7 cách dùng điều hoà không bị viêm họng

7 cách dùng điều hoà không bị viêm họng
Vào mùa hè điều hoà được sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, nhiều người bị viêm họng khi sử dụng điều hoà quá lâu, để nhiệt độ quá thấp. Vậy cách dùng điều hoà không bị viêm họng như thế nào?

Viêm họng là cảm giác đau, khô hoặc ngứa trong cổ họng. Hầu hết viêm họng là do nhiễm trùng, hoặc do các yếu tố môi trường như không khí khô, lạnh. Mặc dù đau họng có thể gây khó chịu nhưng thường sẽ tự khỏi.

Vào mùa hè, do thời tiết nóng nực nên nhiều người thường xuyên dùng điều hoà để làm mát, hạ nhiệt. Tuy nhiên, việc sử dụng điều hoà không đúng cách dễ gây các bệnh về đường hô hấp, phổ biến nhất là viêm họng. Vậy cách dùng điều hoà không bị viêm họng như thế nào là chính xác nhất?

1. Tại sao dùng điều hoà thường đau họng

Khi để điều hoà ở mức nhiệt quá lạnh sẽ khiến các động mạch trên da co lại để bảo vệ cơ thể khỏi bị mất nhiệt. Điều này làm giảm lưu lượng máu, bao gồm cả các tế bào bạch cầu bảo vệ cơ thể chống lại vi rút, khiến cơ thể dễ bị bệnh hơn. Hơn nữa, môi trường quá khô sẽ làm bay hơi độ ẩm trong niêm mạc mũi, họng khiến các bộ phận này dễ bị nhiễm trùng hơn.

Cách phòng ngừa viêm họng khi nằm điều hoà  - Ảnh 2.

Nhiệt độ thấp, vi khuẩn từ điều hoà là nguyên nhân gây viêm họng (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Cảm lạnh do điều hòa mùa hè: Nguyên nhân và hướng dẫn sử dụng điều hòa đúng cách

Điều hòa không khí và những tác động tới sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách

Ngoài ra, điều hoà là nơi nấm mốc và vi khuẩn dễ sinh sôi nếu không được bảo dưỡng đúng cách. Khi không khí được kéo qua các cuộn dây trong máy điều hòa không khí, sự ngưng tụ được tạo ra. Độ ẩm này có thể tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển nếu không được vệ sinh thường xuyên.

Những vi khuẩn, nấm mốc này là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh hô hấp như viêm họng, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, …

Ở trong môi trường để điều hoà quá lạnh thường xuyên cũng có thể sinh ra chứng run tay chân, lâu ngày gây nhức đầu, mệt mỏi và đau nhức các cơ, khớp.

2. Phân biệt viêm họng do điều hoà hoặc bệnh lý

Để hỗ trợ quá trình điều trị và phòng ngừa viêm họng do điều hoà hiệu quả, các bạn cần phân biệt với bệnh viêm họng do nguyên nhân khác. Tránh bỏ sót các bệnh lý nguy hiểm gây ra mà không được điều trị đúng cách.

Viêm họng do điều hoà gây ra thường có những triệu chứng như: Đau rát họng, khô họng, mũi, hắt hơi, ho nhẹ.

Đặc biệt, khi không ở trong môi trường có điều hoà, các triệu chứng dần dần giảm nhẹ, sau đó có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc.

Cách phòng ngừa viêm họng khi nằm điều hoà  - Ảnh 3.

Phân biệt đau họng do điều hoà hay bệnh lý để có hướng điều trị phù hợp (Ảnh: Internet)

Viêm họng do nguyên nhân khác: Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm họng như cảm cúm, sởi, thuỷ đậu, nhiễm trùng, dị ứng, … 

Các triệu chứng viêm họng do bệnh lý gây ra chủ yếu là: Đau rát họng, có đờm, hắt xì, ho, sốt, ớn lạnh, sưng hạch ở cổ, khó nuốt, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn.

