Phô mai (cheese), tên gọi khác là pho mát là một loại thực phẩm được làm từ sữa trâu/bò/dê/cừu ngựa kết đông và lên men. Quy trình này sẽ biến các sản phẩm từ sữa, vốn rất khó bảo quản và dễ hỏng thành một loại thực phẩm dễ bảo quản và dùng được trong thời gian dài hơn. Người ta thường kết đông sữa thành phô mai bằng cách axit hóa sữa (cấy vi khuẩn và thêm enzyme cần thiết). Sau đó lên men thông qua các loại nấm, mốc khác nhau.
Tính tới thời điểm hiện tại, có tới hàng trăm loại phô mai khác nhau trên toàn thế giới. Chúng được sản xuất với nhiều kết cấu và hương vị khác nhau. Điều này phụ thuộc vào nguồn gốc và tính chất của sữa (bao gồm cả chế độ ăn của động vật), thành phần của bơ, các loại vi khuẩn và nấm mốc, cách thức ủ và lên men. Ngoài ra, người ta cũng thêm các loại phụ gia để làm điều chỉnh màu sắc và hương vị của các loại phô mai theo ý thích.
Phô mai nổi tiếng là một loại thực phẩm giàu dưỡng chất và dễ vận chuyển, sử dụng và bảo quản hơn sữa. Các loại phô mai cứng thường có hạn sử dụng lâu hơn phô mai mềm, và các sản phẩm phô mai đều được bọc trong lớp giấy bảo vệ đặc biệt để giúp cho chúng giữ hương vị và độ ẩm tốt hơn.
Giá trị dinh dưỡng của phô mai phụ thuộc vào thành phần và quá trình lên men của từng loại phô mai. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ bàn luận đến các loại phô mai phổ biến trong bữa ăn hàng ngày như Brie, Cheddar, Feta, Gouda, Mozzarella hay Swiss. Theo USDA, trong 1 ounce (28.35g) của các loại phô mai này có chứa:
Loại phô mai | Brie | Cheddar | Feta | Gouda | Mozzarella | Swiss |
Lượng calo | 100 | 120 | 60 | 110 | 85 | 100 |
Chất đạm | 5g | 7g | 5g | 7g | 6g | 5g |
Chất bột đường | 1g | 1g | 1g | 1g | 1g | 1g |
Chất béo | 9g | 10g | 4g | 9g | 6g | 9g |
Natri | 170mg | 190mg | 360mg | 200mg | 138mg | 170mg |
Canxi | 150mg | 200mg | 60mg | 200mg | 143mg | 150mg |
Hàm lượng khoáng chất cao có trong phô mai bao gồm canxi, magie, kẽm, … đặc biệt tốt sự phát triển xương khớp ở trẻ nhỏ cũng như các đối tượng ở độ tuổi vị thành niên. Ở độ tuổi này, các bé khá năng động; lượng protein và khoáng chất trong một khẩu phần phô mai đủ để cung cấp cho các hoạt động thường ngày của bé. Bên cạnh đó, phô mai cũng chứa nhiều thành phần trong whey protein, giúp phát triển các khối cơ và thể trạng sức khỏe.
Đọc thêm:
- Protein là gì? Tác dụng của protein đối với sức khỏe
- Giá trị dinh dưỡng của chất béo đối với sức khỏe
Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra tác dụng của phô mai trong việc loại bỏ axit trong men răng và giúp răng chắc khỏe hơn. Hàm lượng protein phong phú có trong phô mai sẽ hình thành một lớp màng bảo vệ răng khỏi các tác hại xấu của vi khuẩn và đồ ăn. Điều đặc biệt là việc uống sữa hay ăn sữa chua hàng ngày không thể đem lại những tác dụng tương tự.
Pháp là một trong những nước có tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch thấp nhất, mặc dù dân số của nước này đặc biệt ưa chuộng các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo như vịt hay bơ. Bí quyết của họ nằm ở việc ăn phô mai hàng ngày. Lý do là các loại khoáng chất và vitamin trong phô mai có tác dụng điều hòa huyết áp. Ngoài ra, phô mai còn chứa nhiều các vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa và giúp cân bằng lượng cholesterol trong máu.
