Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng xảy ra bên trong đường tiết niệu, ảnh hưởng tới đường tiết niệu dưới bao gồm bàng quang và niệu đạo.
Phụ nữ mắc viêm đường tiết niệu nhiều hơn nam giới. Điều này là do phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn nên vi khuẩn dễ xâm nhập vào niệu đạo và bàng quang. Ngoài ra, lỗ niệu đạo của phụ nữ gần hậu môn hơn, nơi tìm thấy hầu hết vi khuẩn E.coli - nguyên nhân phổ biến gây ra viêm đường tiết niệu.
Đặc biệt, trong thời tiết nồm ẩm, quần áo ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi sinh vật, vi khuẩn và nấm phát triển mạnh, nhất là vi khuẩn Ecoli.
Một số triệu chứng phổ biến ở người bị viêm đường tiết niệu như: đi tiểu liên tục, tiểu rắt, khó chịu hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu, nước tiểu đục và có mùi mạnh, nước tiểu có thể chứa máu, đau quặn ở phần thắt lưng hoặc bụng dưới.
Viêm đường tiết niệu không phải lúc nào cũng phòng tránh được nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng một số biện pháp sau:
Quần áo khi giặt xong không được phơi khô dưới nắng gió dễ bị ẩm ướt, vi khuẩn dễ phát triển. Khi mặc những trang phục ẩm ướt này, nhất là đồ lót sẽ dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
Do đó, khi thời tiết nồm ẩm, mọi người nên giặt và sấy khô quần áo, phơi đồ trong không gian rộng, thoáng đãng. Nếu quần áo chưa khô hoàn toàn thì không nên mặc.
Uống nhiều nước sẽ giúp bạn đi tiểu thường xuyên hơn, giúp đẩy vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu. Từ đó, sẽ giúp phòng ngừa và làm giảm triệu chứng cho những người bị viêm đường tiết niệu.
Mỗi ngày các bạn nên bổ sung khoảng 2 lít nước, trong đó có thể bao gồm nước lọc, trà, sinh tố, … Lưu ý, các bạn nên tránh xa các loại đồ uống có ga hoặc chứa caffeine vì chúng không có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ.
Nhịn tiểu không chỉ ảnh hưởng đến thận mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm đường tiết niệu. Do đó, mọi người không nên nhịn tiểu, cách 3 đến 4 tiếng nên đi tiểu một lần.
Âm đạo tự nhiên chứa hơn 50 loại vi khuẩn khác nhau, nhiều trong số đó là một loại vi khuẩn có tên là Lactobacilli. Những vi khuẩn này giúp giữ cho âm đạo khỏe mạnh và cân bằng độ pH.
Các sản phẩm dành cho phụ nữ có mùi thơm có thể phá vỡ sự cân bằng này, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển quá mức. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng tiểu, viêm âm đạo do vi khuẩn và nhiễm trùng nấm men.
Do đó, chị em nên tránh các sản phẩm có mùi thơm, độ pH quá cao khi vệ sinh vùng kín.
Probiotic là những vi sinh vật sống có thể làm tăng vi khuẩn đường ruột tốt. Chúng cũng có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn tốt trong đường tiết niệu và phòng ngừa viêm đường tiết niệu.
Mọi người có thể bổ sung men vi sinh bằng một số cách như:
- Ăn thực phẩm lên men, chẳng hạn như sữa chua, dưa cải bắp, kim chi, phô mai, ...
- Uống bổ sung men vi sinh
Để phòng ngừa viêm đường tiết niệu, mọi người nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ sau khi đi vệ sinh. Lưu ý, khi sử dụng giấy sau khi đi vệ sinh, mọi người nên lau từ trước ra sau. Điều này giúp ngăn vi khuẩn lây lan từ vùng hậu môn sang âm đạo và niệu đạo.
Mặc đồ bó sát có thể làm tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu. Do đó, mọi người nên chọn những bộ trang phục rộng rãi, thoải mái, làm từ chất liệu cotton.
Nếu không điều trị đúng cách và phù hợp, viêm đường tiết niệu có thể gây viêm bể thận. Do đó, khi có các dấu hiệu của viêm đường tiết niệu, mọi người nên đến bệnh viện để thăm khám và điều trị theo phác đồ từ bác sĩ.
Đặc biệt, khi xuất hiện các triệu chứng sau nên đến bệnh viện ngay để được chăm sóc y tế kịp thời:
- Đau dữ dội ở lưng gần xương sườn hoặc bụng dưới
- Nôn mửa hoặc buồn nôn
- Sốt
Nhìn chung, thời tiết nồm ẩm có thể gây ra các bệnh hô hấp, da liễu và có thể làm tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu. Để bảo vệ sức khoẻ trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, mọi người nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng, vệ sinh nhà cửa, chăn màn, ... thường xuyên để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh, không nên mặc trang phục ẩm ướt.
Nguồn tham khảo: 9 Ways to Reduce Your Risk of a UTI