Thời điểm mùa lạnh khiến các bệnh lý về đường hô hấp phát triển mạnh, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Việc trẻ ho khúng khắng, ho dai dẳng, viêm phế quản, hen phế quản, dai dẳng mãi không dứt khiến tâm lý bố mẹ càng lo lắng. Nhiều ông bố bà mẹ sai lầm trong việc điều trị bệnh cho con khiến tình trạng viêm phế quản, hen phế quản ngày càng nặng hơn, dễ tái đi tái lại.
“Con em 18 tháng, bị viêm phế quản co thắt mà uống kháng sinh mãi không khỏi”, chị Quỳnh Nga (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết khi đang chờ khám tại bệnh viện trung ương.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính gây viêm phế quản, viêm phế quản co thắt hầu hết là do virus, do vậy việc lạm dụng kháng sinh là không phù hợp. PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc bệnh viện Tai – Mũi – Họng trung ương cho rằng “bố mẹ cần bình tĩnh trong trường hợp này, cần giữ vệ sinh mũi họng cho bé, cho bé ăn chất lỏng ấm, đầy đủ dinh dưỡng, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ thì bệnh sẽ nhanh hết.
Không nên tự ý lạm dụng kháng sinh để tránh gặp phải những lệ lụy không mong muốn. Với trẻ mắc hen phế quản, chỉ sử dụng kháng sinh cho con khi có dấu hiệu bị bội nhiễm như ho, sốt, đau họng, bỏ bú – bỏ ăn, ho có đờm xanh hoặc vàng. Khi điều trị thì nên sử dụng các thuốc thảo dược để an toàn hơn cho con”.
Nhiều bà mẹ khi thấy con ốm lại mua đơn thuốc cũ về dùng cho con. Hay đơn giản được người khác mách thuốc cũng làm theo mà không kiểm chứng hay nghe lời khuyên của bác sĩ.
Thực tế, mỗi đứa đều có tình trạng bệnh và cơ địa khác nhau, chính vì vậy phụ huynh tuyệt đối không dùng toa thuốc của bé này cho bé kia uống. Việc dùng đơn thuốc của trẻ khác điều trị cho bé khiến gia tăng tình trạng kháng kháng sinh. Đối với trẻ mắc bệnh hen phế quản, tùy theo mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị khác nhau, không nên áp dụng phác đồ điều trị của trẻ khác, gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ.
"Em nghĩ cháu đã giảm rồi thì sẽ khỏi dần thôi, ai ngờ 3 ngày sau con bé lại bị ho nhiều hơn, nôn trớ và bị khó thở nữa", chị Hương Linh có con bị viêm phế quản tái phát, dẫn tới viêm phổi.
Theo các bác sĩ bệnh viện Nhi TW, nếu trẻ dùng kháng sinh không đủ liều thì nguy cơ kháng thuốc xảy ra là rất cao, tình trạng bệnh còn có thể nặng hơn, muốn điều trị dứt điểm phải dùng kháng sinh liều cao. Trong khi đó, cơ thể của trẻ rất yếu, dùng kháng sinh liều cao cùng với nhiều loại thuốc khác cùng lúc sẽ không tốt cho trẻ.
Theo đó, phụ huynh nên nhớ rằng, không nên tự ý cho trẻ dừng thuốc kể cả những biểu hiện bệnh đã thuyên giảm. Nếu không tuân theo chỉ định và liều lượng cần dùng, rất có thể bệnh của trẻ sẽ trở thành mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ.
“Ngày hôm trước do thời tiết oi bức nên buổi tối tôi mở máy lạnh ở nhiệt độ thấp, gần sáng thì thằng bé ho dữ dội, khó thở phải dùng thuốc cắt cơn.
Sáng nay tôi đưa con vào viện khám lại thì bị bác sỹ mắng, nói con bị hen mà bố mẹ chủ quan quá”, chị Thu Hằng vừa mua thuốc tại cổng bệnh viện cho biết. Nếu trong gia đình có người hút thuốc lá mà vẫn cho con chơi bên cạnh hay con mới khỏi ốm đã cho đi chơi, ra ngoài trời lạnh hay ở nơi công cộng đông sẽ khiến bệnh hô hấp của trẻ phát lại do nhiễm vi khuẩn lây bệnh.
Viêm phế quả ở trẻ nhỏ với triệu chứng đi kèm thường là ho nhiều. Nhiều người vẫn cho rằng, cho trẻ kiêng có món như tôm, thịt gà để tránh việc ho nặng thêm.
Tuy nhiên, đây là kiến thức không có cơ sở khoa học, thậm chí theo bác sĩ, việc kiêng như vậy sẽ khiến cho cơ thể của trẻ suy nhược do thiếu chất dinh dưỡng. Với những trẻ mắc hen phế quả có cơ địa dị ứng thì nên tránh các thực phẩm kể trên, còn nếu không dị ứng thì không cần kiêng.