Ho có thể bắt nguồn từ nhiều lý do, ví dụ như bạn bị cảm lạnh, viêm phổi, viêm họng, nhiễm khuẩn... Mặc dù không phải lúc nào ho dai dẳng cũng nguy hiểm, tuy nhiên để đề phòng những nguy cơ xấu nhất, bạn cần đến bệnh viện khám khi ho trên 10 -14 ngày không dứt.
Dưới đây là 7 căn bệnh thường khởi phát bằng những cơn ho dai dẳng.
Tỷ lệ dân số mắc ung thư phổi ngày gia tăng. Ung thư phổi là tình trạng các tế bào bất thường phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc các tuyến của phế nang.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi, trong đó thuốc lá là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không hút thuốc lá thì bạn vẫn có thể mắc căn bệnh này. Do vậy cần chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Ho dai dẳng có thể là một dấu hiệu của bệnh ung thư phổi. Do đó, bạn nên đến khám bác sĩ nếu bị ho lâu hơn 3 tuần liên tiếp. Ở giai đoạn tiến triển, người mắc bệnh ung thư phổi có thể ho ra máu. Trong trường hợp này, người bệnh cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Xơ nang phổi là một bệnh di truyền ngy hiểm, căn bệnh khiến cơ thể tiết dịch nhầy dính và dày hơn bình thường, cản trở hoạt động của phổi và tuyến tụy. Xơ nang làm tắc nghẽn đường thở, khiến người bệnh ho nhiều. Hiện tượng tắc nghẽn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, dễ tiến đến nhiễm trùng, tổn thương phổi.
Người bị xơ nang phổi thường bị ho mạn tính, ho nhiều dai dẳng kèm theo đờm, thở khò khè. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có mồ hôi mặn, tiêu chảy mãn tính, phân hôi khó chịu và khó tăng cân.
Xẹp phổi là tình trạng toàn bộ phổi hoặc thùy phổi bị xẹp hoàn toàn hoặc một phần. Chứng xẹp phổi có thể do sự tích tụ chất nhầy trong đường thở gây ra. Trong trường hợp này, ho nhiều và dai dẳng có thể là dấu hiệu của bệnh.
Một số bệnh về tim mạch thường không có nhiều biểu hiện cho đến khi chúng gây ra những tác động nguy hiểm đến cơ thể. Bệnh suy tim xung huyết hiếm có những biểu hiện ra bên ngoài, thường diễn biến âm thầm.
Suy tim xung huyết là tình trạng tim không thể thực hiện bơm máu, dẫn đến máu bị đọng lại trong tim hoặc tắc nghẽn, gây ra những cơn đau tim, suy tim, thậm chí tử vong.
Người bị suy tim xung huyết thường khởi phát bằng những cơn ho khan, đặc biệt là khi nằm. Do đó, bạn cần đi thăm khám sớm nếu bị ho dai dẳng, khò khè, thở gấp hoặc khó thở.
Bệnh Sarcoidosis là một tình trạng viêm ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Các chuyên gia cho rằng căn bệnh này có thể xuất phát từ phản ứng bất thường của hệ miễn dịch.
Người có hệ miễn dịch suy yếu thường dễ bị nhiễm trùng và mắc nhiều bệnh. Bệnh Sarcoidosis có thể xuất hiện ở bất kì đâu trên cơ thể nhưng thường gặp nhất ở phổi, hạch bạch huyết, mắt và da. Biểu hiện ở người bệnh là bị ho khan kéo dài, khò khè, khó thở và đau ngực.
Phù phổi cũng gây ra hiện tượng ho, khó thở dai dẳng do dư thừa chất dịch có trong phổi. Chất dịch này tích tụ vào trong các túi khí có trong khổi, cản trở việc lưu thông khí gây ra hiện tượng khó thở.
Người bị phù phổi thường ho ra đờm có bọt bong bóng, ho dai dẳng kéo dài và còn có thể bị sụt cân, chán ăn. Do đó, nếu bạn bị ho ra đờm nổi bọt, bạn nên đi khám để có phương án chữa trị kịp thời.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân trên toàn thế giới. Triệu chứng của bệnh tương đồng với cảm cúm, cảm lạnh thông thường và cũng thường khởi phát bằng những cơn ho, sốt, khó thở.
WHO và Bộ Y tế ra khuyến cáo cách phòng ngừa tốt nhất là rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài và hạn chế giao tiếp, hạn chế đến nơi đông người.
Khi có dấu hiệu ho dai dẳng, kèm theo sốt, khó thở, cần khai báo y tế và gọi điện cho nhân viên y tế địa phương để được hỗ trợ, không tự ý đi khám tại các bệnh viện.
Mặc dù không phải cơn ho nào cũng là dấu hiệu cho thấy bạn gặp vấn đề nguy hiểm, tuy nhiên nếu ho dai dẳng kèm theo các triệu chứng khác thì cần đi khám hoặc nhờ đến sự trợ giúp của y tế địa phương nếu bạn thuộc diện nghi nghiễm COVID-19.