6 cách xử lý "say nguội" vào dịp cuối năm

6 cách xử lý "say nguội" vào dịp cuối năm
Rất nhiều người gặp tình trạng say nguội và cảm thấy khó chịu, mệt mỏi cả một ngày. Áp dụng 6 biện pháp này có thể giúp bạn dễ chịu hơn và giảm tình trạng nôn nao, mệt mỏi.

Say nguội là tình trạng bạn vẫn cảm thấy tỉnh táo, khỏe mạnh sau khi uống rượu nhưng bắt đầu sau 5-6 tiếng hoặc vào ngày hôm sau, bạn lại cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, choáng váng, khát nước và cả ngày không làm được việc. Say nguội có thể do cơ địa, tình trạng sức khỏe (yếu), thời gian chuyển hóa rượu chậm.

1. 6 cách xử lý say nguội nhanh chóng

Thông thường hiện tượng say nguội sẽ biến mất sau khoảng 24 giờ. Nhưng nếu cam thấy quá khó chịu, bạn có thể áp dụng 6 biện pháp này để giải rượu và giảm tình trạng nôn nao, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu một cách nhanh chóng.

- Uống đủ nước

Uống rượu bia có thể khiến cơ thể mất nước và điện giải vì rượu là chất lợi tiểu, khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Kết quả là cơ thể sẽ mất chất lỏng và chất điện giải, đặc biệt là natri. Uống rượu làm giảm nồng độ natri. 

Mất nước và mất cân bằng điện giải cũng chính là nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi, đau đầu, nôn nao sau khi uống rượu. 

Do đó, sau khi uống rượu bạn nên uống đủ nước để bù chất lỏng cho cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng có thể uống nước dừa hoặc nước bù điện giải để giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn. Tránh uống các loại đồ uống có chứa caffeine để tránh khiến cơ thể mất nước thêm.

6 cách xử lý "say nguội" vào dịp cuối năm - Ảnh 2.

Uống rượu sẽ khiến cơ thể mất nước (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

Bật mí 7 cách uống rượu không say, tuyệt chiêu cho dân nhậu vào cuối năm

Mặt đỏ bừng sau khi uống rượu bia có nguy hiểm không?

- Uống trà hoa cúc mật ong

Uống trà hoa cúc có thể giúp giảm triệu chứng nôn nao, buồn nôn sau khi uống rượu. Hơn nữa, trà hoa cúc còn có thể tăng chuyển hóa đào thải chất độc, có chứa chất chống oxy hóa nên có thể bảo vệ gan, giúp gan đào thải rượu tốt hơn.

Cách pha trà hoa cúc mật ong rất đơn giản, bạn có thể sử dụng một lượng hoa cúc khô vừa phải, đem pha với nước nóng. Sau đó, ủ trong khoảng 5 phút và lọc bỏ phần hoa, tiếp đó cho thêm một chút mật ong để gia tăng hương vị và thưởng thức.

- Uống trà gừng

Gừng chứa chất chống oxy hóa tự nhiên, nhiều chất trong số đó được cho là giúp kiểm soát stress oxy hóa do rượu gây ra. Ngoài ra, uống trà gừng cũng giúp giảm tình trạng buồn nôn do uống rượu.

Bạn có thể sử dụng một nhánh gừng tươi đập dập, sau đó pha thêm một chút nước nóng, có thể thêm một chút đường để dễ uống hơn.

- Ăn thực phẩm có tính giải rượu

Ăn gì để giải rượu nhanh? Để xử lý cơn say nguội nhanh chóng, bạn nên ăn các loại thực phẩm như trái cây, thực phẩm giàu carbohydrate, thực phẩm mềm và dễ nuốt.

Các loại trái cây giúp giải rượu hiệu quả như chuối hoặc bơ- có thể bổ sung chất điện giải kali cho cơ thể, dưa hấu - giúp ngăn ngừa chứng đau đầu liên quan đến tình trạng nôn nao thường là do mất nước và giảm lưu lượng máu đến não, cam - giàu vitamin C có thể ngăn cơ thể bạn mất glutathione,...

