7 phương pháp giúp giảm khó thở do cảm lạnh gây ra

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
7 phương pháp giúp giảm khó thở do cảm lạnh gây ra
Làm giảm khó thở do cảm lạnh tại nhà là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Chỉ với những phương pháp đơn giản sau đây, bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn rất nhiều.

Khó thở là một triệu chứng rất thường gặp ở những bệnh nhân bị cảm lạnh. Tình trạng này gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người mắc bệnh. Dưới đây là 7 phương pháp giúp giảm khó thở do cảm lạnh gây ra có thể thực hiện tại nhà.

1. Thở mím môi

Đây được xem là kỹ thuật đơn giản để giảm khó thở do cảm lạnh. Nó giúp bạn nhanh chóng mở rộng đường thở để hít vào, thở ra dễ dàng và sâu hơn. Bệnh nhân có thể áp dụng kỹ thuật này bất kỳ khi nào cảm thấy khó thở.

Các bước thực hiện kỹ thuật này bao gồm:

- Thư giãn, thả lỏng cơ vai và cổ. Đặt một tay lên thành bụng.

- Hít vào bằng đường mũi 2 nhịp, miệng vẫn đóng và người bệnh cảm thấy thành bụng hơi căng ra.

- Mím môi (chúm môi) lại cho hơi thở từ từ thoát ra kẽ môi, thành bụng xẹp dần xuống.

Thực hiện động tác thở mím môi thường xuyên có thể giúp giảm khó thở do cảm lạnh hiệu quả.

2. Ngồi thả lỏng và hơi nhô người về phía trước

Thả lỏng cơ thể khi đang ngồi trên ghế là động tác giúp cơ thể được thư giãn, từ đó giúp bệnh nhân hít thở dễ dàng hơn, giảm khó thở do cảm lạnh gây ra.

Tư thế này được thực hiện như sau:

- Ngồi trên ghế, lòng bàn chân đặt xuống sàn, ngực hơi chếch về phía trước một chút.

- Nhẹ nhàng đặt cùi chỏ lên đầu gối hoặc 2 tay giữ lấy cằm. Luôn giữ cho phần vai, cổ thả lỏng

3. Đứng dựa lưng vào tường có thể giúp làm giảm khó thở do cảm lạnh

Đứng dựa lưng vào tường là một động tác đơn giản nhưng rất có hiệu quả trong cải thiện triệu chứng khó chịu, giảm khó thở do cảm lạnh gây ra. Động tác này được thực hiện như sau:

- Đứng dựa lưng vào tường sao cho phần hông đặt sát tường.

- Dang rộng 2 chân, thả lỏng 2 tay trên đùi.

- Thả lỏng vai, vai hơi nhô về phía trước, 2 cánh tay buông lỏng ở phía trước.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể thực hiện động tác đứng chống tay lên bàn để giảm khó thở do cảm lạnh gây ra:

- Đứng hơi nghiêng người về phía trước, 2 tay chống lên bàn hay bất kỳ vật đứng trụ nào thấp hơn vai .

- Thả lỏng 2 vai và cổ, nhẹ nhàng hít vào và thở ra.

4. Thay đổi tư thế nằm

Thay đổi tư thế nằm thoải mái hơn khi ngủ cũng sẽ giúp làm giảm khó thở do cảm lạnh gây ra, từ đó có thể giúp ngủ sâu, ngon giấc hơn. Bạn có thể nằm theo 2 tư thế như sau:

- Nằm nghiêng một bên, kẹp một chiếc gối giữa 2 chân. Kê đầu cao lên bằng gối sao cho bạn cảm thấy thoải mái nhất, đồng thời giữ lưng thẳng.

- Nằm ngửa, thẳng lưng, kê cao đầu bằng 1 hoặc 2 chiếc gối. Đồng thời đặt thêm 1 chiếc gối ở dưới 2 đầu gối.

5. Thở sâu

Thở sâu đường bụng có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng nghẹt mũi, giảm khó thở do cảm lạnh. Các bước thực hiện thở sâu bao gồm:

- Nằm xuống, đặt hai tay lên bụng.

- Hít sâu qua mũi, phình bụng và để phổi chứa đầy không khí.

- Nín thở sâu trong vài giây, sau đó thở chậm qua miệng cho đến khi phổi hết không khí.

- Lặp lại trong 5 đến 10 phút.

Bài tập thở sâu có thể được thực hiện vài lần trong ngày để giảm khó thở. Tốt nhất là giữ nhịp thở chậm và sâu.

6. Uống trà gừng cũng giúp giảm khó thở do cảm lạnh

Một liệu pháp khác để làm giảm sức ép đường mũi hiệu quả là trà gừng. Gừng là một nguyên liệu dễ dàng tìm được ngay tại nhà. Cách làm trà gừng rất đơn giản:

- Gọt vỏ và cắt vài lát gừng tươi cho vào 2 cốc nước sôi.

- Đậy nắp trong 10 phút, cho thêm chanh và mật ong vào.

Uống trà gừng và chanh mật ong sẽ giúp giảm khó thở do cảm lạnh đồng thời cũng giảm các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi hiệu quả.

7. Xông hơi

Xông hơi nước có thể giúp làm thông mũi, giúp thở dễ dàng hơn. Hơi nóng và độ ẩm từ hơi nước cũng có thể làm tan chất nhầy trong mũi họng, từ đó giảm khó thở do cảm lạnh. Các bước thực hiện bao gồm:

- Đổ đầy nước nóng vào bát. Thêm một vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc tinh dầu khuynh diệp.

- Cúi mặt trên bát nước, dùng một chiếc khăn trùm qua đầu. Sau đó thở sâu, hít hơi nước.

Lưu ý hãy đảm bảo rằng nước đã hơi nguội sau khi vừa đun sôi. Nếu không, hơi nước có thể làm bỏng da của bạn.


Tác giả: Anh Dũng