Tăng huyết áp là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, nó có thể xuất hiện và diễn tiến trong âm thầm khiến chúng ta không thể nhận ra cho đến khi các biến chứng của nó xảy ra. Chính vì thế, khi đã có tăng huyết áp xảy ra thì điều trị tăng huyết áp đúng cách là vô cùng quan trọng để kiểm soát huyết áp, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
6 lưu ý cần nhớ khi điều trị tăng huyết áp:
Ngay khi bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp thì vấn đề điều trị nên được cân nhắc và đặt ra sớm để kiểm soát huyết áp cho người bệnh. Tình trạng tăng huyết áp không được kiểm soát càng lâu thì mức độ tăng huyết áp của bệnh nhân có thể trở nên nặng nề hơn, các biến chứng của tăng huyết áp cũng dễ dàng xảy ra hơn,...
Chính vì thế, vấn đề điều trị tăng huyết áp sớm là vấn đề hết sức quan trọng mà bệnh nhân cần lưu ý khi mắc tăng huyết áp. Ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp và thời điểm khởi trị tăng huyết áp được khuyến cáo hiện nay là 140/90mmHg.
Trong điều trị tăng huyết áp, ngoài vấn đề sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp thì một nội dung vô cùng quan trọng khác đó chính là xây dựng được một lối sống tích cực và lành mạnh cho người bệnh. Các biện pháp thay đổi lối sống nên được đặt ra ngay từ giai đoạn tiền tăng huyết áp của người bệnh (130-139/85-90mmHg) và luôn là nội dung bắt buộc đối với điều trị tăng huyết áp cho mọi mức độ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các biện pháp thay đổi lối sống thích hợp khi được áp dụng tốt có thể giúp huyết áp của bệnh nhân giảm đi đến 10mmHg, điều này tương đương với hiệu quả khi sử dụng một loại thuốc hạ huyết áp.
Các biện pháp thay đổi lối sống được đề xuất ở bệnh nhân tăng huyết áp bao gồm chế độ ăn thích hợp (ăn nhạt dưới 6g muối/ngày, ăn nhiều rau củ, hạn chế sử dụng chất béo bão hòa,...), kiêng rượu bia, bỏ thuốc lá, tránh lo âu, căng thẳng và có chế độ hoạt động thể lực hợp lý,...
Khi bệnh nhân bị tăng huyết áp, chúng ta thường quan tâm đến việc làm sao để hạ huyết áp cho bệnh nhân. Tuy nhiên hầu hết chúng ta lại chưa quan tâm đến việc cần hạ huyết áp của bệnh nhân đến mức nào là hợp lý?
Đích điều trị cho các bệnh nhân cao huyết áp dưới 65 tuổi nên được kiểm soát huyết áp ở mức 120-130mmHg/70-80mmHg. Còn đối với các bênh nhân trên 65 tuổi thì nên kiểm soát huyết áp ở mức từ 130-140mmHg/70-80mmHg.
Hạ huyết áp xuống mức quá thấp không những không đem lại nhiều hiệu quả hơn mà còn có thể gây nên các triệu chứng của tình trạng hạ huyết áp, hạ huyết áp tư thế và còn có thể làm gia tăng nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân.
Một lưu ý vô cùng quan trọng khác mà bệnh nhân cần nhớ khi điều trị tăng huyết áp đó chính là phải tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ đã đề ra.
Chúng ta cần biết rằng, các chỉ định điều trị cao huyết áp của bác sĩ đặt ra cho bệnh nhân được xây dựng dựa trên sự tổng hợp của rất nhiều thông tin (tuổi tác, mức độ tăng huyết áp, bệnh lý đi kèm, khả năng kinh tế,...) nhằm tối đa hiệu quả điều trị và hạn chế đến mức thấp nhất các tác dụng phụ của điều trị. Việc không tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ có thể khiến cho điều trị trở nên kém hiệu quả và kém an toàn hơn.
Chính vì thế bệnh nhân cần tuân thủ tốt các hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ về chế độ sinh hoạt cùng với chế độ sử dụng thuốc (loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng thuốc). Kể cả khi huyết áp của bệnh nhân đã được kiểm soát tốt thì người bệnh cũng không được tự ý bỏ hoặc không tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ, điều này dễ gây huyết áp tăng cao trở lại nhanh chóng và gây nên các biến chứng nguy hiểm.
Sử dụng thuốc là nội dung quan trọng trong điều trị tăng huyết áp hiện nay. Tuy nhiên cũng chính vì thế mà bệnh nhân có thể có nguy cơ phải đối mặt với các tác dụng phụ do thuốc gây nên.
Những tác dụng phụ này đôi khi có thể chỉ là một vấn đề nhẹ, không có ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân như phù nhẹ ngoại biên khi dùng thuốc chẹn kênh calci,,.. Tuy nhiên đôi khi nó cũng có thể là một vấn đề nghiêm trọng, cần can thiệp và xử lý nhanh chóng, chẳng hạn như ho khan nhiều ở bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế men chuyển, tăng kali máu dẫn đến rối loạn nhịp tim ở bênh nhân dùng thuốc ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể,...
Vì vậy, người bệnh cần tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ về các nguy cơ tác dụng phụ mà bản thân có thể mắc phải để có thể phát hiện kịp thời các tác dụng phụ nếu chúng có xuất hiện trong quá trình điều trị.
Tăng huyết áp làm gia tăng các nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân tăng huyết áp nên thực hiện tốt và nghiêm chỉnh lịch khám định kỳ mà bác sĩ đã đề ra.
Thăm khám định kỳ thường xuyên cho phép bác sĩ có thể đánh giá được sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, hiệu quả của các biện pháp điều trị tăng huyết áp đang được áp dụng, các tổn thương cơ quan do tăng huyết áp, tác dụng phụ của điều trị nếu có,...
Các thông tin thu thập được trong quá trình thăm khám giúp bác sĩ có thể đưa ra các điều chỉnh về điều trị, thay đổi loại thuốc thích hợp nếu điều trị đáp ứng kém, hoặc xử lý sớm các tác dụng phụ do điều trị tăng huyết áp gây nên giúp quá trình điều trị an toàn hơn,...
Trên đây là một số lưu ý mà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nên nhớ trong quá trình điều trị tăng huyết áp. Để giúp việc điều trị tăng huyết áp diễn ra an toàn và hiệu quả hơn, khi có bất kỳ thắc mắc nào thì người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ để được giải đáp đầy đủ và chính xác nhất.