5 quan niệm sai lầm trong điều trị và phòng ngừa bệnh viêm gan B

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
5 quan niệm sai lầm trong điều trị và phòng ngừa bệnh viêm gan B
Trong điều trị và phòng ngừa bệnh viêm gan B có rất nhiều những quan niệm sai lầm chẳng hạn như ăn chung hoặc sống chung với người mắc viêm gan B sẽ bị lây hoặc viêm gan B thể ngủ không thể sang thể hoạt động được,...

1. Viêm gan B thể ngủ không thể chuyển sang thể hoạt động

Bệnh viêm gan B ngoài cấp tính và mãn tính thì còn được xác nhận tình trạng qua thể ngủ (thể không hoạt động lành tính) và thể hoạt động. Mặc dù với viêm gan B thể ngủ virus viêm gan B không hoạt động nhưng trong cơ thể người bệnh vẫn tồn tại virus gây bệnh vì thế nó có thể hoạt động bất cứ lúc nào. Chỉ là tỷ lệ hoạt động sẽ giảm đi.

Thông thường những nguyên nhân có thể khiến virus bệnh viêm gan B hoạt động bao gồm:

- Sức đề kháng của cơ thể suy giảm và không có khả năng chống lại được virus

- Chế độ ăn uống không lành mạnh

- Sử dụng thuốc uống bừa bãi ảnh hưởng tới hoạt động chức năng gan

- Uống nhiều rượu bia và chất kích thích

Các triệu chứng để nhận biết virus chuyển sang dạng hoạt động:

- Đa số các trường hợp (80%) sẽ không có biểu hiện gì rõ rệt nên cần phải kiểm tra định kỳ mỗi 6 tháng - 1năm /lần.

- Còn lại (20%) có thể có một trong các biểu hiện như: mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon, đầy bụng khó tiêu, tiểu sậm màu, vàng mắt vàng da, đau tức vùng bụng trên bên phải (đau tức vùng gan).

2. Bệnh viêm gan B là bệnh di truyền vì có nhiều người trong gia đình đều bị bệnh

Thực tế thì bệnh viêm gan B là bệnh truyền nhiễm chứ không phải bệnh lý di truyền. Tuy nhiên nếu như mẹ mang thai mắc viêm gan B thì con sinh ra cũng có nguy cơ bị nhiễm viêm gan B trong quá trình sinh nở. Tuy vậy thì có thể hạn chế được nguy cơ mắc bệnh viêm gan B ở con nếu như có dự phòng đúng cách và tiêm vaccine 6 giờ sau sinh.

3. Ăn uống chung hay tiếp xúc với người bị bệnh viêm gan B sẽ bị lây

Thực tế thì bệnh viêm gan B không có cơ chế lây truyền qua đường ăn uống giống như bệnh viêm gan A hay viêm gan E. Vì thế mà khi ăn uống hoặc sinh hoạt chung với người bị bệnh viêm gan B sẽ không bị lây nhiễm.

Nguyên nhân những thành viên trong gia đinh dễ bị viêm gan B như nhau là do virus viêm gan B lây qua đường máu mà người nhà qua quá trình tiếp xúc, sử dụng chung đồ dùng cá nhân,... dễ bị nhiễm virus viêm gan B hơn.

4. Chữa viêm gan B bằng thảo dược có thể khỏi hoàn toàn

Theo thống kê thì có khoảng 90% bệnh nhân mắc bệnh viêm gan B cấp tính không cần phải điều trị đặc biệt mà sau 6 tháng có thể hoàn toàn hồi phục. Chưa có một công trình nào chứng mình được một loại thảo dược nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm gan B.

Sử dụng thảo dược có thể cải thiện được một số biểu hiện chung như mất ngủ, ăn không ngon,... nhưng virus viêm gan B trong cơ thể thì vẫn phát triển và gây tổn thương gan như bình thường.

5. Tiêm phòng virus viêm gan B là sẽ không bị nhiễm viêm gan virus B nữa

Hiện nay vaccine tiêm phòng virus bệnh viêm gan B chỉ có tác dụng đối với những bệnh nhân không mang virus viêm gan B trong cơ thể và sau khi tiêm phòng phải sản xuất ra được nồng độ kháng thể Anti-HBs > 10 IU/l thì vaccine mới có tác dụng phòng bệnh hiệu quả.

Vì vậy, trước khi tiêm phòng bệnh viêm gan B bạn cần thực hiện các xét nghiệm HBsAg và Anti-HBs. Nếu như một người xét nghiệm mà cho kết quả âm tính với HBsAg đồng thời chưa thực hiện tiêm phòng bệnh viêm gan B trước đó cộng với kết quả xét nghiệm có âm tính với Anti-HBs hay nồng độ Anti-HBs thấp < 10 IU/l thì cần phải đi tiêm phòng do cơ thể chưa bị nhiễm virus gây bệnh viêm gan B và cũng chưa có khả năng để miễn dịch với bệnh.


Tác giả: Phạm Thanh