Đặc điểm của nổi mẩn ngứa da do virus có thể rất khác nhau nhưng nhìn chung các vết phát ban là những đốm đỏ có màu sắc bất thường trên da với các kích thước từ đốm nhỏ tới các mảng lan rộng thành từng vùng. Những nốt mẩn ngứa này có thể xuất hiện từ từ và tăng dần mật độ trong nhiều ngày ở một vùng da nhỏ hoặc trên nhiều vùng da.
Các nốt phát ban có thể có cảm giác ngứa hoặc đau rát hay không đau khi chạm vào. Để xác định mẩn ngứa da do virus ngoài xét nghiệm tại bệnh viện thì có một số dấu hiệu cảnh báo nhiễm virus mà bạn cần lưu ý như: Sốt, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể và mệt mỏi.
Đọc thêm:
+ 12 lỗi sai khi khử trùng và vệ sinh nhà cửa phòng chống bệnh truyền nhiễm
+ Dừng ngay những thói quen khiến vi khuẩn lây lan nhanh chóng này
Theo Healthline, dưới đây là một số bệnh gây mẩn ngứa da do virus thường gặp cũng như một số thông tin về tình trạng này:
Bệnh sởi là bệnh do virus sởi, còn được gọi là paramyxovirus. Bệnh có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh thông qua ho, hắt hơi,...
Phát ban do sởi thường bắt đầu bằng những nốt phát ban đỏ, loang lổ ở mặt và sau vài ngày sẽ lan ra các bộ phận khác của cơ thể. Những nốt mẩn đỏ dạng phẳng hơi gồ lên có màu hồng hoặc đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh.
Hình ảnh bệnh sởi (Ảnh: NHS)
Các triệu chứng của bệnh sởi ngoài phát ban da còn bao gồm: Sốt cao với thân nhiệt tăng cao đột ngột lên tới hơn 40 độ, ho, sổ mũi, viêm kết mạc, phát ban loang lổ từ mặt ra toàn thân.
Virus Rubella hay còn gọi là virus sởi Đức là nguyên nhân gây ra bệnh. Các triệu chứng bệnh Rubella thường xuất hiện từ ngày 16 - 18 sau khi phơi nhiễm.
Hình ảnh bệnh Rubella (Ảnh: Healthline)
Khác với bệnh sởi, các nốt mẩn ngứa da do virus Rubella không mọc tuần tự mà có thể xuất hiện ở đầu, mặt hoặc lan ra toàn thân trong vòng 3 ngày. Các nốt phát ban có màu hồng hơi đỏ, hình tròn hoặc hình bầu dục với kích thước nốt ban từ 1 - 2mm và cảm giác hơi sần nhẹ, thô ráp khi chạm vào. Nốt ban do Rubella gây ngứa và khi biến mất có thể để lại vết thâm trên da.
Cá triệu chứng khác của bệnh Rubella có thể bao gồm: Sốt nhẹ khoảng 38 độ C, đau họng, đau đầu, sưng hạch bạch huyết (ở vùng chẩm, cổ, bẹn), ho hoặc chảy nước mũi trong.
Bệnh bạch cầu đơn nhân cũng là một nhiễm trùng do virus gây ra, còn được gọi với tên khác là bệnh truyền nhiễm mono hay bênhn hôn do bệnh lây truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc nước bọt với người mang bệnh. Bệnh bạch cầu đơn nhân có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến là ở người trẻ hoặc thanh thiếu niên.
Hình ảnh bệnh bạch cầu đơn nhân (Ảnh: Healthline)
Phát ban do bạch cầu đơn nhân có thể chia thành ba loại phát ban khác nhau:
- Phát ban toàn thân: Là những đốm đỏ phẳng, kích thước nhỏ xuất hiện ở toàn bộ cơ thể.
- Phát ban do thuốc: Bệnh do virus gây ra và không cần dùng kháng sinh điều trị. Tuy nhiên do bệnh dễ nhầm lẫn là viêm họng liên cầu khuẩn nên có thể dẫn tới điều trị bằng kháng sinh, gây phát ban do thuốc. Các nốt phát ban loại này thường chỉ mang tính tạm thời, có cảm giác ngứa, loang lổ và hơi gồ lên khi sờ vào.
