6 tác dụng của lá đu đủ và một số lưu ý về sức khỏe khi sử dụng

6 tác dụng của lá đu đủ và một số lưu ý về sức khỏe khi sử dụng
Đu đủ là loại quả có vị ngọt, dễ ăn và mang nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên, tác dụng của lá đu đủ lại chưa được nhiều người biết đến.

Đu đủ (Papaya, tên khoa học: Carica papaya) là loại cây thân thảo xứ nhiệt đới được trồng nhiều ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi. Quả, hạt và lá đu đủ được sử dụng rộng rãi trong nền ẩm thực và y học thế giới. Lá đu đủ (khô, tươi, chiết xuất) có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ con người. 

1. Thành phần dinh dưỡng

Trong lá đu đủ có tới hơn 50 thành phần dinh dưỡng khác nhau, bao gồm nước, chất đạm, chất bột đường, khoáng chất (canxi, photpho, mangan, kali, magie, …) và vitamin (A, B1, C, E, …). Trong số này, các hóa chất thực vật đóng vai trò là các chất chống oxy hóa có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể. Cụ thể, papain, alkaloid và phenolic là các hợp chất đem lại cho lá đu đủ nhiều công dụng tích cực đối với sức khỏe.

2. Tác dụng của lá đu đủ

2.1. Giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết  

Sốt xuất huyết là chứng bệnh phổ biến ở những nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, lây truyền qua muỗi đốt và mang những triệu chứng tương tự như bệnh cảm thông thường như sốt, đau đầu, nôn mửa, … Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những chuyển biến xấu như giảm lượng tiểu cầu trong máu, dẫn đến xuất huyết, thậm chí là tử vong. 

6 tác dụng của lá đu đủ và một số lưu ý về sức khỏe khi sử dụng - Ảnh 1.

Theo y học cổ truyền, chiết xuất lá đu đủ có tác dụng hỗ trợ điều trị triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết (Nguồn: Internet)

Đọc thêm:

Lá vú sữa có tác dụng gì đối với sức khoẻ con người?

3 tác dụng của cây ngải dại không thể bỏ qua

Có thể sử dụng lá đu đủ để làm giảm các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết vì các dưỡng chất trong lá đu đủ có tác dụng kích thích quá trình sản sinh tiểu cầu và ngăn ngừa các biến chứng xấu khác (1). 

2.2. Hỗ trợ kiểm soát và giảm đường huyết

Ở Mexico, xứ sở "quê hương" của cây đu đủ, người dân thường sử dụng lá đu đủ để chữa bệnh tiểu đường và hạ đường huyết (2). Cụ thể, sinh tố lá đu đủ là loại thức uống quen thuộc giúp họ ổn định đường huyết sau các bữa ăn nhiều đường hay tinh bột. Lý do là bởi hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào trong lá đu đủ có tác dụng bảo vệ các tế bào sản sinh insulin trong tuyến tụy và ngăn ngừa tình trạng tăng đường huyết đột biến. Ở những bệnh nhân tiểu đường, lá đu đủ còn có khả năng giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng ở các cơ quan như gan, thận, …

Để kiểm soát đường huyết hiệu quả, bạn nên áp dụng những chế độ ăn ít đường, tinh bột và kết hợp với việc uống trà/sinh tố lá đu đủ sau bữa ăn. 

2.3. Điều hòa kinh nguyệt và giảm đau

Trong chu kì kinh nguyệt, phụ nữ thường xuyên gặp phải hiện tượng đau bụng kinh rất phiền toái và khó chịu. Mặc dù đây là hệ quả tất yếu của sự thay đổi hoocmon và xuất huyết của cơ thể, các chị em vẫn có thể tìm thấy nhiều bài thuốc dân gian để giảm đau và điều hòa kinh nguyệt. Trong số này, uống trà lá đu đủ được coi là biện pháp hỗ trợ đem lại hiệu quả cao và nhanh chóng. Lý do là bởi enzym papain trong lá đu đủ có tác dụng giảm co thắt tử cung và tạo điều kiện cho máu lưu thông dễ dàng. Về lâu dài, việc uống trà lá đu đủ thường xuyên cũng sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan tới việc mất cân bằng nội tiết tố nữ nói chung. 

