6 tác dụng phụ thường gặp của phương pháp xạ trị ung thư amidan

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
6 tác dụng phụ thường gặp của phương pháp xạ trị ung thư amidan
Ung thư amidan là dạng ung thư nhạy cảm với tia xạ. Do vậy phương pháp xạ trị ung thư amidan rất phổ biến và thường gặp. Tuy nhiên, amidan là vùng nhạy cảm, việc xạ trị có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.

1. Da vùng xạ trị ung thư amidan bị thay đổi 

Xạ trị là phương pháp sử dụng những tia năng lượng cao, chiếu thẳng vào các tế bào ung thư để tiêu diệt chúng. Do vậy, vùng da xạ trị sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên. 

Dạ của bạn có thể bị đỏ rát, sạm đen như cháy nắng sau khi xạ trị ung thư amidan. Nhưng đây chỉ là tác dụng phụ tạm thời. Khi kết thúc xạ trị, da của bạn sẽ dần quay trở về trạng thái ban đầu.

2.  Thay đổi giọng nói

Xạ trị ung thư amidan có thể làm xơ hóa và phá vỡ các mô miệng. Miệng và hàm sẽ thay đổi do mất mô, cơ và xương. Những điều này làm thay đổi khẩu hình miệng, có thể là gây khó khăn hoặc đơ cứng khi mở miệng, làm thay đổi giọng nói.

Việc xạ trị ung thư amidan trong thời gian dài cũng có khả năng thay đổi cấu trúc vùng amidan, hầu họng và thanh quản, dẫn đến việc thay đổi giọng nói. Thông thường, giọng nói của bệnh nhân xạ trị ung thư amidan sẽ khàn đục hơn bình thường.

3. Khô miệng sau khi xạ trị ung thư amidan

Các tia xạ có thể làm ảnh hưởng, tổn thương hoặc rối loạn các tuyến nước bọt. Tác dụng phụ thường gặp nhất là ít tiết nước bọt, gây khô miệng. 

Lượng nước bọt do tuyến nước bọt tạo ra thường bắt đầu giảm trong vòng 1 tuần sau khi bắt đầu xạ trị ung thư amidan. Nó tiếp tục giảm khi điều trị tiếp tục. Mức độ nặng của việc khô miệng phụ thuộc vào liều của bức xạ và số lượng các tuyến nước bọt nhận bức xạ.

Các tuyến nước bọt có thể phục hồi một phần trong năm đầu tiên sau khi xạ trị.Tuy nhiên, bức xạ cũng có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho tuyến nước bọt, đặc biệt nếu tuyến nước bọt nhận được bức xạ trực tiếp. 

Các tuyến nước bọt không bị tổn thương có thể bắt đầu tiết nhiều nước bọt hơn để bù cho việc mất nước bọt từ các tuyến bị tổn thương.

Có thể điều trị giảm nhẹ chứng khô miệng bằng cách sử dụng nước bọt nhân tạo, mang theo chai nước để làm ẩm miệng thường xuyên. Có thể được sử dụng thuốc Sialogogues (pilocarpine để kích thích sự hình thành nước bọt nếu có mô nước bọt còn sót lại.

4. Thay đổi khẩu vị

Thông thường bệnh nhân sau xạ trị ung thư amidan thường phàn nàn thực phẩm có vị quá mặn hoặc có vị kim loại. Các tia xạ đã làm ảnh hưởng đến niêm mạc miệng và niêm mạc lưỡi, làm cho bệnh nhân thiếu nhạy cảm với các vị của thực phẩm. Việc thiếu nước bọt, khô miệng cũng có thể là nguyên nhân làm thay đổi vị giác và gây ra chứng chán ăn ở bệnh nhân.

Tuy nhiên, vị giác có thể phục hồi sau 2 - 4 tháng kết thúc xạ trị ung thư amidan.

5. Xạ trị ung thư amidan làm suy yếu răng miệng

Cũng do xạ trị làm miệng thiếu nước bọt, gây ra hàng loạt các vấn đề về răng miệng. Nước bọt chứa các hợp chất chống vi trùng làm giảm vi khuẩn gây bệnh và giảm nguy cơ nhiễm trùng ở vòm họng. Khi bị khô miệng, bệnh nhân rất dễ mắc bệnh nướu răng, nhiễm trùng niêm mạc miệng.

Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất của nước bọt nằm ở khả năng làm sạch cơ học răng và mô mềm. Do đó, với khô miệng do xạ trị làm tăng tỉ lệ sâu răng và hơi thở có mùi. 

6. Niêm mạc miệng đỏ hoặc lở loét

Sau khi bắt đầu xạ trị được khoảng 2 tuần thì miệng có thể có dấu hiệu bị viêm niêm mạc. Viêm niêm mạc miệng có thể xuất hiện dưới dạng ban đỏ nhẹ đến loét nhẹ hoặc loét diện rộng. Hiện nay, không có thuốc có sẵn để ngăn ngừa viêm niêm mạc.

Bác sĩ chỉ có thể giảm tình trạng viêm niêm mạc bằng cách thiết kế các cổng hạn chế tiếp xúc với các mô khỏe mạnh. Nếu đau quá nghiêm trọng có thể xem xét giảm đau toàn thân hoặc tạm ngưng xạ trị để có phép các mô niêm mạc có thời gian phục hồi. Bệnh nhân và bác sĩ cần phân biệt rõ tổn thương viêm niêm mạc với các tổn thương do nhiễm trùng.


Tác giả: Minh Vy