- Xuất huyết: Xuất huyết xuất hiện khi các mao mạch bị vỡ trông như những chấm màu đỏ tía trên da hoặc bên trong niêm mạc miệng, khi ấn vào vết xuất huyết, màu da không có sự thay đổi.
Những triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh bạch cầu đơn nhân thường bao gồm: Mệt mỏi, đau họng, đau đầu, sưng hạch bạch huyết, sưng amidan và có lớp phủ màu trắng hoặc vàng trên amidan, sốt từ 38,3 độ C tới 40 độ C, ăn không ngon, phát ban, đau nhức các bắp thịt, lách to, viêm họng,... Các triệu chứng ít phổ biến hơn bao gồm: Tức ngực và khó thở (tổn thương phổi), cứng cổ, vàng da, chảy máu mũi, tim đập nhanh hoặc loạn nhịp tim (viêm cơ tim), nhạy cảm với ánh sáng, suy thận do viêm thận kẽ,...
Bệnh thủy đậu do virus varicella-zoster gây ra với các nốt mẩn ngứa da do virus chứa đầy mủ, dịch. Virus này rất dễ lây lan cho những người chưa được bảo vệ bằng vaccine, tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết từ các nốt mụn nước của người bệnh; đặc biệt phụ nữ mang thai có thể lây truyền bệnh thủy đậu cho thai nhi trước khi sinh.
Hình ảnh bệnh thủy đậu (Ảnh: Healthline)
Bệnh thủy đậu được chia thành 4 giai đoạn là giai đoạn ủ bệnh (kéo dài 10 - 20 ngày), giai đoạn phát bệnh (24 - 48 giờ đầu), giai đoạn toàn phát (1 - 3 tuần tùy người) và giai đoạn hồi phục (thường là sau 7 - 10 ngày phát bệnh thì giai đoạn hồi phục sẽ diễn ra từ 3 - 4 ngày).
Phát ban, mẩn đỏ do thủy đậu thường có ba giai đoạn phát triển:
- Giai đoạn đầu, các nốt sần xuất hiện trên da, đặc biệt là da đầu với màu hồng, đỏ, nâu,...
- Sau đó các nốt sưng/sần này sẽ phát triển thành các mụn nước chứa đầy dịch bên trong. Khi gãi, chà xát mạnh khiến nốt phỏng vỡ và có nguy cơ nhiễm trùng cao.
- Cuối cùng, các nốt mụn nước vỡ ra và đóng vảy, có thể để lại sẹo.
Các triệu chứng của bệnh thủy đậu bao gồm: Phát ban, mẩn ngứa, sốt, mệt mỏi, đau nhức đầu, ăn không ngon, buồn nôn và nôn mửa, đau nhức xương khớp, chân tay rã rời.
Zona thần kinh xảy ra là do sự tái hoạt động của virus varicella-zoster ở người lớn, dân gian còn gọi là bệnh giời leo. Nếu từng mắc thủy đậu, bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh zona. Virus gây bệnh nhân lên và lan truyền theo dây thần kinh rồi gây tổn thương vùng da dọc dây thần kinh đó, phổ biến ở ngực, bụng, mặt, lưng, tay chân, sườn, gáy.
Bệnh zona thần kinh (Ảnh: Healthline)
Phát ban do zona thần kinh xảy ra ở một vùng da duy nhất. Ở giai đoạn đầu, các nốt phát ban có cảm giác nóng ran, ngứa và đau như bị kim châm (1 - 3 ngày). Sau đó phát ban lan rộng ở vùng cơ thể cùng các nốt phỏng, dịch từ trong suốt chuyển thành trắng đục (2 - 3 ngày) kèm đau đớn tăng lên, các vết thương cuối cùng sẽ đóng vảy và các vùng phát ban có thể tự lành trong khoảng 2-4 tuần. Cuối cùng, ở giai đoạn mãn tính, phát ban gây đau dữ dội thường kéo dài sau 1 đến 3 tháng sau khi tổn thương da do herpes zoster được chữa lành.