Hợp chất glutathione (GSH) có trong phô mai cũng có tác dụng chống oxy hóa tế bào và bảo vệ mạch máu, giúp bạn phòng ngừa xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch khác.
Ăn phô mai giúp bổ sung đạm và chất béo, đây là một trong những cách hữu hiệu để tăng cân. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không nên quá lạm dụng phô mai vì đây là loại thực phẩm giàu calo, ăn quá nhiều phô mai có thể dẫn đến béo phì. Để tăng cân an toàn, bạn cần ăn phô mai một cách khoa học kết hợp bổ sung các loại rau, hoa quả vào trong chế độ ăn hàng ngày.
Với những người muốn giảm cân hoặc lấy lại vóc dáng, nên chọn các sản phẩm phô mai ít hoặc không béo. Đây là loại phô mai này chứa ít muối nhưng lại nhiều khoáng chất và vitamin, giúp bạn giảm cân nhanh chóng và hiệu quả.
Các lợi khuẩn trong phô mai (đặc biệt là Gouda) giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể và chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc ăn phô mai và sử dụng các sản phẩm từ sữa hàng ngày sẽ có tác dụng phòng ngừa các căn bệnh ung thư thường gặp như ung thư đại trực tràng hay bàng quang. Công dụng chống oxy hóa và phòng ngừa ung thư này đều xuất phát từ hàm lượng canxi, vitamin D và axit lactic có trong phô mai.
Ăn các loại phô mai cứng (như Cheddar) giúp bổ sung khoáng chất selen cần thiết cho cơ thể, qua đó giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp. Một khẩu phần ăn 100g phô mai Cheddar có thể đáp ứng tới 50% lượng selen cần thiết cho cơ thể hàng ngày, giúp bạn nâng cao hệ miễn dịch và kích thích việc sản sinh hoocmon tuyến giáp của cơ thể.
Cơ thể chúng ta không thể tự sản sinh ra canxi để bù cho lượng khoáng chất đã mất đi qua việc loại bỏ các tế bào chết, cắt móng tay, rụng tóc, … Chính vì vậy, việc bổ sung canxi thông qua sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai là đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của các tế bào mới trong cơ thể. Bên cạnh đó, hàm lượng protein và vitamin B phong phú trong phô mai cũng có tác dụng đẩy mạnh quá trình tái tạo da, giữ cho da khỏe, mịn màng và phòng ngừa các vấn đề da liễu thường gặp như mẩn ngứa hay dị ứng
Phô mai là một món ăn phổ biến trên thế giới và có thể sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên nếu lạm dụng ăn phô mai, sử dụng thiếu khoa học sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe.
Nhiều người có thể bị dị ứng phô mai do cơ thể không tiết ra đủ enzyme để tiêu hóa lượng đường lactose trong phô mai. Đối với những đối tượng này, ăn phô mai quá nhiều hoặc quá thường xuyên dễ dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như: chướng bụng hay đầy hơi. Ngoài ra, những người bị dị ứng với casein (1 loại protein khác có trong phô mai) cũng sẽ gặp phải các triệu chứng tương tự.
Bên cạnh đó, việc ăn phô mai thường xuyên và thiếu khoa học có thể có những tác dụng phụ như sau:
Phô mai là loại thực phẩm giàu calo, với lượng calo thường ở mức 100/ounce. Thường xuyên ăn phô mai dễ dẫn đến hiện tượng tức bụng và khó chịu trong người. Lượng muối tồn dư trong quá trình lên men cũng tạo ra cảm giác ngon miệng khi ăn phô mai, dễ dẫn đến ăn quá nhiều và ảnh hưởng xấu tới tim mạch, huyết áp, …
Hàm lượng chất béo hòa tan cao trong phô mai dễ tích tụ trong cơ thể và gây ra các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường. Vì vậy, nhiều chuyên gia y tế đã khuyến cáo nên ăn phô mai một cách có khoa học, hoặc chuyển sang sử dụng các loại phô mai ít béo hoặc không béo để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh này.
