất kích ứng nào đó, các triệu chứng dị ứng trở nên trầm trọng hơn.

Vì vậy, khi có các dấu hiệu của dị ứng, tốt hơn hết các bạn nên dành nhiều thời gian trong nhà, hạn chế tiếp xúc với phấn hoa, lông động vật, bụi bẩn, nấm mốc, …

2. Dụi mắt liên tục

Ngứa mắt là triệu chứng phổ biến khi bị dị ứng, mọi người thường có thói quen dụi mắt để làm giảm cảm giác ngứa mắt, khó chịu. Tuy nhiên, khi cho tay lên mắt, đặc biệt tay chưa được vệ sinh sạch sẽ, có chứa phấn hoa, bụi bẩn, vi khuẩn sẽ làm cho tình trạng ngứa mắt trầm trọng hơn.

7 sai lầm phổ biến khiến các triệu chứng dị ứng vào mùa Xuân trầm trọng hơn - Ảnh 2.

Dụi mắt liên tục có thể làm tổn thương mắt và làm triệu chứng ngứa mắt do dị ứng trầm trọng hơn (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

8 lời khuyên cho mùa Xuân giúp bạn tăng cường sức khỏe

Điểm khác biệt giữa nổi mề đay do dị ứng mùa Xuân với bệnh Chàm

Vì thế, bạn nên đảm bảo rửa tay với xà phòng trước khi cho tay lên mắt hoặc nên dùng khăn mềm để lau mắt khi bị ngứa hoặc chảy nước mắt. Khi ra ngoài nên đeo kính để phòng ngừa phấn hoa, bụi bẩn bay vào mắt.

3. Ăn những thực phẩm có thể gây dị ứng

Những người bị dị ứng theo mùa thường có các kháng thể có thể khiến hệ thống miễn dịch của họ phản ứng thái quá với một số loại thực phẩm. Hiện tượng này được gọi là phản ứng chéo. Ví dụ, nếu bạn bị dị ứng với cỏ phấn hương, bạn có thể gặp các triệu chứng dị ứng như ngứa ở môi, lưỡi và miệng nếu ăn chuối, dưa, dưa chuột hoặc bí xanh. Nếu bạn bị dị ứng với phấn hoa của cây bạch dương, bạn có thể có các triệu chứng dị ứng sau khi ăn táo, lê, đào, quả phỉ, kiwi, cà rốt hoặc cần tây. 

Để làm giảm các triệu chứng dị ứng, bạn hãy cố gắng nhớ những thực phẩm gây dị ứng cho cơ thể mình và tránh xa chúng.

4. Không đóng cửa nhà

Mọi người thường mở cửa để giúp nhà cửa thông thoáng, đón nắng hoặc gió để giúp nhà cửa khô ráo, mát mẻ. 

Tuy nhiên, đối với những người bị dị ứng vào mùa Xuân, đặc biệt do phấn hoa, việc làm này sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu hơn do phấn hoa, bụi, nấm mốc, ... sẽ bay vào nhà, gây kích ứng cho người bệnh.

Vì vậy, bạn nên cố gắng đóng kín của và dùng máy điều hoà không khí có bộ lọc. Nếu cần thiết mở cửa, không nên mở hết tất cả cửa nhà, chỉ mở khoảng ⅓ độ rộng của cửa.

5. Uống rượu

Bất kỳ loại rượu nào cũng làm tăng lưu lượng máu đến niêm mạc mũi và có thể làm cho các triệu chứng dị ứng mũi trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, nếu bạn là người có các vấn đề về mũi quanh năm, bao gồm cả nghẹt mũi thường xuyên, tình trạng này có thể trở nên phức tạp hơn do rượu.

7 sai lầm phổ biến khiến các triệu chứng dị ứng vào mùa Xuân trầm trọng hơn - Ảnh 3.

