7 loại hình Yoga thường gặp và cách phân biệt

7 loại hình Yoga thường gặp và cách phân biệt
Yoga là một bộ môn thể thao có từ lâu đời và đã được nhân rộng trên khắp thế giới với rất nhiều các nhánh nhỏ khác nhau. Trên thực tế, có bao nhiêu loại hình Yoga và làm thế nào để phân biệt chúng?

Yoga có thể được chia thành 7 loại chính dựa theo các tư thế và điều mà chúng tập trung đến. Mỗi loại hình Yoga mang một đặc điểm khác nhau, phù hợp với những nhóm đối tượng khác nhau.

1. Hatha Yoga

Đây là nền tảng của tất cả các bộ môn Yoga. Chúng bao gồm chuỗi các tư thế hay asana rất phù hợp với những người mới bắt đầu tập. Phần lớn các tư thế đều nhẹ nhàng, chậm rãi, thư thái giúp tập trung hơn vào việc hít thở và thư giãn.

Hatha Yoga giúp thả lỏng cơ thể và thư giãn tâm trí, lấy lại sự cân bằng cho cơ thể qua các động tác căng và giãn. Những tư thế này còn giúp khai mở các quan năng, tăng dòng sinh lực cho toàn bộ thân thể và tinh thần người tập, giúp trị liệu rất nhiều vấn đề sức khỏe, giảm cân và xây dựng hệ miễn dịch.

2. Vinyasa Yoga

Vinyasa có nghĩa là "kết nối" trong tiếng Ấn Độ. Đây là thể loại Yoga kết nối giữa chuyển động và hơi thở, tạo thành chuỗi các động tác chuyển tiếp nhẹ nhàng. Các bài tập của Vinyasa Yoga thiên về tinh thần nhiều hơn, liên kết giữa các bài tập thở, niệm chú (Om chanting) và thiền, sau đó kết thúc bằng tư thể nghỉ ngơi.

Một số lợi ích của Vinyasa Yoga bao gồm:

- Làm dịu tâm trí.

- Giảm thiểu căng thẳng.

- Giảm cân, trị liệu nhiều vấn đề về sức khỏe.

- Xây dựng hệ miễn dịch mạnh khỏe.

7 loại hình Yoga thường gặp và cách phân biệt - Ảnh 2.

3. Hot Yoga (Bikram Yoga)

Hot Yoga là loại hình Yoga được hình thành từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Loại hình Yoga này được tập trong phòng có nhiệt độ xấp xỉ 37-38 độ C để loại bỏ được độc tố, tăng nhịp tim, tăng tuần hoàn máu, tăng tính linh hoạt của cơ bắp. Chúng bao gồm 26 thế Yoga được thực hiện theo trật tự.

Luyện tập Hot Yoga hay Bikram Yoga rất tốt cho hệ tim mạch. Đồng thời, nó cũng giúp giảm cân, làm săn chắc cơ thể, giảm stress, làm tăng sự cân bằng và hòa hợp giữa tinh thần và thể chất.

4. Iyengar Yoga cho người có vấn đề về xương khớp

Iyengar Yoga tuy là một trường phái về sự đồng nhất nhưng lại không theo chuỗi như Vinyasa. Nó tập trung vào chi tiết của từng tư thế và sự điều chỉnh cơ thể. Những tư thế của Iyengar Yoga được giữ lâu hơn và sau mỗi nhịp thở cần ép động tác sâu thêm. Iyengar Yoga cũng yêu cầu sử dụng nhiều dụng cụ hỗ trợ để đảm bảo thực hiện đúng tư thế.

Tập luyện Iyengar sẽ giúp xây dựng sức mạnh, sự nhanh nhẹn và cân bằng, đồng thời điều chỉnh và cải thiện tư thế. Do vậy, đây là loại hình Yoga phù hợp với những người đang gặp vấn đề về xương khớp.

5. Power Yoga

Power yoga còn được gọi là boot camp yoga hay cardio yoga. Nó là một sự thay thế tuyệt vời cho các biện pháp thể lực nặng trước đây. Power Yoga kết hợp giữa hơi thở và chuyển động nhưng theo một trình tự được định sẵn với cường độ mạnh và tốc độ nhanh.

7 loại hình Yoga thường gặp và cách phân biệt - Ảnh 3.

Power yoga có khả năng đốt cháy mỡ tối đa, điều chỉnh vóc dáng nhanh chóng, thon gon cơ thể và làm săn chắc các khối cơ. Tuy nhiên, hình thức này không dành cho người mới bắt đầu.

6. Kundalini Yoga

Kundalini Yoga tập trung chủ yếu tập luyện trí óc qua thở (Pranayama) và các bài tập trọng tâm (Core work). Mỗi một động tác trong Kundalini sẽ được áp dụng cùng với những kỹ thuật thở khác nhau để tăng cường tác dụng của tư thế. Kundalini được xây dựng dựa trên lý thuyết 7 luân xa và nguồn sống.

Kundalini giúp người tập tập trung về tinh thần, nâng cao thể chất, giúp trí óc tập trung. Ngoài ra nó cũng giúp người tập tìm được mục đích sống của bản thân thông qua cảm nhận sự việc trong cuộc sống một cách tường tận và rõ ràng.

7. Yin Yoga

Yin Yoga là loại hình Yoga chậm và nhẹ nhàng. Với trường phái này, các tư thế được giữ trong thời gian dài khoảng 5 phút mỗi tư thế.

Lợi ích của Yin Yoga bao gồm:

- Tác dụng lên các tế bào mang tính âm. Điều này là do các mô liên kết như dây chằng, gân đáp ứng tốt nhất với những hoạt động chậm rãi và đều đặn. Nếu người tập luyện nhẹ nhàng căng giãn các mô liên kết bằng cách giữ tư thế yin trong một khoảng thời gian dài, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách kéo dài và làm mạnh hơn các mô liên kết này.

- Mang đến sự cân bằng tâm trí, cơ thể.

- Tăng cường sự lưu thông tuần hoàn của các cơ quan trong cơ thể.

- Cải thiện nguồn năng lượng tiềm ẩn bên trong cơ thể.


Tác giả: Anh Dũng