7 câu hỏi thường gặp về bệnh viêm nang lông

Tham vấn chuyên môn: -
7 câu hỏi thường gặp về bệnh viêm nang lông
Viêm nang lông là bệnh lý ngoài da mà khá nhiều người mắc phải, đặc biệt là trong mùa hè nắng nóng. Cùng nghe giải đáp một số câu hỏi thường gặp về bệnh viêm nang lông để bạn có thể hiểu rõ hơn về căn bệnh này, giúp quá trình phòng và trị bệnh hiệu quả hơn.

1. Bệnh viêm nang lông là gì?

Viêm nang lông là tình trạng lỗ nang lông bị viêm nhiễm, khiến cho da xuất hiện nhiều nốt đỏ hoặc mụn nhỏ. Viêm nang lông thường xuất hiện ở những vị trí đổ nhiều dầu và mồ hôi, hoặc ở những chỗ da bị cọ xát nhiều như lưng, mông, chân, tay, ngực,...

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông là gì?

- Do vệ sinh sai cách, khiến cho bã nhờn và bụi bẩn tích tụ ở lỗ chân lông, gây nên tình trạng viêm.

- Theo thống kê của viện da liễu, có đến 60% bệnh nhân viêm nang lông có người thân cũng bị trước đó, nên bệnh viêm nang lông có thể do di truyền.

- Việc cạo tẩy lông không đúng cách làm xây xước vùng da dễ làm da bị nhiễm trùng.

- Do tuyến nhờn hoạt động quá mức, tiết nhiều bã nhờn khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn, tạo ổ viêm.

- Lạm dụng mỹ phẩm cũng làm da yếu đi hoặc làm bít tắc lỗ chân lông.

- Việc sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài có thể khiến cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn.

3. Viêm nang lông có những loại nào?

Viêm nang lông chia làm 2 loại chính:

- Bệnh viêm nang lông nông: là viêm nang lông do vi khuẩn, do nấm, do virus, do dao cạo,...

- Bệnh viêm nang lông sâu: bao gồm viêm nang lông do vi khuẩn gram âm, viêm nang lông ở râu, viêm nang lông kèm tăng bạch cầu ái toan.

Ngoài ra còn gặp dạng viêm nang lông nhọt, hậu bối là dạng viêm nang lông tổn thương sâu gây nên biến chứng là các u, nhọt, các ổ viêm rộng.

4. Có phòng chống bệnh viêm nang lông được không?

Viêm nang lông là bệnh hoàn toàn có thể phòng chống được và phòng chống rất dễ dàng. Điều quan trọng nhất là cần giữ vệ sinh cơ thể, giữ cho da sạch sẽ, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn và nấm. Tránh tẩy, cạo lông sai cách khiến da bị trầy xước. 

Với những người có tuyến dầu hoạt động quá mức có thể tham khảo các phương pháp hiện đại ức chế bớt bã nhờn, bởi bã nhờn rất gây tắc nghẽn lỗ chân lông.

5. Viêm nang lông có chữa được không? Bệnh viêm nang lông có nguy hiểm không?

Viêm nang lông là bệnh lý ngoài da có thể chữa được. Với bệnh nhẹ, bạn có thể tự chữa tại nhà với chanh, muối, dầu dừa, lá chè, lá trầu không,... Khi bệnh nặng, bạn nên đến các trung tâm ý tế da liễu. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chữa bằng thuốc, bằng liệu pháp ánh sáng, hoặc bằng tiểu phẫu.

Viêm nang lông không nguy hiểm, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh. Nó khiến bệnh nhân ngứa ngáy và đau rát. Nếu viêm nặng, các mụn mủ lớn thì có thể để lại sẹo hoặc vết thâm trên da. Viêm nang lông làm bề mặt da sần sùi, khiến người bệnh tự ti, nhất là ở bệnh nhân nữ.

 6. Viêm nang lông có lây không?

Viêm nang lông là bệnh lý ngoài da, và không lây từ người này qua người khác. Viêm nang lông thường là do lỗ chân lông bị tắc nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn trú ngụ và sinh sôi. Chính vì vậy bạn thường thấy viêm nang lông xuất hiện vào mùa hè (mùa đổ nhiều mồ hôi và dầu) và mùa đông (là mùa dễ tắc tuyến bã nhờn).

7. Ai thuộc đối tượng hay bị mắc viêm nang lông?

Viêm nang lông có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào, ở cả người lớn và trẻ em, nhưng hiếm gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, cũng có một số đối tượng mà nguy cơ mắc viêm nang lông cao hơn hẳn:

- Người thường xuyên cạo nhổ lông không đúng cách.

- Người thường xuyên mặc quần áo bó sát, hoặc mặc quần áo làm từ vải cứng, ít thấm hút mồ hôi.

- Người có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh.

- Người vệ sinh thân thể không thường xuyên.



Tác giả: Mai Nhung