7 công dụng của hoa đậu biếc và cách pha trà hoa đậu biếc có lợi cho sức khỏe

7 công dụng của hoa đậu biếc và cách pha trà hoa đậu biếc có lợi cho sức khỏe
Đậu biếc là loại cây được trồng nhiều ở các nước Đông Á để làm cảnh. Trong những năm trở lại đây, công dụng của hoa đậu biếc trong việc phòng và điều trị bệnh cũng được nhiều người đặc biệt quan tâm. Để tìm hiểu thêm về công dụng của hoa đậu biếc đối với sức khỏe, xin mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Đậu biếc, còn được gọi là đậu hoa tím, bông biếc (tên khoa học: Clitoria ternatea) là loài thực vật có hoa thuộc họ Đậu. Đây là loại cây leo, thân thảo, sống lâu năm tại các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới như Đông Á hay Đông Nam Á. Cây thường được trồng thành hàng rào hoặc giàn hoa để làm cảnh tại các vườn hoa và công viên. Khi ra hoa, hoa đậu biếc thường có màu xanh tím, xanh lam đậm hoặc màu trắng.

Trong y học cổ truyền phương Đông, quả và rễ là các bộ phận của cây đậu biếc được sử dụng trong việc phòng và điều trị bệnh. Ngoài ra, hoa đậu biếc vừa mang những lợi ích sức khỏe tương tự, lại vừa dễ thu hoạch và chế biến hơn các bộ phận khác. Đây chính là lý do mà nhiều người tin dùng hoa đậu biếc cho bản thân và gia đình.

1. Thành phần dinh dưỡng

Theo USDA, trong 1 khẩu phần hoa đậu biếc khô (2g) có chứa:

Lượng calo

0

Chất béo

0g

Chất đạm

0g

Chất bột đường

1g

Chất xơ

1g, đáp ứng 4% khẩu phần hàng ngày

Sắt

0.2mg

Kali

50mg

Ngoài ra, hoa còn chứa nhiều các chất chống oxy hóa cùng các loại vitamin A, C, E.

Theo các nhà khoa học, hoa đậu biếc có chứa 2 thành phần hóa học hữu cơ đặc trưng như sau:

- Anthocyanin, 1 loại flavonoid có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên sắc xanh tím đặc trưng của hoa.

Cliotide, 1 nhóm peptide mang lại cho hoa đậu biếc nhiều công dụng đối với sức khỏe.

2. Công dụng của hoa đậu biếc

2.1. Tăng cường thị lực

Hợp chất proanthocyanidin có trong hoa đậu biếc đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường máu tới các mao mạch và giữ cho mắt hoạt động ổn định. Ở những nước như Bali hay Indonesia, người dân thường có thói quen uống trà hoa đậu biếc để chữa khỏi các vấn đề như mỏi mắt, chảy nước mắt và các chứng viêm mắt khác.

Ngoài ra, hàm lượng các chất chống oxy hóa cao trong hoa đậu biếc cũng có tác dụng hạn chế và làm chậm tiến trình phát triển của các bệnh như đục thủy tinh thể, cườm nước và các tổn thương võng mạc khác.

2.2. Chăm sóc da và tóc

Hoa đậu biếc được sử dụng nhiều trong lĩnh vực làm đẹp, đặc biệt là trong các loại dầu gội, dầu xả và những sản phẩm làm tóc khác. Lý do là bởi hàm lượng flavonoid phong phú (đặc biệt là anthocyanin) trong hoa đậu biếc có tác dụng nuôi dưỡng nang tóc, kích thích mọc tóc và ngăn ngừa tóc bạc. Đây là điều không chỉ cần thiết với phái đẹp, mà còn đặc biệt hữu ích đối với những quý ông gặp phải các vấn đề như rụng tóc hay hói đầu.

Nhiều chế phẩm chăm sóc da làm từ hoa đậu biếc cũng có công dụng kích thích cơ thể sản sinh ra elastin và collagen. Đây đều là những hợp chất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ sáng mịn và đàn hồi của da mà cơ thể sẽ thiếu hụt khi về già. Để làm chậm tiến trình lão hóa và giữ cho làn da “trẻ mãi không già”, bạn có thể sử dụng các sản phẩm dưỡng da tự nhiên có thành phần là hoa đậu biếc, hoặc uống trà hoa đậu biếc hàng ngày.

7 công dụng của hoa đậu biếc và cách pha trà hoa đậu biếc có lợi cho sức khỏe - Ảnh 2.

Hoa đậu biếc được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực làm đẹp (Nguồn: Internet)

Đọc thêm:

Có nên uống lá tía tô trước khi tiêm phòng không?

Uống nước đậu bắp có tác dụng gì?  