Các triệu chứng của bệnh zona thần kinh ngoài nổi mẩn ngứa da do virus còn có thể bao gồm: Sốt, đau nhức đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhạy cảm với ánh sáng, đau bụng.
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh do virus thuộc họ enterovirus gây ra, loại virus này dễ lây lan nhất trong tuần đầu tiên của bệnh.
Bệnh tay chân miệng (Ảnh: Healthline)
Thông thường, các triệu chứng tay chân miệng phát triển từ 3 - 5 ngày sau khi tiếp xúc và có thể kéo dài đến 10 ngày. Trong thời gian này, bệnh gây ra những nốt phát ban màu đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc trong miệng hay ít phổ biến hơn ở đầu gối, khuỷu tay, mông, vùng sinh dục. Nốt phát ban có thể phẳng hoặc gồ lên, chứa đầy dịch. Nốt phỏng nước ở mông và đầu gối thường xuất hiện trên nền hồng ban.
Mặc dù không gây đau nhưng nếu vết ban ở trong miệng có thể khiến trẻ khó chịu, nhất là khi bị vỡ ra tạo thành các vết loét có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Các triệu chứng khác của bệnh tay chân miệng có thể bao gồm: Các triệu chứng tương tự như bệnh cúm chẳng hạn như sốt cao, nôn mửa; loét miệng, đau họng, đau đầu, cảm thấy không khỏe, chán ăn.
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Thời gian ủ bệnh là từ 3 - 14 ngày, sau đó sẽ xuất hiện phát ban. Phát ban do sốt xuất huyết có thể xảy ra trong hai giai đoạn của bệnh. Đầu tiên là cảm giác nóng bừng mặt, sờ vào thấy ấm. Phát ban thứ hai có thể xảy ra trong vòng 3 ngày - 7 ngày sau cơn sốt.
Hình ảnh sốt xuất huyết (Ảnh: Internet)
Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết khá có thể bao gồm: Mệt mỏi, đau nhức xương khớp, đau bụng, chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa, đau thượng vị kèm tiêu chảy,... Trong đó, sốt xuất huyết nổi ban đỏ ở giai đoạn 2 (giai đoạn sau sốt) cần đặc biệt lưu ý bởi ở giai đoạn này, virus Dengue đã làm hệ miễn dịch suy yếu đi rất nhiều có thể khiến các triệu chứng phát ban đỏ dày đặc hơn kèm ngứa ngáy khó chịu, xuất huyết dưới da hoặc nặng hơn gây chảy máu chân răng, chảy máu cam, thậm chí tiểu ra máu, rong kinh,.. Lúc này nếu bệnh nhân sốt xuất huyết không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới mất mạng do suy hô hấp hoặc suy tuần hoàn do xuất huyết nội.
Ngoài các nguyên nhân gây mẩn ngứa da do virus kể trên thì một số tình trạng bệnh khác cũng gây phát ban trên da do virus khác có thể kể đến như: Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn (bệnh thứ năm - Fifth disease), bệnh ban đào trẻ em, bệnh virus Zika,... Để phòng bệnh, cần tiêm vaccine theo phác đồ tiêm chủng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu. Đồng thời cần giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên,... để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào từng tình trạng, đa số bệnh do virus là điều trị giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Thông thường, phát ban, mẩn ngứa da do virus sẽ giảm dần sau khi virus biến mất. Hãy thăm khám bác sĩ sớm nếu các nốt phát ban kéo dài trên 1 tuần và dường như không có dấu hiệu cải thiện hoặc bắt đầu rộp lên như các nốt phỏng có chứa dịch, các nốt ban ngứa lan nhanh, nốt mẩn có dấu hiệu sưng tấy và rỉ dịch, phát ban gây đau đớn.
Nguồn dịch:
1. Everything You Need to Know About Viral Rashes
2. 9 Types of Viral Rashes—and What To Know About Each