7 lưu ý cần nhớ khi điều trị bệnh quai bị tại nhà

7 lưu ý cần nhớ khi điều trị bệnh quai bị tại nhà
Điều trị bệnh quai bị tại nhà có thể được chỉ định trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, làm thế nào để quá trình điều trị bệnh quai bị tại nhà hiệu quả và an toàn lại là điều không phải ai cũng biết. Vậy đâu là điều mà bệnh nhân, người nhà cần lưu ý để quá trình điều trị bệnh quai bị hiệu quả hơn.

Bệnh nhân mắc quai bị có thể sẽ cần thiết phải nhập viện để điều trị nếu có các dấu hiệu nguy hiểm. Tuy nhiên, trong những trường hợp bệnh nhẹ thì người bệnh có thể được chỉ định điều trị bệnh quai bị tại nhà và thực hiện theo dõi tại cơ sở y tế.

Nhưng làm thế nào để quá trình điều trị bệnh quai bị tại nhà diễn ra an toàn và hiệu quả thì lại là điều mà nhiều người còn chưa thực sự nắm rõ.

7 lưu ý cần nhớ khi điều trị bệnh quai bị tại nhà:

1. Mất bao lâu để người mắc quai bị khỏi bệnh?

Đối với các trường hợp mắc bệnh quai bị nhẹ, không có biến chứng thì bệnh có thể hoàn toàn tự khỏi mà không cần bất kỳ phương pháp điều trị đặc hiệu nào.

Sau khoảng thời gian từ 7 đến 8 ngày sau khi khởi phát bệnh thì các biểu hiện của bệnh trở nên thuyên giảm và thường sẽ hết hẳn các biểu hiện trong khoảng 1 đến 2 tuần sau khi khởi phát các triệu chứng đầu tiên, với trẻ em thời gian này có thể ngắn hơn trong khoảng 10 đến 12 ngày.

Nếu chưa biết các Dấu hiệu của bệnh quai bị qua các giai đoạn thì bạn nên tìm hiểu thêm thông tin.

Dựa trên sự diễn tiến tự nhiên này của bệnh quai bị, người bệnh cần phải lưu ý nếu sau 1 tuần mà các triệu chứng của bệnh không thuyên giảm hoặc thậm chí trở nên trầm trọng hơn thì cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời bằng các biện pháp tích cực hơn.

2. Giảm đau, hạ sốt khi điều trị bệnh quai bị tại nhà

Đau nhức xương khớp, đau khớp thái dương hàm, đau sau tai, đau hạch dưới hàm, sốt cao,... đều là những triệu chứng rất phổ biến của bệnh quai bị. Chính vì thế, khi điều trị bệnh quai bị tại nhà cần phải chú đến giảm đau và hạ sốt cho người bệnh.

Để đảm đau và hạ sốt cho bệnh nhân, có nhiều phương pháp có thể sử dụng bao gồm cả các phương pháp không sử dụng thuốc và sử dụng thuốc.

- Đối với các trường hợp đau nhẹ, người bệnh có thể sử dụng chườm nóng hoặc chườm lạnh tại vị trí đau để giảm đau. Đây là phương pháp giảm đau khá hiệu quả mà lại giúp tránh được các tác dụng phụ của thuốc.

Có thể bạn chưa biết Khi nào thì nên chườm nóng và khi nào nên chườm lạnh?

- Còn đối với các trường hợp bệnh nhân sốt dưới 38,5 độ C thì việc sử dụng thuốc hạ sốt là không được khuyến cáo, người bệnh được khuyên chỉ nên dùng khăn ấm lau tại các vị trí vùng da mỏng có các động mạch lớn chạy qua như nách, bẹn,... Không lau khắp cơ thể bệnh nhân dễ gây cảm lạnh cho người bệnh.

Khi đã áp dụng tích cực các biện pháp giảm đau, hạ sốt không dùng thuốc nhưng không hiệu quả, hoặc khi bệnh nhân đau nhiều, sốt cao trên 38,5 độ C thì các loại thuốc giảm đau, hạ sốt nên được sử dụng. Nhưng loại thuốc giảm đau, hạ sốt thường dùng khi điều trị bệnh quai bị tại nhà kể đến như Ibuprofen, Paracetamol,... Nên tránh dùng Aspirin để giảm đau, hạ sốt cho bệnh nhân quai bị bởi có thể gây nên hội chứng Reye rất nguy hiểm.

7 lưu ý cần nhớ khi điều trị bệnh quai bị tại nhà? - Ảnh 1.

