Helicobacter pylori (HP) là một loại vi khuẩn phổ biến có thể ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày, có khả năng dẫn đến các vấn đề như bệnh loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày và ung thư dạ dày. Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP rất cao, ước tính khoảng 4,4 tỷ người trên toàn thế giới.
Nhiễm vi khuẩn HP không gây triệu chứng, các dấu hiệu và triệu chứng chỉ xuất hiện khi phát sinh viêm dạ dày hoặc loét dạ dày như ợ nóng, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, chán ăn, đau rát ở bụng.
Nếu không điều trị hoặc kiểm soát, nhiễm vi khuẩn HP lâu ngày có thể dẫn tới ung thư dạ dày. Để loại bỏ vi khuẩn HP, bạn có thể kết hợp việc sử dụng kháng sinh với một số biện pháp tự nhiên.
Mặc dù trước đây có hiệu quả cao, các phác đồ điều trị bằng 3 loại kháng sinh đã mất hiệu quả trong những năm gần đây do tỷ lệ kháng kháng sinh ngày càng tăng. Ngoài ra, việc bệnh nhân tuân thủ kém do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh cũng khiến việc điều trị HP bằng kháng sinh còn chưa đạt hiệu quả cao.
Do đó, các biện pháp tự nhiên đang được quan tâm và nghiên cứu để tăng hiệu quả, giảm tác dụng phụ của kháng sinh và đánh giá tiềm năng của phương pháp tự nhiên trong việc hỗ trợ kiểm soát nhiễm trùng.
Dưới đây là 6 biện pháp tự nhiên để loại bỏ vi khuẩn HP mà bạn có thể tham khảo:
- Bổ sung probiotics
Probiotics giúp duy trì sự cân bằng giữa vi khuẩn đường ruột có lợi và có hại. Theo một nghiên cứu năm 2020, việc dùng probiotics trước hoặc sau khi điều trị H. pylori theo tiêu chuẩn có thể cải thiện tỷ lệ diệt trừ loại vi khuẩn này.
Các loài Lactobacillus được nghiên cứu lâm sàng nhiều nhất và nhiều loài cho thấy lợi ích; L. acidophilus, L. casei và L. salivarius có thể ức chế sự xâm chiếm của H. pylori và chứa các bacteriocin có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vi khuẩn, trong khi L. reuteri và L. gasseri có thể giúp chống lại tình trạng viêm.
Các loài Bifidobacteria và Saccharomyces boulardii (một loại nấm men) cũng đã được chứng minh là có ích bằng cách thúc đẩy phản ứng kháng thể và niêm mạc đối với nhiễm trùng.
Ngoài ra, thuốc kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi và có hại trong dạ dày của bạn, vì vậy probiotics giúp bổ sung vi khuẩn có lợi, từ đó giúp giảm các tác dụng phụ của kháng sinh như tiêu chảy.
Bạn có thể bổ sung probiotics theo nhiều cách như sử dụng men vi sinh, sữa chua, kombucha, đậu nành lên men,... nhưng lưu ý đối với những người bị đau dạ dày nên ăn những thực phẩm có tính axit sau bữa ăn khoảng 30 phút để tránh làm trầm trọng thêm triệu chứng.
Probiotics giúp duy trì sự cân bằng giữa vi khuẩn đường ruột có lợi và có hại (Ảnh: ST)
Đọc thêm:
+ Làm sao để phục hồi chức năng dạ dày sau điều trị HP?
+ Tìm hiểu những loại thuốc điều trị vi khuẩn HP phổ biến
- Uống trà xanh
Catechin, hợp chất polyphenol có nhiều trong trà xanh có hoạt tính chống lại vi khuẩn H. pylori. Trong một nghiên cứu trong ống nghiệm, chiết xuất trà xanh được quan sát thấy có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của H. pylori và ảnh hưởng đến tế bào vi khuẩn.