Các thực phẩm giàu carbohydrate tốt cho người say nguội như bánh mì, khoai lang, yến mạch, đậu xanh,...

Ngoài ra, người bị say nguội nên ăn các loại súp như súp gà - loại súp này giàu kẽm và vitamin B3, những chất này có tác dụng giảm say xỉn hiệu quả và nhanh chóng.

Say rượu không nên ăn gì?

Những người bị say rượu không nên ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay và chua, cà phê vì những nhóm thực phẩm này sẽ khiến tình trạng nôn nao trở nên nghiêm trọng hơn.

6 cách xử lý "say nguội" vào dịp cuối năm - Ảnh 3.

Sau rượu nên ăn những thực phẩm giàu nước (Ảnh: ST)

- Ngủ nghỉ nhiều hơn

Ngủ nghỉ là cách tốt nhất để giúp một người tỉnh rượu. Ngủ nghỉ cho phép thời gian trôi qua trong khi cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi. Giấc ngủ cũng giúp phục hồi khả năng đào thải rượu ra khỏi hệ thống của cơ thể.

Tuy nhiên, khi ngủ nghỉ bạn vẫn nên dành thời gian để uống đủ nước và ăn đầy đủ để bổ sung năng lượng cho cơ thể.

- Sử dụng thuốc giải rượu

Nếu cảm thấy cơn say đem lại cảm giác quá khó chịu và gần như vượt sức chịu đựng, bạn nên sử dụng thuốc giải rượu. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để giảm triệu chứng đau đầu do uống rượu. 

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể gây kích ứng dạ dày và làm tình trạng buồn nôn của bạn tệ hơn nếu bạn dùng quá liều khuyến cáo. Do đó, nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ khi sử dụng thuốc sau khi uống rượu.

2. Cách uống rượu hạn chế say nguội

Để tránh say nguội và phải trải qua những cảm giác khó chịu do tình trạng say xỉn này, khi uống rượu mọi người nên:

- Ăn gì đó trước và sau khi uống rượu: Việc ăn uống đầy đủ trước và sau khi uống rượu có thể làm chậm tốc độ rượu hấp thu vào máu cũng như bù nước và các khoáng chất cho cơ thể có thể mất đi do uống rượu.

Mọi người nên ăn những thực phẩm giàu protein, chất xơ và giàu nước trước khi uống rượu chẳng hạn như trái cây, bánh mì, trứng, rau xanh.

- Uống xen kẽ giữa rượu và đồ uống không có cồn: Việc uống thêm đồ uống không cồn khi uống rượu có thể giúp pha loãng lượng rượu bạn tiêu thụ. Bạn nên lựa chọn nước lọc là tốt nhất, nhưng không nên uống xen kẽ với đồ uống có ga vì điều này có thể làm tăng tốc độ hấp thụ rượu vào máu và khiến bạn dễ bị say hơn.

- Không hút thuốc khi uống rượu: Hút thuốc và uống rượu cùng lúc làm chậm tốc độ cơ thể bạn phân hủy cả rượu và nicotine. Điều này khiến bạn dễ say hơn cũng như các làm triệu chứng say xỉn trở nên trầm trọng hơn.

- Uống ít khi cơ thể không khoẻ: Cơ thể yếu sẽ khiến cơ thể chuyển hoá rượu chậm hơn nên có thể khiến bạn dễ say hơn và cảm thấy khó chịu, mệt mỏi hơn.

Trên đây là những giải đáp cho vấn đề: "say nguội nên làm gì?" và cách uống rượu hạn chế say nguội. Tuy nhiên, rượu ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ tổng thể và uống rượu thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Do đó, bạn nên hạn chế uống rượu hoặc uống quá nhiều rượu để bảo vệ sức khoẻ.


Tác giả: Vân Anh