6 tác dụng của lá đu đủ và một số lưu ý về sức khỏe khi sử dụng - Ảnh 3.

Lá đu đủ có tác dụng hỗ trợ làm giảm đau bụng khi đến kỳ kinh nguyệt (Nguồn: Internet)

Đối với các trường hợp gặp phải hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), chị em vẫn có thể uống trà lá đu đủ như trên và cần đặc biệt ưu tiên cho cơ thể nghỉ ngơi trước khi hành kinh.  

2.4. Kích thích chức năng tiêu hóa

Lá đu đủ chứa nhiều chất xơ và thường được dùng trong những bài thuốc giúp kích thích tiêu hóa và chữa các vấn đề như đầy bụng, ợ nóng, … Cụ thể, enzyme papain trong lá đu đủ có tác dụng chuyển hóa những protein phức tạp thành các amino axit, protein đơn giản và kích thích tiêu hóa. Điều này là đặc biệt cần thiết với những người theo các chế độ ăn uống - tập luyện để tăng cân, bởi họ phải thường xuyên phải bổ sung protein qua các loại thịt, trứng, cá, … mà cơ thể khó hấp thụ nhanh chóng.    

Ngoài ra, đặc tính kháng viêm, diệt khuẩn của lá đu đủ cũng giúp loại bỏ vi khuẩn HP và các vi sinh vật có hại khác trong ổ bụng. Về lâu dài, bạn cũng sẽ ít gặp phải các vấn đề về đường ruột nói riêng và tiêu hóa nói chung.

2.5. Nuôi dưỡng da và tóc

Theo nhiều nghiên cứu khoa học (3), lá cây đu đủ có chứa vitamin E, chất chống oxy hoá giữ cho da mềm mại, mịn màng và kích thích quá trình phục hồi, tái tạo da. Lá đu đủ còn thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh da liễu như mụn trứng cá, mụn bọc, thâm sạm da và các nếp nhăn. Bên cạnh việc ăn các loại quả giàu dinh dưỡng như đu đủ, các chị em có thể uống trà hoặc đắp lá đu đủ để giữ cho làn da sáng, khỏe và đẩy lùi các dấu hiệu lão hóa.

6 tác dụng của lá đu đủ và một số lưu ý về sức khỏe khi sử dụng - Ảnh 2.

Quả và lá đu đủ đều chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho làn da (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, chiết xuất lá đu đủ cũng được sử dụng nhiều trong các loại dầu gội trị gàu, nấm và kích thích mọc tóc. Lý do là bởi hàm lượng flavonoid và vitamin phong phú trong lá đu đủ có tác dụng chống oxy hóa, ức chế sự phát triển của vi khuẩn trên da đầu và ngăn ngừa rụng tóc. Để giữ cho mái tóc luôn chắc khỏe và bóng mượt, bạn nên sử dụng các loại dầu gội nói trên và bổ sung chất chống oxy hóa cho cơ thể qua các loại thực phẩm như rau cải, hoa quả, ngũ cốc, ...

2.6. Phòng ngừa ung thư 

Lá đu đủ chứa nhiều enzym có khả năng ngăn ngừa ung thư vú. Ngoài ra, các flavonoid thực vật và nhiều chất chống oxy hóa khác trong lá đu đủ cũng có tác dụng ức chế sự phát triển của gốc tự do, bảo vệ các tế bào và hỗ trợ miễn dịch cho cơ thể.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khoa học (4), (5) cũng đã bước đầu ghi nhận những công dụng tích cực của chiết xuất lá đu đủ trong việc phòng ngừa các chứng ung thư thường gặp khác như ung thư gan, phổi, tuyến tiền liệt, ... Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả lâm sàng và cần có nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để kiểm chứng.

