Theo các chuyên gia ở Quỹ phi lợi nhuận vì sức khỏe phụ nữ Mỹ (WHF), hiện tượng bốc hỏa (hot flash) thường xuất hiện ở nhóm phụ nữ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Thông thường, mãn kinh được coi là nguyên nhân gây ra bốc hỏa phổ biến nhất, tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị bốc hỏa do các nguyên nhân ngoài mãn kinh.
Theo trang tin Webmd.com, mãn kinh (Menopause) là thời kỳ sinh lý bình thường khi người phụ nữ bước vào lứa tuổi trên 50. Kỳ mãn kinh bắt đầu được tính từ sau kỳ kinh cuối cùng mà 12 tháng sau đó người phụ nữ không còn kinh. Người ta chia quá trình mãn kinh thành các giai đoạn khác nhau gồm tiền mãn kinh, mãn kinh và hậu mãn kinh.
Dấu hiệu nhận biết dễ nhất của mãn kinh chính là không còn sự xuất hiện của kinh nguyệt. Trước thời kỳ mãn kinh, chị em sẽ có những triệu chứng đặc trưng như rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều, giảm khả năng sinh sản, âm đạo khô, bốc hỏa, béo bụng, rụng tóc, rối loạn giấc ngủ, phát sinh vấn đề về đường tiết niệu, mất khả năng tập trung, ngực teo, tâm tính thay đổi thất thường….
Thông thường, bốc hỏa do mãn kinh gây nên nhưng cũng có nhiều trường hợp do các nguyên nhân ngoài mãn kinh.
Trong nhiều trường hợp những cơn bốc hỏa xuất hiện do các nguyên nhân ngoài mãn kinh
Cơn bốc hỏa phừng phừng trong người có thể là tác dụng không mong muốn của một số loại thuốc kê đơn phổ biến. Theo các chuyên gia ở Bệnh viện Cleveland (Mỹ), những loại thuốc đó gồm thuốc giảm đau nhóm opioid, thuốc chống trầm cảm và thuốc trị loãng xương, thuốc tamoxifen, một loại thuốc dùng để điều trị ung thư vú,.... Khi sử dụng những loại thuốc này, bạn có thể cảm thấy da nóng bừng như bốc hỏa trong người. Tuy nhiên các tác dụng này thường hiếm gặp.
Để phát hiện sớm, WHF khuyến cáo rằng các chị em nên thông báo ngay cho bác sĩ biết ngay khi xuất hiện hiện tượng bốc hỏa sau khi dùng thuốc, nếu cần bác sĩ có thể thay đổi thuốc khác ít tác dụng phụ hơn.
Một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây bốc hoả chính là tình trạng thừa cân, béo phì, và chính khối lượng dư thừa này đã làm cho quá trình chuyển hóa hay trao đổi chất của cơ thể bị rối loạn. Trọng lượng càng tăng lại ít vận động thì tình trạng bốc hỏa càng cao.
Tình trạng dư thừa cân nặng là một trong những nguyên nhân gây bốc hỏa
Theo các chuyên gia đến từ Đại học California (San Francisco, Mỹ) để duy trì ngưỡng trọng lượng hợp lý, chị em nên ăn kiêng và chăm luyện tập thể thao. Theo đó, những người duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên vận động, luyện tập thể thao khoảng 200 phút/tuần thì nguy cơ xuất hiện các cơn bốc hỏa thấp hơn 50% so với nhóm thừa cân, ăn uống thiếu khoa học và lười vận động.
Theo WHF, đa số phụ nữ đều đã từng trải qua cơn bốc hỏa ít nhất một lần. Đặc biệt tình trạng bốc hỏa xuất hiện dày đặc khi các chị em ăn các loại thực phẩm chứa nhiều gia vị, nhất là gia vị chua, cay nóng….
Để hạn chế những cơn bốc hỏa gây cảm giác khó chịu, mọi người nên loại bỏ các món gây dị ứng như đồ uống chứa cồn, caffeine hoặc các phụ gia như sulfite ra khỏi chế độ ăn uống hằng ngày bởi đây là những tác nhân gây dị ứng và bốc hỏa rất mạnh mẽ.
Theo bác sĩ Battaglino trưởng nhóm nghiên cứu ở WHF, chúng ta thường nghe thấy các bác sĩ tâm thần nói đến "căng thẳng" và "lo lắng", đây chính là những thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái cảm xúc của con người khi căng thẳng như sợ hãi, bồn chồn hay lo lắng. Tình trạng nhịp tim nhanh kèm theo cảm giác bồn chồn, hồi hộp hay lo lắng là nguyên nhân dẫn đến những cơn bốc hỏa khó chịu.
Để hạn chế các cơn bốc hỏa do bồn chồn lo lắng, các chị em nên hít thở sâu, bài tập này sẽ giúp trấn tĩnh tinh thần. Ngoài ra, các chị em có thể tập thể dục, ngồi thiền hay tập yoga… để đẩy lùi bồn chồn, lo lắng. Nếu đã áp dụng mọi cách mà những cơn bốc hỏa vẫn không biến mất thì nên gặp bác sĩ hoặc chuyên gia về thần kinh để được tư vấn và điều trị sớm.
Các loại bệnh liên quan đến hoóc-môn hoặc hệ nội tiết cũng là nguyên nhân gây bốc hỏa ở phụ nữ. Theo nghiên cứu, thì những người bị mắc các bệnh về hệ nội tiết hoặc liên quan đến hoóc-môn có khả năng các cơn bốc hỏa xuất hiện cao hơn những người không bị mắc bệnh. Chẳng hạn, những người bị mắc bệnh về tuyến giáp, như cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) có thể phát sinh cảm giác nóng bừng trong cơ thể. Hay bị nhiễm trùng hay nhiễm virút cũng có thể làm tần xuất của các cơn bốc hỏa tăng cao.
Bốc hỏa còn xuất hiện do bị mắc bệnh cường tuyến giáp
Nếu bị bốc hỏa do cường giáp thì người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng khác như tim đập nhanh, hồi hộp, sút cân không rõ lý do, tiểu tiện liên tục, kiệt sức ở một số thời điểm nhất định trong ngày. Nếu là do các loại bệnh khác, như nhiễm trùng, nhiễm virút thì có các triệu chứng như tiêu chảy hoặc khó chịu đường ruột. Nếu chẳng may rơi vào trường hợp như vậy, người bệnh nên tìm đến tư vấn của bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây bốc hỏa và có sự can thiệp kịp thời.
Thông thường vào ban đêm nhiệt độ cơ thể hay thay đổi một cách tự nhiên nên phụ nữ (và cả đàn ông) cũng có thể bị thức giấc bất ngờ, kèm theo đó là cảm giác nóng và đổ mồ hôi. Nếu nhiệt độ phòng ngủ không được duy trì thích hợp, quá nóng và ngột ngạt, các triệu chứng này sẽ tăng cao.
Trong trường hợp như vậy, nếu thấy bốc hỏa vào giữa đêm thì nên kiểm tra lại nhiệt độ phòng, trang phục khi ngủ hoặc chăn chiếu. Giải pháp đơn giản nhất là điều chỉnh lại nhiệt độ phòng bằng cách dùng quạt hoặc điều hòa, mặc quần áo thoáng mát và đắp chăn mỏng để dễ ngủ và hạn chế những cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm.
Theo Blogsuckhoe.com