Thông thường, những triệu chứng này sẽ khó thuyên giảm, cần dùng thuốc và thời gian điều trị.

3. Cách phòng ngừa ngủ điều hoà mà không bị đau họng

Để làm mát trong những ngày hè nóng nực, điều hoà là thiết bị không thể thiếu. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ như gây viêm họng, viêm xoang, ảnh hưởng đến tim mạch, suy giảm đề kháng, mệt mỏi, ... 

Để bảo vệ họng cũng như sức khoẻ tổng thể khi dùng điều hoà, các bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

3.1. Để nhiệt độ phù hợp

Một trong những sai lầm của nhiều người khi dùng điều hoà là để nhiệt độ quá thấp, điều này gây các bệnh hô hấp cho cả người lớn và trẻ em. Nên để nhiệt độ phòng có máy lạnh chênh lệch so với bên ngoài từ 8-10 độ C.

Cách phòng ngừa viêm họng khi nằm điều hoà  - Ảnh 4.

Nhiệt độ điều hoà chênh lệch với bên ngoài từ 8 - 10 độ là tốt nhất (Ảnh: Internet)

Khi bước ra khỏi phòng máy lạnh nên từ từ, để cơ thể thích ứng với nhiệt độ bên ngoài, tránh bị sốc nhiệt.

3.2. Giữ độ ẩm cho phòng

Bật điều hoà sẽ làm cho không khí bị khô, họng dễ bị đau và viêm. Độ ẩm trong phòng tốt nhất ở mức 49 đến 50%. Mọi người có thể dùng máy tạo độ ẩm, máy phun sương, hoặc đặt một chậu nước ở trong phòng để duy trì độ ẩm cho phòng. 

Ngoài ra, điều hoà cũng có chế độ giữ ẩm "chế độ Cool", lúc này nhiệt độ sẽ giảm xuống, độ ẩm tăng lên bảo vệ tốt cho sức khoẻ. 

3.3. Vệ sinh điều hoà thường xuyên

Các bạn nên thường lau lau rửa điều hoà, tránh các loại vi khuẩn nấm, mốc phát triển gây hại cho hệ hô hấp, cung cấp không khí sạch cho gia đình. Nên vệ sinh lưới lọc điều hòa, thậm chí xịt rửa dàn nóng và dàn lạnh 3-6 tháng một lần.

Cách phòng ngừa viêm họng khi nằm điều hoà  - Ảnh 5.

Nên vệ sinh điều hoà để tránh vi khuẩn có hại cho đường hô hấp phát triển (Ảnh: Internet)

Hơn nữa, vệ sinh điều hoà còn giúp tiết kiệm điện năng, duy trì độ bền cho máy.

3.4. Uống đủ nước

Khi ở trong môi trường điều hoà, các bạn nên uống nhiều nước để tránh tình trạng cổ họng bị khô - dễ gây ra đau rát họng. Cách uống nước tốt nhất vừa tăng cường sức khoẻ lại bảo vệ cổ họng là sử dụng nước ấm, đặc biệt không nên uống nước lạnh, nước đá vì sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm họng.

3.5. Mở cửa phòng sau khi sử dụng điều hoà

Nhiều người thường có thói quen đóng kín cửa để giữ hơi lạnh sau khi tắt điều hoà, nhưng điều này hoàn toàn gây hại cho sức khoẻ. Sau khi không dùng điều hoà, các bạn nên mở cửa phòng để những vi khuẩn, bụi bẩn bay ra ngoài, làm sạch không khí. 

3.6. Giữ ấm cho cơ thể

Để cơ thể quá lạnh, nhất là vùng cổ sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm họng. Vì thế, khi dùng điều hoà, các bạn nên giữ ấm cho cơ thể, cổ họng. Có thể dùng chăn đắp toàn bộ cơ thể, dùng thêm một chiếc khăn mỏng để giữ ấm cho vùng cổ.

