6 hiểu lầm phổ biến về chứng tăng tiết mồ hôi

6 hiểu lầm phổ biến về chứng tăng tiết mồ hôi
Tăng tiết mồ hôi (Hyperhidrosis) là thuật ngữ chỉ tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều tại các vùng cơ thể như nách, chân, tay, lưng, ngực,...

Đổ mồ hôi quá nhiều là triệu chứng chính của chứng tăng tiết mồ hôi. Có nhiều hiểu lầm liên quan tới tăng tiết mồ hôi và dưới đây là 6 hiểu lầm phổ biến nhất:

1. Tăng tiết mồ hôi chỉ đơn giản là đổ mồ hôi quá nhiều, không quá nghiêm trọng

Sự thật: Mặc dù tất cả chúng ta đều đổ mồ hôi nhưng việc đổ mồ hôi quá nhiều tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng gây trở ngại lớn cho bệnh nhân trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra, tăng tiết mồ hôi nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng cho sức khỏe khác như:

- Nhiễm trùng da vùng tiết mồ hôi nhiều như nách, bẹn, lòng bàn tay, bàn chân,...

- Nhiễm nấm.

6 hiểu lầm phổ biến về chứng tăng tiết mồ hôi - Ảnh 2.

Ảnh: Kim Phụng, SKHN

2. Đổ mồ hôi quá nhiều là do vệ sinh cá nhân kém

Sự thật: Nỗi sợ hãi của rất nhiều người bị tăng tiết mồ hôi là bị người khác cho rằng họ vệ sinh không sạch sẽ. Tuy nhiên đổ mồ hôi nhiều về cơ bản hoàn toàn không liên quan tới vấn đề bạn sạch sẽ như thế nào.

Đọc thêm:

Trẻ ra nhiều mồ hôi có đáng lo không? Xử lý bằng cách nào?

Toát mồ hôi khi ngủ có nguy hiểm không? Những điều cần biết về toát mồ hôi khi ngủ

Nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi được biết là do:

- Cảm xúc quá mức (bao gồm: căng thẳng, hưng phấn, tức giận hoặc sợ hãi)

- Tiền sử gia đình có người bị tăng tiết mồ hôi (nguyên phát)

6 hiểu lầm phổ biến về chứng tăng tiết mồ hôi - Ảnh 3.

Ảnh: Kim Phụng, SKHN

- Tăng tiết mồ hôi thứ phát xuất hiện ở người đang mắc một số bệnh lý chẳng hạn như có hormone tuyến giáp tăng quá mức trong máu (bệnh cường giáp), đái tháo đường, béo phì, bệnh parkinson, bệnh gout,.. hay người đang sử dụng thuốc chữa bệnh Alzheimer, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị đái tháo đường, thuốc Pilocarpine (điều trị bệnh tăng nhãn áp),...

3. Bình tĩnh giúp giảm tiết mồ hôi

Sự thật: Mặc dù căng thẳng được biết đến là một trong những nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi khu trú nhưng vấn đề tăng tiết mồ hôi thường nằm ngoài tầm kiểm soát của người bệnh. Việc giảm tiết mồ hôi của bệnh không đơn giản chỉ là ở trong môi trường mát mẻ, hít thở sâu hay thay quần áo mỏng,... Các biện pháp này chỉ hữu ích "một phần nhỏ".

Hay nói cách khác, tăng tiết mồ hôi là một tình trạng sức khỏe liên quan tới "thể chất" không phải "bệnh tâm lý" nên việc giảm căng thẳng dù quan trọng nhưng chỉ có tác động giới hạn.

6 hiểu lầm phổ biến về chứng tăng tiết mồ hôi - Ảnh 4.

Ảnh: Kim Phụng, SKHN

4. Chất chống mồ hôi là giải pháp phù hợp cho mọi trường hợp tăng tiết mồ hôi

Sự thật: Các chất chống tiết mồ hôi có chứa nhôm là một giải pháp cho người bị đổ mồ hôi tuy nhiên chỉ phù hợp với người mắc chứng tăng tiết mồ hôi nhẹ và các liệu pháp tại chỗ có thể dễ dàng kiểm soát tốt tình trạng này. Nhưng với chứng tăng tiết mồ hôi nghiệm trọng thì chất chống mồ hôi có thể không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Một số biện pháp điều trị tăng tiết mồ hôi có thể là:

- Thuốc: thuốc chống mồ hôi theo đơn (muối nhôm,...), thuốc kháng cholinergic (giảm đổ mồ hôi toàn thân), thuốc chống trầm cảm, tiêm botox (tăng tiết mồ hôi nách)

- Điện di ion

- Phẫu thuật cắt hạch giao cảm.

6 hiểu lầm phổ biến về chứng tăng tiết mồ hôi - Ảnh 5.

Ảnh: Kim Phụng, SKHN

5. Vấn đề duy nhất của bệnh tăng tiết mồ hôi chính là tuyến mồ hôi

Sự thật: Như đã nói ở trên, tăng tiết mồ hôi được chia ra làm hai loại là tăng tiết mồ hôi nguyên phát và tăng tiết mồ hôi thứ phát. Để điều trị bệnh cần phải dựa theo nguyên nhân gây ra là gì và can thiệp đúng. 

Các bác sĩ khi chẩn đoán sẽ chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc các xét nghiệm khác để xem liệu tình trạng đổ mồ hôi của bạn có phải do một tình trạng bệnh lý khác gây ra hay không, chẳng hạn như tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết),...

Hoặc bạn có thể cần một bài kiểm tra xác định chính xác các khu vực đổ mồ hôi và đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng tăng tiết mồ hôi như thế nào.

6 hiểu lầm phổ biến về chứng tăng tiết mồ hôi - Ảnh 6.

Ảnh: Kim Phụng, SKHN

6. Tăng tiết mồ hôi phải phẫu thuật mới hết hoàn toàn

Sự thật: Một số người mắc chứng tăng tiết mồ hôi có thể đạt được hiệu quả kiểm soát tốt ngay khi thay đổi lối sống và dùng thuốc chống mồ hôi. Trong trường hợp các biện pháp này không đem lại hiệu quả thì bác sĩ mới cân nhắc tới biện pháp ít xâm lấn khác là phẫu thuật cắt hạch giao cảm bằng nội soi đốt.

Thời gian thực hiện phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm tương đối nhanh và có tính thẩm mỹ cao. Mặc dù vậy vẫn có tỷ lệ tái phát (dù thấp). Hơn nữa, một số tác dụng phụ sau phẫu thuật vẫn có thể xảy ra, bao gồm: Rối loạn nhịp tim, thường gặp là nhịp tim chậm; mất máu trong lúc mổ hoặc sau khi kết thúc phẫu thuật do cầm máu không kỹ hoặc chưa điều chỉnh tốt các rối loạn đông cầm máu.

6 hiểu lầm phổ biến về chứng tăng tiết mồ hôi - Ảnh 7.

Ảnh: Kim Phụng, SKHN

Thông thường biện pháp này được các bệnh nhân bị tăng tiết mồ hôi nguyên phát lựa chọn, đặc biệt là tăng tiết mồ hôi nghiêm trọng ở tay.

Nguồn dịch:

1. Myths About Excessive Sweating, Debunked

2. What Is Hyperhidrosis?


Tác giả: Allen