Các loại thuốc giảm đau, hạ sốt có thể được sử dụng nếu cần thiết khi điều trị bệnh quai bị tại nhà (Ảnh: Internet)

3. Bổ sung nước cho bệnh nhân mắc bệnh quai bị

Các triệu chứng của bệnh quai bị như sốt cao,... có thể khiến cho bệnh nhân bị mất nước. Do vậy, người bệnh cần được bổ sung nước đầy đủ trong quá trình điều trị bệnh quai bị tại nhà. Bệnh nhân được khuyến cáo có thể bổ sung nước bằng cách uống nhiều nước hơn hằng ngày, hoặc sử dụng các loại thức ăn có lượng nước cao như súp, cháo,...

Tuy nhiên, khi bổ sung nước trong quá trình điều trị bệnh quai bị tại nhà cần chú ý tránh sử dụng các loại nước có tính acid hoặc có vị chua,... Bởi các loại thức uống này thường kích thích tăng bài tiết nước bọt và khiến bệnh nhân bị đau nhiều hơn.

4. Ăn thức ăn mềm khi bị bệnh quai bị

Cảm giác đau có thể sẽ tăng lên nhiều khi bệnh nhân vận động khớp vùng hàm quá nhiều. Vì thế các loại thức ăn dành cho bệnh nhân quai bị nên được chế biến để có thể ăn một cách dễ dàng trong khi không cần phải nhai quá nhiều, tránh sử dụng các loại thức ăn cứng.

Những loại thức ăn mềm mà bệnh nhân nên sử dụng khi điều trị bệnh quai bị tại nhà có thể kể đến như các món súp, cháo, món hầm, khoai tây nghiền, trứng,...

7 lưu ý cần nhớ khi điều trị bệnh quai bị tại nhà? - Ảnh 2.

Nên sử dụng các loại thức ăn mềm cho người mắc bệnh quai bị (Ảnh: Internet)

5. Mặc quần lót chặt nếu bị viêm tinh hoàn

Đối với những bệnh nhân bị mắc bệnh quai bị thể viêm tinh hoàn thì người bệnh cần sử dụng các loại quần lót chặt để treo tinh hoàn thay cho các loại quần lót rộng rãi, thoải mái.

Các quần lót chặt có tác dụng treo tinh hoàn khi tinh hoàn của người bệnh bị viêm, tránh cho tinh hoàn bị thõng xuống và gây đau nhiều hơn cho bệnh nhân.

Ngoài biến chứng viêm tinh hoàn sau quai bị thì nếu không điều trị đúng cách Người mắc bệnh quai bị có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

6. Thực hiện cách ly bệnh nhân phòng chống lây nhiễm

Bệnh quai bị là bệnh do virus gây nên, chính vì thế khi điều trị bệnh quai bị tại nhà nếu không thực hiện tốt các biện pháp cách ly phòng chống lây nhiễm tốt thì nguy cơ bùng phát thành dịch trong cộng đồng là rất lớn.

Các biện pháp hữu ích để cách ly phòng chống lây lan bệnh quai bị ra cộng đồng bao gồm nên nghỉ học hoặc nghỉ làm khi mắc bệnh quai bị, hạn chế để người bệnh tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân quai bị, các vật dụng vệ sinh cá nhân hoặc đồ chơi của bệnh nhân cần phải được sát khuẩn sạch sẽ để phòng chống lây nhiễm,...

7. Đến bệnh viện ngay khi cần thiết

Để quá trình điều trị bệnh quai bị tại nhà trở nên an toàn hơn, một vấn đề quan trọng khác chính là cần phải xác định được các thời điểm nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị bằng các biện pháp thích hợp.

Những trường hợp nên đưa người bệnh quai bị đến cơ sở y tế ngay:

- Các triệu chứng kéo dài sau 1 tuần dù đã được điều trị đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Các triệu chứng của bệnh trở nên nặng nề hơn như sốt cao liên tục, đau nhiều không đáp ứng với thuốc giảm đau,...

- Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng mới như đau tinh hoàn, mất thính lực, co giật, nôn mửa, cổ cứng, li bì, đau bụng nhiều,...

- Tất cả các bệnh nhân mang thai mắc bệnh quai bị đều cần phải được tìm đến các cơ sở y tế để điều trị do bệnh có thể làm tăng các nguy cơ trong thai kỳ.

7 lưu ý cần nhớ khi điều trị bệnh quai bị tại nhà? - Ảnh 3.

Cần đưa bệnh nhân đến thăm khám ngay tại cơ sở y tế khi có các dấu hiệu bất thường của bệnh (Ảnh: Internet)

Trên đây là một số điểm lưu ý chính mà người bệnh cần nhớ khi điều trị bệnh quai bị tại nhà. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh, hãy liên hệ ngay với các bác sĩ điều trị để được giải đáp chính xác và đầy đủ nhất.


Tác giả: QN