2.3. Cải thiện chức năng não bộ

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra tác dụng của chiết xuất hoa đậu biếc trong việc kích thích não bộ sản sinh ra acetylcholine, 1 loại hóa chất đảm bảo các chức năng của não bộ hoạt động ổn định. Khi não đã có đủ lượng acetylcholine cần thiết, bạn sẽ có khả năng ghi nhớ tốt hơn và ít gặp phải hiện tượng mất trí nhớ trong các hoạt động thường ngày.

Ngoài ra, uống trà hoa đậu biếc cũng là 1 cách hữu hiệu để thư giãn tinh thần và làm tâm trạng phấn chấn sau thời gian làm việc kéo dài. Màu xanh biếc của tách trà tạo cảm giác “thả lỏng” cần thiết cho thị lực, não bộ và hệ thần kinh trung ương, còn các chất chống oxy hóa khác sẽ giúp hạn chế tác động xấu của stress lên cơ thể.

7 công dụng của hoa đậu biếc và cách pha trà hoa đậu biếc có lợi cho sức khỏe - Ảnh 3.

Trà hoa đậu biếc giúp bạn thư giãn tinh thần sau ngày dài học tập và làm việc (Nguồn: Internet)

2.4. Nâng cao sức khỏe tim mạch

Trà hoa đậu biếc là loại đồ uống không chứa cholesterol, muối hay caffeine và rất tốt cho sức khỏe. Một khi đã vào cơ thể, phần dưỡng chất có trong hoa có tác dụng điều hòa lượng đường được hấp thu vào máu và cân bằng đường huyết. Ngoài ra, công dụng lợi tiểu của trà cũng sẽ giúp bạn thải bớt đường và các chất béo có hại khác ra khỏi cơ thể. Những bệnh nhân bị tiểu đường có thể uống trà hoa đậu biếc kết hợp với sử dụng thuốc để tăng hiệu quả điều trị.

Bên cạnh đó, hàm lượng flavonoid tự nhiên trong hoa đậu biếc cũng có tác dụng ổn định huyết áp. Uống trà hoa đậu biếc thường xuyên sẽ giúp giảm đáng kể chỉ số mỡ máu và cholesterol xấu (LDL), tăng lượng cholesterol có lợi cho tim mạch. Qua đó, bạn sẽ giảm nguy cơ mắc phải các bệnh lý như trụy tim, suy tim, xơ vữa động mạch, …

2.5. Phòng ngừa ung thư

Lượng chất chống oxy hóa dồi dào có trong hoa đậu biếc có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi tác hại xấu của các gốc tự do. Đặc biệt, các hợp chất cyclotide có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào có hại và ngăn ngừa việc hình thành các khối u trong cơ thể. Ở thời điểm hiện tại, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những tác dụng tích cực của loại thảo dược này trong việc phòng ngừa các chứng ung thư thường gặp và các bệnh lý nguy hiểm như HIV, ...

Đối với các bệnh nhân đã trải qua quá trình hóa trị, xạ trị, sử dụng hoa đậu biếc cũng giúp cải thiện đáng kể mức độ nhạy bén của các bạch cầu nói riêng và hoạt động của hệ miễn dịch nói chung.

2.6. Hỗ trợ tiêu hóa và giảm cân

Hàm lượng EGCG có trong trà hoa đậu biếc là vượt trội so với các loại trà thảo mộc khác và biến loại trà này trở thành thức uống phù hợp cho việc giảm cân. Chất chống oxy hóa này có tác dụng đẩy mạnh quá trình tiêu thụ calo của cơ thể thông qua kích thích việc trao đổi chất. Bên cạnh đó, uống trà hoa đậu biếc cũng có công dụng kích thích đi tiểu, giúp bạn thanh lọc và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.

Ngoài ra, các chất chống oxy hóa có trong hoa đậu biếc cũng có tác dụng kích thích tiêu hóa bằng việc làm dãn cơ bụng và tạo điều kiện lý tưởng cho lợi khuẩn phát triển. Để đảm bảo hiệu quả giảm cân cao nhất, nên uống trà hoa đậu biếc khoảng 20-30 phút sau bữa ăn, kết hợp cùng với một chế độ ăn uống – tập luyện điều độ.

2.7. Kháng viêm, giảm đau, hạ sốt

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra tác dụng của hợp chất cliotide trong hoa đậu biếc trong việc chống lại các loại vi khuẩn như E. coli, K. pneumoniae và P. aeruginosa. Hàm lượng chất chống oxy hóa phong phú trong hoa đậu biếc được đánh giá là tương đương với trà xanh, một loại thực phẩm vốn nổi tiếng với khả năng kháng viêm, diệt khuẩn vượt trội.