3. Tác dụng phụ của lá đu đủ và những người không nên sử dụng lá đu đủ

3.1. Tác dụng phụ của lá đu đủ

Trên thực tế, việc sử dụng lá đu đủ trên cả người và động vật đều đem lại rất ít hoặc không có tác dụng phụ, ngay cả với liều lượng cao. Mặc dù vậy, những  người bị dị ứng với đu đủ vẫn sẽ gặp phải các hiện tượng dị ứng thông thường như nổi mẩn, đau đầu, khó tiêu, … khi dùng.

Về liều lượng sử dụng, hiện tại chưa có đủ bằng chứng khoa học để đưa ra con số chính xác. Để tham khảo, bạn có thể dùng chiết xuất lá đu đủ 3 lần/ngày (mỗi lần 30ml) để hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết. Những trường hợp sử dụng lá đu đủ cho các mục đích khác cần tham khảo thêm chỉ dẫn từ các chuyên gia y tế.

6 tác dụng của lá đu đủ và một số lưu ý về sức khỏe khi sử dụng - Ảnh 5.

Lá đu đủ có thể gây dị ứng nên cần cẩn trọng (Nguồn: Internet)

3.2. Những đối tượng không nên sử dụng lá đu đủ

Với tác dụng phụ như trên, những đối tượng sau không nên sử dụng lá đu đủ:

- Những người bị dị ứng với đu đủ không nên sử dụng lá đu đủ dưới bất kì hình thức nào để tránh gặp phải những phiền toái về sức khỏe. 

- Những đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai và cho con bú, các bệnh nhân mắc bệnh về máu, những người chuẩn bị hoặc đang trong quá trình phẫu thuật hay điều trị thuốc, … cần tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ dẫn của bác sĩ về việc sử dụng lá đu đủ. Nếu cần thiết, có thể kiêng sử dụng lá đu đủ trong thời gian này để đảm bảo sức khỏe.

- Trong quá trình sử dụng lá đu đủ, nếu bạn gặp phải bất cứ vấn đề bất thường nào về sức khỏe, cần ngừng ngay việc sử dụng lại và đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

4. Cách chế biến lá đu đủ

Lá đu đủ là loại lá khó ăn, vì vậy bạn nên xay sinh tố lá đu đủ hoặc pha trà lá đu đủ để uống và tận dụng tối đa những công dụng của lá đu đủ với sức khỏe. Tùy vào loại trà hay sinh tố cần pha, bạn cần chuẩn bị nước tinh khiết (nóng/nguội), 1 nắm lá đu đủ (ưu tiên lá đã phơi khô để bớt nhựa, bớt vị đắng) đã thái nhỏ và các nguyên liệu cần thiết khác. Sau đó, bạn thực hiện việc pha trà hoặc xay sinh tố như vẫn hay làm và thưởng thức. Nếu cảm thấy không hợp với vị hơi đắng, chát của trà hay sinh tố lá đu đủ, bạn có thể thêm chút gia vị (muối, đường, …) để thay đổi hương vị cho dễ uống.

Trong y học cổ truyền cũng có nhiều bài thuốc sử dụng lá đu đủ tươi/khô cùng các loại thảo dược khác để chữa các bệnh như tiêu chảy, mụn nhọt, … Để đảm bảo hiệu quả chữa bệnh cao nhất, bạn cần tham khảo những chỉ dẫn của bác sĩ và các nguồn thông tin tin cậy khác trước khi áp dụng.

Trên đây là những tác dụng của lá đu đủ, nổi bật là hỗ trợ cải thiện sức khoẻ, sắc đẹp và điều trị một số bệnh lý. Tuy nhiên, lá đu đủ không thể thay thế các liệu pháp điều trị từ bác sĩ, chỉ mang tính hỗ trợ. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, các bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. 

Nguồn tham khảo:

7 Emerging Benefits and Uses of Papaya Leaf

Papaya Leaf Juice: 5 Reasons Why One Should Consume It


https://suckhoehangngay.vn/6-tac-dung-cua-la-du-du-va-mot-so-luu-y-ve-suc-khoe-khi-su-dung-20210805073416086.htm
Tác giả: Đinh Đức Huy