Rượu làm tăng lưu lượng máu đến niêm mạc mũi và có thể làm cho các triệu chứng dị ứng mũi trở nên tồi tệ hơn (Ảnh: Internet)

Do đó, khi bị dị ứng theo mùa và bạn đã cảm thấy nghẹt mũi, bạn nên tránh xa bia hoặc rượu để đảm bảo sức khỏe. Thay vào đó, bạn nên uống nhiều nước lọc hoặc nước ép hơn.

6. Dùng nước chứa nhiều clo và dùng nước hoa

Các mùi như clo từ bể bơi và nước hoa nồng nặc có thể gây kích ứng đường hô hấp ở mũi và phổi khiến bạn ho. Các chất kích thích như nước hoa và thuốc nhuộm trong mỹ phẩm và các sản phẩm tẩy rửa cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng da, được gọi là viêm da tiếp xúc. Viêm da có thể gây phát ban và dẫn đến ngứa, điều này sẽ làm cho các triệu chứng dị ứng khác của bạn trở nên tồi tệ hơn.

Khi đang trong tình trạng dị ứng, bạn không nên đi tắm ở bể bơi, không nên dùng nước hoa hoặc các mỹ phẩm nặng mùi.

7. Không tắm sau khi từ bên ngoài trở về

Khi bạn dành nhiều thời gian ở bên ngoài, đặc biệt nếu bạn đang tập thể dục ngoài sân, phấn hoa, bụi mốc tử cây cỏ có thể bám trên da và tóc của bạn, làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng.

Do đó, nếu bạn bị dị ứng, bạn nên tắm lần thứ hai sau khi vào nhà để rửa sạch phấn hoa hoặc các tác nhân gây kích ứng khác.

Làm thế nào để điều trị và làm giảm các triệu chứng dị ứng mùa Xuân?

Để điều trị và làm giảm các triệu chứng dị ứng vào mùa Xuân, các bạn có thể điều trị theo đơn thuốc từ bác sĩ, chẳng hạn:

- Thuốc kháng histamine làm giảm hắt hơi, sụt sịt và ngứa bằng cách giảm lượng histamine trong cơ thể bạn.

- Thuốc thông mũi làm co các mạch máu trong đường mũi để giảm nghẹt mũi và sưng tấy.

- Combo thuốc kháng histamine/thuốc thông mũi kết hợp tác dụng của cả hai loại thuốc.

- Thuốc thông mũi dạng xịt làm giảm nghẹt mũi và có thể làm sạch đường mũi bị tắc nhanh hơn thuốc thông mũi dạng uống mà không có một số tác dụng phụ.

- Thuốc xịt mũi steroid giúp giảm viêm và là phương pháp điều trị ban đầu được ưu tiên

- Thuốc xịt mũi natri cromolyn có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm mũi dị ứng bằng cách ngăn chặn việc giải phóng histamine trước khi nó có thể gây ra các triệu chứng dị ứng.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, điều cần thiết là sử dụng thuốc theo sự chỉ định từ bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc.

Bên cạnh đó, một số biện pháp khác có thể làm giảm các triệu chứng dị ứng, giúp cơ thể thoải mái hơn như:

- Dùng máy tạo độ ẩm giúp làm thông thoáng đường thở, giảm tình trạng nghẹt mũi, ho.

- Dùng nước muối sinh lý rửa mũi sẽ giúp giảm tình trạng nghẹt mũi

- Uống nhiều nước 

Nhìn chung, dị ứng vào mùa Xuân chủ yếu do phấn hoa, nấm mốc, bụi cỏ gây ra. Để phòng ngừa tình trạng này, mọi người nên tránh xa các tác nhân gây dị ứng, tăng cường hệ miễn dịch với chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống khoa học.

Nguồn tham khảo:

1. 8 Allergy Mistakes You Don't Want to Make

2. Spring allergy season is here: 9 common mistakes that can make symptoms worse


Tác giả: Vân Anh