7 lời khuyên giúp tăng cường hệ miễn dịch phòng tránh bệnh truyền nhiễm

7 lời khuyên giúp tăng cường hệ miễn dịch phòng tránh bệnh truyền nhiễm
Thay vì chờ đợi những dấu hiệu của bệnh, tốt nhất là nên thực hiện các bước hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch giúp ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm ngay từ đầu.

Hệ miễn dịch là một hệ thống bao gồm các tế bào đặc biệt, protein, các mô và các cơ quan giúp cơ thể chống lại mầm bệnh, virus và vi khuẩn. Miễn dịch còn là quá trình sinh học hoạt động bằng cách xác định các kháng nguyên lạ và giết chết các vi sinh vật lạ hay những tế bào bất thường.

Hệ miễn dịch có vai trò là hệ thống bảo vệ tự nhiên của con người trước các tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm, phục hồi các tế bào tổn thương, phòng ngừa ung thư. Ngoài ra, khi cơ thể viêm nhiễm do các vết cắt, bạch cầu sẽ xác định vi khuẩn, tạo kháng thể để chống nhiễm trùng và giúp các phản ứng miễn dịch hoạt động.

Thời tiết thay đổi, môi trường sống xuất hiện nhiều virus, vi khuẩn, nấm mốc gây các bệnh truyền nhiễm luôn là mối lo ngại của cả người lớn và trẻ nhỏ. Vì vậy, thực hiện những biện pháp tăng cường hệ miễn dịch sẽ giúp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe một cách toàn diện hàng ngày.

1. Ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng

Một trong những biện pháp tăng cường hệ miễn dịch đầu tiên là ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng, tránh stress kéo dài. Tác hại của việc thiếu ngủ và căng thẳng tột độ là làm gia tăng lượng hormone cortisol trong cơ thể, kiềm hãm khả năng hoạt động của hệ miễn dịch trong thời gian dài.

2. Không hút thuốc và tránh xa khói thuốc để tăng cường hệ miễn dịch

Thói quen hút thuốc tác động trực tiếp đến hệ miễn dịch, làm suy giảm miễn dịch và gia tăng nguy cơ viêm phế quản, viêm phổi với cả người hút và người hít khói thuốc. Ngoài ra, khói thuốc lá còn gây viêm tai giữa đối với trẻ.

Chính vì vậy, việc không hút thuốc dù là chủ động hay thụ động cũng đều góp phần tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

3. Hạn chế uống nhiều rượu bia và các chất kích thích

Uống quá nhiều bia rượu sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch và gia tăng khả năng mắc bệnh viêm phổi. Do đó, để bảo vệ sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, nên hạn chế uống các chất có cồn để giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

4. Ăn nhiều rau củ quả và các loại đậu cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch

Việc bổ sung nhiều rau củ quả cùng các loại hạt, các loại đậu sẽ giúp bạn được cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cơ thể, từ đó tăng cường hệ miễn dịch. Theo một nghiên cứu khoa học chứng minh, ăn nhiều rau củ và trái cây sẽ giúp cải thiện phản ứng của cơ thể với vaccine Pneumovax, loại vaccine giúp bảo vệ cơ thể chống lại viêm phổi Streptococcus.

5. Sử dụng thực phẩm bổ sung lợi khuẩn

Các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra rằng các loại thực phẩm bổ sung lợi khuẩn giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm trùng dạ dày, giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, các sản phẩm sữa lên men cũng giúp giảm viêm đường hô hấp ở người lớn và trẻ nhỏ.

6. Tiếp xúc với ánh nắng buổi sáng

Ánh nắng mặt trời tác động đến quá trình sản sinh vitamin D của da. Vào mùa hè, bạn nên phơi nắng khoảng 10–15 phút sẽ giúp cơ thể bổ sung vitamin D và tăng cường hệ miễn dịch. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người ở nơi thiếu ánh nắng, cơ thể sẽ không có đủ hàm lượng vitamin D cần thiết.

Việc thiếu vitamin D sẽ làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp. Chính vì vậy, tiếp xúc với ánh nắng buổi sáng trước 8h là thói quen tốt giúp tăng cường hệ miễn dịch.

7. Sử dụng tỏi trong thực đơn hàng ngày

Tỏi là là một loại gia vị có khả năng diệt khuẩn, là một loại kháng sinh phổ rộng và có tác dụng thúc đẩy hệ miễn dịch phát triển. Điều này là do sức nóng của tỏi giúp hủy hoạt chất hiệu quả. Chính vì vậy, bổ sung tỏi vào thực đơn hàng ngày có thể giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dich, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm hiệu quả.


Tác giả: Anh Dũng