Điều này một phần có thể là do khả năng can thiệp của trà xanh vào quá trình sản xuất urease của vi khuẩn H. pylori và ức chế các độc tố gây viêm có thể dẫn đến bệnh nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, khi dùng trước và sau khi nhiễm khuẩn HP, polyphenol có trong trà xanh có thể giúp giảm hoạt động viêm và các triệu chứng viêm dạ dày. Những người uống trà xanh thường xuyên được phát hiện có số lượng vi khuẩn H. pylori trong đường tiêu hóa thấp hơn.
- Bổ sung tỏi vào chế độ ăn uống
Tỷ lệ ung thư dạ dày thấp hơn ở những người thường xuyên ăn tỏi và các loại rau họ hành khác, điều này cho thấy tác dụng có thể có của tỏi đối với vi khuẩn H. pylori - tác nhân gây ung thư dạ dày.
Chiết xuất tỏi đã được chứng minh là có thể ức chế vi khuẩn H. pylori ngay cả ở liều lượng tương đương với chỉ một tép tỏi cỡ trung bình mỗi ngày. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng allicin, một hợp chất lưu huỳnh trong tỏi có thể làm tăng khả năng kiểm soát H. pylori và cải thiện tỷ lệ chữa lành loét dạ dày tá tràng.
Trong một nghiên cứu nhỏ về xét nghiệm hơi thở về urease (phương pháp chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP), ăn 2 tép tỏi 2 lần mỗi ngày trong 3 ngày có thể làm giảm đáng kể mức độ urease có thể đo được.
Chiết xuất tỏi đã được chứng minh là có thể ức chế H. pylori (Ảnh: ST)
- Sử dụng mật ong
Mật ong được phát hiện có khả năng kháng khuẩn đối với vi khuẩn H. pylori. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng mật ong có thể tự tiêu diệt vi khuẩn, nhưng nó có thể giúp ức chế sự phát triển của loại vi khuẩn này.
- Bổ sung nghệ vào chế độ ăn
Curcumin là một thành phần hoạt tính có trong nghệ. Một nghiên cứu năm 2019 đã thảo luận về cách curcumin làm giảm viêm và ngăn ngừa H. pylori xâm nhập và gây tổn thương các tế bào dạ dày.
Tác dụng chống oxy hóa và kháng khuẩn của curcumin có thể có lợi khi kết hợp với các loại thuốc có chứa kháng sinh.
- Sử dụng mầm bông cải xanh
Sulforaphane là một hợp chất có hàm lượng cao trong các loại rau họ cải như mầm bông cải xanh, cải xanh và cải xoăn. Đây là chất chống oxy hoá có triển vọng trong việc hỗ trợ kiểm soát nhiễm trùng H. pylori, vì chúng có tác dụng kìm khuẩn đối với H. pylori.
Hơn nữa, một nghiên cứu trong đó 50 người tham gia ăn 70 gam mầm bông cải xanh sống mỗi ngày đã chứng minh hoạt động của urease giảm, các dấu hiệu viêm dạ dày giảm và các triệu chứng viêm dạ dày được cải thiện sau 8 tuần.
Ngoài các cách loại bỏ HP một cách tự nhiên, dưới đấy là một số lưu ý khác khi bị nhiễm khuẩn HP:
- Sử dụng thuốc kháng sinh theo đúng đơn thuốc được bác sĩ chỉ định nếu có
- Tránh những thực phẩm không lành mạnh và có thể gây kích ứng dạ dày như thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine, nước có ga, rượu, trái cây có tính axit, thức ăn cay, thực phẩm nhiều chất béo, thực phẩm chế biến sẵn.
- Thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu nguy cơ lây lan cho người khác như tránh sử dụng chung bát nước chấm, nhai mớm cơm cho trẻ, rửa tay sạch sẽ với xà phòng sau khi đi vệ sinh,...
Trên đây là cách loại bỏ HP một cách tự nhiên. Tuy nhiên, đây chỉ là các phương pháp mang tính hỗ trợ, không thay thế được các chỉ định của bác sĩ. Bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ và tuân thủ đúng các phương pháp điều trị từ bác sĩ.
Nguồn tham khảo:
1. Natural Remedies for H. pylori: Do They Work?
2. What Natural Treatments Work for H. pylori?