7 lưu ý quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân xơ gan

7 lưu ý quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân xơ gan
Xơ gan là một bệnh mạn tính nặng, không khỏi hẳn. Nếu đỉề trị tốt bệnh có thể ổn định trong một thời gian dài. Chính vì vậy, người nhà cần có kế hoạch và trang bị kiến thức để chăm sóc bệnh nhân xơ gan một cách tốt nhất.

1. Xác định giai đoạn của bệnh xơ gan

Không phải bệnh nhân xơ gan nào cũng sẽ được chăm sóc theo một liệu trình giống nhau. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cũng như diễn tiến bệnh mà cần có những lưu ý chăm sóc bệnh nhân xơ gan sao cho phù hợp. 

Chính vì vậy, chúng ta cần phải xác định người thân của mình đang mắc xơ gan ở giai đoạn nào, tình hình sức khỏe có tốt không để có kế hoạch chăm sóc thích hợp. 

2. Xác định mục tiêu, kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan

Nếu muốn chăm sóc bệnh nhân xơ gan một cách hiệu quả và khoa học. Trước tiên chúng ta cần xác định mục tiêu cụ thể và lập một kế hoạch chăm sóc rõ ràng nhất để mọi việc được diễn ra thuận lợi. Kế hoạch chăm sóc nên dựa vào những yếu tố sau:

- Đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân, tăng cường chức năng gan.

- Làm giảm phù và cổ trướng.

- Theo dõi và phát hiện biến chứng chảy máu tiêu hoá.

- Theo dõi đề phòng hôn mê gan.

3. Cân nhắc chế độ dinh dưỡng khoa học

Cách chăm sóc bệnh nhân xơ gan tốt nhất là đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bởi khi mắc phải bệnh lý này, chức năng đào thải độc tố và làm việc của gan sẽ yếu đi. Chính vì vậy, việc đảm bảo dinh dưỡng lành mạnh trong quá trình điều trị sẽ tăng cường chức năng gan. 

Ảnh 2.

Theo đó, người bệnh nên ăn nhiều các loại rau củ quả sạch, giàu vitamin, khoáng chất và ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm hỗ trợ điều trị xơ gan. Chế độ ăn uống khoa học nhất cho bệnh nhân xơ gan hằng ngày sẽ ở trong khoảng 2500 - 3000 kcalo, hạn chế dầu mỡ và không uống rượu bia. 

Khi thấy tình trạng chán ăn, người chăm sóc bệnh nhân xơ gan nên động viên khích lệ tinh thần để đảm bảo chất dinh dưỡng được bổ sung đầy đủ. Ngoài ra, để tạo cảm giác ngon miệng, bệnh nhân nên được vệ sinh mũi miệng sạch sẽ, đặc biệt là khi bị chảy máu chân răng và máu cam.

4. Theo dõi và thực hiện theo y lệnh của bác sĩ

Đối với bệnh nhân xơ gan, các bác sĩ sẽ hướng dẫn người thân tuân theo y lệnh khám chữa để có thể hỗ trợ và khắc phục trong những trường hợp khẩn cấp. Nếu phát hiện những triệu chứng chán ăn, ăn chậm, mệt mỏi, cần phải thiết lập lại chế độ ăn uống để bổ sung dinh dưỡng. Tiến hành truyền dịch, truyền đạm, tiêm và uống Vitamin B1, B6, B12, K theo y lệnh bác sĩ khi cần thiết.

5. Xử lý khi có biến chứng xảy ra

Người bị xơ gan thường phải đối mặt với biến chứng chảy máu tiêu hóa. Chính vì vậy một lưu ý cần thiết trong cách chăm sóc bệnh nhân xơ gan chính là biết cách xử lý khi có biến chứng phát sinh. 

Người nhà nên để bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối khi xuất hiện biến chứng cổ phù, sưng nề. Ngoài ra, luôn luôn chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ y khoa, thuốc, hỗ trợ bác sĩ trong quá trình chọc tháo dịch cổ trướng. Hơn nữa, cần phải tích cực để ý quan sát những dấu hiệu và biểu hiện của bệnh nhân trước, trong và sau khi biến chứng xảy ra.

6. Theo dõi đề phòng hôn mê gan

Trong trường hợp đề phòng hôn mê gan, người nhà cần có sự quan sát và lưu ý đặc biệt đến tâm trạng của bệnh nhân. Người chăm sóc bệnh nhân xơ gan cũng cần theo dõi xem có những bất thường trong tính tình như đang vui thì lại buồn hoặc tỏ ra thờ ơ với mọi người xung quanh hay không.

Ngoài ra, một số dấu hiệu cần chú ý khi chăm sóc bệnh nhân xơ gan bao gồm:

- Bệnh nhân hay có những biểu hiện rối loạn trí nhớ, mất tập trung, suy giảm khả năng nhận thức.

- Nhiều trường hợp người bệnh bỗng xuất hiện cơn run cơ tay do rối loạn trương lực cơ. 

Nếu phát hiện những triệu chứng tiềm ẩn này, người nhà cần phải báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử lý kịp thời.

7. Nghỉ ngơi tương đối, không lao động nặng

Khi bị xơ gan, thể trạng của bệnh nhân trở nên suy yếu, chán ăn... Vì vậy, cách chăm sóc bệnh nhân xơ gan tốt nhất chính là nghỉ ngơi tại chỗ thường xuyên, không được lao động nặng. Việc khiêng vác hoặc làm quá sức có thể khiến cho tình trạng phù nề, trướng trở nên trầm trọng hơn.


Tác giả: Anh Dũng