Đối với những người bị sốt nóng hoặc mắc các chứng viêm do nhiệt, uống trà hoa đậu biếc sẽ giúp hạ nhiệt độ cơ thể 1 cách nhanh chóng (trong vòng 6 tiếng). Lý do là bởi các dưỡng chất trong hoa có khả năng kích thích các mạch máu dưới da mở rộng, giúp tăng lưu lượng máu và giải cảm nhanh chóng.

3. Tác dụng phụ của hoa đậu biếc và những đối tượng không nên sử dụng hoa đậu biếc

3.1. Tác dụng phụ của hoa đậu biếc

Nhìn chung, việc sử dụng hoa đậu biếc tự nhiên là tương đối an toàn. Liều lượng sử dụng được các chuyên gia khuyên dùng là 1-2g (khoảng 5-10 bông) hoa đậu biếc khô/ngày. Liều dùng như vậy là đủ để pha 1 cốc trà hoặc trang trí các món ăn hàng ngày.

Tuy nhiên, hoa đậu biếc tự nhiên không phải là an toàn tuyệt đối. Các trường hợp sử dụng hoa đậu biếc thường xuyên hoặc quá liều lượng sẽ dễ gặp phải hiện tượng xuất huyết nội. Lý do là bởi hợp chất anthocyanin trong hoa có khả năng ức chế sự kết tụ tiểu cầu, tăng co bóp, lưu thông máu và dẫn đến chảy máu các bộ phận như tử cung, ...

3.2. Những đối tượng không nên sử dụng hoa đậu biếc

Với tác dụng phụ như trên, các đối tượng sau đây cần đặc biệt chú ý đến liều lượng sử dụng hoa đậu biếc, hoặc kiêng sử dụng hoa đậu biếc để đảm bảo sức khỏe:

- Phụ nữ đang hành kinh hoặc trong thời kì có thai và cho con bú.

- Các bệnh nhân mắc các bệnh về máu và những người chuẩn bị hoặc đang trong quá trình phẫu thuật, điều trị thuốc, …

Để đảm bảo an toàn, những đối tượng trên cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc ngừng sử dụng hoa đậu biếc trong 1 thời gian nhất định. Ngoài ra, nếu bạn gặp phải bất cứ vấn đề bất thường nào về sức khỏe khi dùng hoa đậu biếc, cần ngừng ngay việc sử dụng lại và đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.

4. Hoa đậu biếc trong cuộc sống hàng ngày

Tại Đông Nam Á, hoa đậu biếc được sử dụng rộng rãi để trang trí hoặc tạo màu cho các loại thực phẩm. Các nước láng giềng như Thái Lan hay Malaysia đã tận dụng đặc tính thay đổi màu sắc của loài hoa này để làm các món ăn thường ngày thêm phần cuốn hút. Sau khi giã nhuyễn hoa để lấy nước cốt, người ta thường thêm nước chanh hoặc các thành phần khác để tạo màu sắc hấp dẫn (xanh, tím, đỏ) cho cơm, đồ chiên rán và nhiều loại thức uống đặc trưng.

Trà hoa đậu biếc cũng là một loại thức uống đặc biệt được ưa chuộng tại những xứ nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Để pha trà hoa đậu biếc, bạn cần chuẩn bị khoảng 5-10 bông hoa (tươi hoặc khô đều được), 1 chút sả khô và 1 cốc nước nóng. Ngâm hoa và sả vào nước nóng trong vòng 15 phút cho tới khi cánh hoa chuyển màu trắng, lọc phần hoa đi và bạn đã có 1 tách trà hoa đậu biếc màu chàm. Tùy vào sở thích, bạn có thể thêm chút nước chanh, bông bụp giấm/atiso đỏ, đường, mật ong, … để tạo ra màu sắc và hương vị như ý cho tách trà của mình.  

Nhìn chung, hoa đậu biếc là loại thảo dược tự nhiên mang nhiều công dụng tích cực đối với sức khỏe con người. Bổ sung hoa đậu biếc vào khẩu phần ăn hàng ngày cũng là tương đối đơn giản, và bạn có thể trồng loại cây này ngay tại nhà để làm hàng rào, giàn hoa để không phải tốn nhiều công đặt mua hoa từ các nguồn bên ngoài. Để tận dụng được những công dụng của hoa đậu biếc và nâng cao sức khỏe, hãy sử dụng thông tin có trong bài viết này và tham khảo các chỉ dẫn từ bác sĩ trước khi sử dụng.  

Nguồn tham khảo:

1.       https://www.medicinenet.com/8_health_benefits_of_blue_clitoria_ternate/article.htm

2.       https://www.netmeds.com/health-library/post/blue-tea-unbelievable-health-benefits-of-this-butterfly-pea-flower-infusion

3.       https://www.wellandgood.com/butterfly-pea-flower-benefits/

4.       https://www.majesticherbs.com/clitoria-ternatea-blue-butterfly-pea-flowers-benefits/

 

Tác giả: Đinh Đức Huy