Cách phòng ngừa viêm họng khi nằm điều hoà  - Ảnh 6.

Khi ở trong môi trường điều hoà nên giữ ấm cơ thể, nhất là cổ họng (Ảnh: Internet)

3.7. Bật chế độ ngủ đêm

Khi ngủ trong phòng điều hoà, nhiều người dễ bị cảm lạnh đau họng do lúc này cơ thể có thân nhiệt thấp, không giữ ấm đủ cho cơ thể, …

Do đó, trước khi đi ngủ nên để điều hoà ở chế độ ngủ đêm, chế độ này sẽ giúp tăng nhiệt độ sau khoảng thời gian cố định, phù hợp với thân nhiệt của người sử dụng, tránh tình trạng bị rét về đêm.

Lưu ý: Nếu bạn đang cảm thấy kiệt sức, đau đầu, đau nhức cơ và khớp, hãy tắt máy lạnh. Vì lúc này cơ thể dễ bị nhiễm bệnh, nhất là các bệnh đường hô hấp.

4. Cách làm giảm triệu chứng khi bị viêm họng

Để làm giảm các triệu chứng viêm họng, giúp cơ thể thoải mái, các bạn có thể thực hiện một số khuyến cáo sau:

- Sử dụng thuốc xịt họng hoặc nước súc miệng trước khi đi ngủ. Hầu hết các loại thuốc xịt hoặc nước súc miệng đều có chứa chất gây tê như lidocain sẽ làm tê cổ họng của bạn, giúp chìm vào giấc ngủ thoải mái hơn. Tuy nhiên, phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất khi dùng thuốc không kê đơn.

Đối với thuốc xịt cổ họng tự nhiên, hãy chọn loại có chứa echinacea và cây xô thơm. Các nghiên cứu cho thấy rằng những loại thuốc này có hiệu quả tương đương với các loại thuốc không kê đơn có chứa lidocain

- Súc miệng bằng nước muối. Khuấy 1/2 thìa cà phê (2,5 g) muối biển tự nhiên vào 1 cốc (240 ml) nước ấm. Tiếp tục khuấy cho đến khi muối được hòa tan. Sau đó nhấp một ngụm và súc miệng gần vào phía sau cổ họng của bạn. Nhổ ra và tiếp tục súc miệng cho đến khi bạn sử dụng hết dung dịch.

Cách phòng ngừa viêm họng khi nằm điều hoà  - Ảnh 7.

Súc miệng bằng nước muối làm giảm đau họng nhanh chóng (Ảnh: Internet)

- Uống siro ho là một cách để làm giảm các triệu chứng đau họng. Các bạn nên đến cơ sở y tế để được tư vấn loại siro phù hợp.

- Uống trà ấm với mật ong. Có thể dùng trà hoa cúc pha với mật ong, nhâm nhi trước khi đi ngủ là tốt nhất,sẽ giúp cổ họng bạn được dịu nhẹ, dễ nuốt.

- Súc miệng bằng nước muối sẽ làm tê cơn đau họng và muối có thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, trẻ em dưới 6 tuổi không nên súc miệng bằng nước muối.

Trên đây là những cách làm giảm triệu chứng viêm họng. Để điều trị khỏi bệnh, cần đến bệnh viện thăm khám và dùng thêm thuốc kê đơn.

Tóm lại khi dùng điều hoà nên giữ nhiệt độ vừa phải, giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh bệnh hô hấp, nhất là viêm họng. Khi có các dấu hiệu đau họng nên ngưng hoặc sử dụng điều hoà với nhiệt độ phù hợp, tránh để tình trạng nặng thêm và ảnh hưởng đến cuộc sống.

Nguồn tham khảo: 

Air Conditioning Can Make You Sick: Here's How to Avoid It

How to Sleep with a Sore Throat


https://suckhoehangngay.vn/7-cach-dung-dieu-hoa-khong-bi-viem-hong-202207141539233.htm
Tác giả: Vân Anh