Ngoài ra, nhiều loại phô mai được làm từ sữa tươi tiệt trùng và không chứa chất xơ; khi ăn quá nhiều mà không bổ sung lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể dễ dẫn tới táo bón.
Về liều lượng sử dụng, các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên ăn từ 30-45g phô mai/ngày.
Với những tác dụng phụ kể trên, những đối tượng sau nên đặc biệt lưu ý đến liều lượng sử dụng phô mai, hoặc kiêng ăn phô mai để đảm bảo sức khỏe:
Những người bị dị ứng với đường lactose có trong phô mai nên chuyển sang ăn các loại phô mai ít đường lactose như Parmesan, hay các loại phô mai làm từ hạnh nhân hay hạt điều để tránh gặp phải những hiện tượng dị ứng nói trên. Những ai dị ứng với protein lactose có trong phô mai nên ngừng hẳn việc sử dụng phô mai nói riêng và các sản phẩm từ sữa nói chung để đảm bảo sức khỏe.
Những bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, … nên hạn chế tối đa việc ăn phô mai để tránh làm bệnh tái phát hoặc tiến triển theo chiều hướng xấu.
Các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai và cho con bú, bệnh nhân mắc bệnh về máu, những người chuẩn bị hoặc đang trong quá trình phẫu thuật và điều trị thuốc, … nên ngừng việc ăn phô mai trong thời gian này để đảm bảo sức khỏe.
Trong quá trình ăn phô mai, nếu gặp phải bất cứ vấn đề bất thường nào về sức khỏe, cần ngừng ngay việc sử dụng lại và đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời
Để tận dụng được tối đa các công dụng của phô mai đối với sức khỏe và hạn chế các tác dụng phụ, bạn nên chọn các loại phô mai ít muối và ít béo. Những loại phô mai đã qua chế biến, hoặc các món ăn làm từ phô mai chế biến sẵn thường có thêm phụ gia thực phẩm (muối và chất béo) có thể gây hại cho sức khỏe, vì vậy bạn chỉ nên chọn những loại phô mai tự nhiên để sử dụng trong những bữa ăn hàng ngày. Để hạn chế dư lượng thuốc kháng sinh và hoocmon tăng trưởng, bạn có thể chọn các loại phô mai tự nhiên được làm từ sữa hữu cơ.
Trong các loại phô mai hiện có, có một số loại có chứa ít calo, ít muối hoặc nhiều canxi hơn so với những loại khác, và đem lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn. Những loại phô mai này bao gồm:
Mozzarella được làm từ sữa trâu, bò Ý
Phô mai xanh được làm từ sữa bò, dê cừu và lên men từ nấm Penicillium
Feta được làm từ sữa cừu, dê Hy Lạp
Phô mai tươi được làm từ sữa bò đông
Ricotta được làm từ phần sữa nước của trâu, bò, dê, cừu còn lại sau khi đã làm các loại phô mai khác
Parmesan được làm từ sữa bò tươi được ủ trong 12 tháng để diệt khuẩn
Swiss được làm từ sữa bò Thụy Sĩ
Cheddar được làm từ sữa bò Anh lên men trong nhiều tháng
Bạn có thể dùng phô mai làm nguyên liệu cho các món ăn như phô mai que, gà phô mai, … hoặc thêm phô mai vào các món như bánh mì hay pizza để thêm hương vị đậm đà. Ngoài ra, bạn có thể làm các loại bánh bông lan, bánh flan, … với phô mai. Những người áp dụng các chế độ ăn uống lành mạnh, ít calo cũng có thể bổ sung thêm các loại phô mai kể trên vào salad hay các món rau mà không lo bị tăng cân.
Phô mai là loại thực phẩm bổ dưỡng, mang nhiều công dụng tích cực đối với sức khỏe và hoàn toàn xứng đáng có mặt trong khẩu phần ăn hàng ngày của bạn và gia đình. Để phát huy tối đa tác dụng của phô mai, cần đặc biệt chú ý tới liều lượng ăn và bổ sung thêm nhiều loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe khác như hoa quả, ngũ cốc, dầu oliu, … kết hợp với một chế độ tập luyện phù hợp.
Nguồn tham khảo:
1. https://www.webmd.com/diet/health-benefits-cheese