5 quan niệm sai lầm thường gặp về sa sút trí tuệ

5 quan niệm sai lầm thường gặp về sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ là tình trạng rất phổ biến, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, những thông tin tràn lan liên quan đến tình trạng này rất dễ gây nên những quan niệm sai lầm, thiếu chính xác.

Hiện nay, cả những bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc sa sút trí tuệ và cả người nhà của họ đều đang dễ bị quá tải khi phải tiếp xúc với rất nhiều nguồn thông tin khác nhau về căn bệnh này. Sự tiếp xúc tràn lan, không chọn lọc cũng thường là nguyên nhân dẫn đến các quan niệm sai lầm về bệnh sa sút trí tuệ.

Mà sự hiểu biết đúng đắn về những quan niệm sai lầm về sa sút trí tuệ này lại có vai trò rất lớn trong phòng tránh, điều trị cũng như giảm thiểu sự ảnh hưởng của sa sút trí tuệ lên chất lượng cuộc sống,...

1. Sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer là một

Một quan điểm sai lầm về sa sút trí tuệ thường gặp chính là việc nhiều người cho rằng căn bệnh này cùng với bệnh Alzheimer chính là một. Điều này dẫn đến việc hai tên gọi sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer rất hay bị sử dụng lẫn lộn với nhau.

Tuy nhiên, sa sút trí tuệ không phải là một căn bệnh cụ thể. Nó là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả một nhóm các triệu chứng khác nhau, bao gồm suy giảm trí nhớ, khó khăn trong ngôn ngữ, giảm khả năng tư duy và giải quyết vấn đề,... Trong khi đó, bệnh Alzheimer lại chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới sa sút trí tuệ. Đặc điểm của căn bệnh này là kích thước não bị teo nhỏ do sự chế đi của các tế bào thần kinh, từ đó làm ảnh hướng tới trí nhớ, hành vi,...

Vì vậy, mặc dù bệnh nhân Alzheimer có thể biểu hiện suy giảm trí nhớ tương tự như với các bệnh nhân sa sút trí tuệ, nhưng điều này không có nghĩa rằng những người bị suy giảm trí nhớ thì sẽ bị bệnh Alzheimer.

2. Sa sút trí tuệ là tình trạng không thể đảo ngược và điều trị được

Trong những thông tin thường thấy, sa sút trí tuệ hay được mô tả là một vấn đề không thể đảo ngược được. Thực tế thì điều này lại chưa phải là một quan điểm chính xác và toàn diện về bệnh sa sút trí tuệ. Bởi tùy thuộc theo nguyên nhân gây bệnh là gì mà bên cạnh những trường hợp sa sút trí tuệ không thể đảo ngược vẫn sẽ có những trường hợp sa sút trí tuệ có thể đảo ngược và hồi phục được.

Cụ thể, với các chứng sa sút trí tuệ tiến triển, bệnh sẽ nặng dần theo thời gian và việc đảo ngược quá trình này là không thể. Chẳng hạn như đối với bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer - dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, các tế bào thần kinh khỏe mạnh và những liên kết giữa chúng bị ảnh hưởng bởi các mảng bám và sợi trong não. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị sa sút trí tuệ tiến triển khác kể đến như sa sút trí tuệ mạch máu, sa sút trí tuệ thể Lewy hay sa sút trí tuệ hỗn hợp,...

5 quan niệm sai lầm thường gặp về sa sút trí tuệ - Ảnh 1.

Không phải tất cả mọi trường hợp sa sút trí tuệ đều không thể đảo ngược - Ảnh: Internet

Đọc thêm:

Bệnh mất trí nhớ ở người già: Hiểu đúng để chăm sóc ông bà cha mẹ tốt hơn

Một khối u bướu được hình thành như thế nào?

Còn đối với những trường hợp bệnh nhân bị sa sút trí tuệ do các nguyên nhân như nhiễm trùng, rối loạn miễn dịch, bất thường chuyển hóa và nội tiết, thiếu hụt dinh dưỡng, tác dụng phụ của thuốc, u não, nghiện rượu,... thì việc hồi phục là điều có thể. Tình trạng sa sút trí tuệ của bệnh nhân sẽ được đảo ngược khi nguyên nhân cơ bản gây bệnh được giải quyết.

Vì vậy, hãy tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ sa sút trí tuệ. Bác sĩ sẽ giúp xác định xem đó có phải đúng là một tình trạng sa sút trí tuệ hay không.

3. Suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi luôn phản ánh sự bất thường

Giờ đây người cao tuổi đang tiếp xúc với những nguồn thông tin trên internet hoặc mạng xã hội đang ngày càng dễ dàng hơn. Điều này cho phép họ tự chẩn đoán và kết luận nguyên nhân khiến bản thân bị suy giảm trí nhớ. Nhưng không phải bất cứ khi nào tình trạng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi cũng phản ánh cho một vấn đề bất thường.

Bởi suy giảm trí nhớ và kỹ năng nhận thức được xem là một trong các biểu hiện thông thường của quá trình lão hóa. Suy giảm trí nhớ do lão hóa thường ít gây ảnh hưởng và người cao tuổi vẫn có thể có được một cuộc sống trọn vẹn. Một số ví dụ về suy giảm trí nhớ liên quan đến tuổi tác có thể kể đến như quên thanh toán các hóa đơn, quên những ngày kỷ niệm và nhớ ra vào sau đó, không nhớ ra từ muốn sử dụng hoặc không nhớ mất đồ từ khi nào,...

Để xác định xem liệu có vấn đề nhận thức nặng nề nào đang diễn ra hay không, điều quan trọng là phải xem xét những yếu tố bên ngoài như căng thẳng, thiếu ngủ,... Những yếu tố này cũng có thể góp phần thúc đẩy tình trạng suy giảm trí nhớ ở người lớn tuổi.

5 quan niệm sai lầm thường gặp về sa sút trí tuệ - Ảnh 2.

Suy giảm trí nhớ cũng là một biểu hiện của sự lão hóa thông thường - Ảnh: Internet

4. Suy giảm trí nhớ là biểu hiện sớm duy nhất của sa sút trí tuệ

Nhiều người nghĩ rằng, để chẩn đoán sa sút trí tuệ thì dấu hiệu đầu tiên phải tìm kiếm chính là sự suy giảm trí nhớ. Hay những người cao tuổi hay cho là tình trạng hay quên có thể đại diện cho sa sút trí tuệ khởi phát sớm mà không cần có thêm các biểu hiện khác. Nhưng tất cả những điều này đều là các quan niệm hết sức sai lầm.

Sự biểu hiện sớm của sa sút trí tuệ không chỉ biểu hiện bởi suy giảm về trí nhớ mà còn thông qua nhiều triệu chứng khác. Những triệu chứng này kể đến như thường xuyên nhầm lẫn, giảm tập trung, thay đổi tính cách, thay đổi hành vi và cảm xúc, giảm khả năng thực hiện công việc,...

Vì vậy hãy đến gặp bác sĩ để xem xét các vấn đề mà bản thân đang gặp phải có phải là dấu hiệu sớm của sa sút trí tuệ hay không. Tại đây, có tới hơn 40 bài kiểm tra khác nhau (bài kiểm tra Mini-Cog, bài kiểm tra đánh giá nhận thức - GPCOG, bảng câu hỏi về sự suy giảm nhận thức tuổi già,...) có thể được sử dụng để có thể phát hiện sớm tình trạng sa sút trí tuệ.

5 quan niệm sai lầm thường gặp về sa sút trí tuệ - Ảnh 3.

Ngoài suy giảm trí nhớ, bệnh nhân sa sút trí tuệ còn có thể biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác - Ảnh: Internet

5. Tất cả bệnh nhân sa sút trí tuệ đều giống nhau

Không phải tất cả các bệnh nhân sa sút trí tuệ đều sẽ giống nhau. Họ không chỉ đơn thuần là những người có các triệu chứng đáp ứng với các tiêu chuẩn cụ thể để chẩn đoán sa sút trí tuệ. Bởi dù đối với hai bệnh nhân cùng tuổi, cùng được chẩn đoán sa sút trí tuệ ở một giai đoạn như nhau thì những biểu hiện sa sút trí tuệ của họ cũng có thể rất khác nhau.

Thông thường chúng ta chỉ hay xem xét liệu một người có bị sa sút trí tuệ hay không mà ít chú ý đến việc họ đã từng là người như thế nào, kinh nghiệm sống và tính cách của họ ra sao,... Mà chính những kinh nghiệm này cũng có thể góp phần vào cách người đó biểu hiện sa sút trí tuệ.

Nhà tâm lý học lão khoa - Thomas Kitwood đã đề xuất thuật ngữ "chăm sóc hướng người bệnh", một cách tiếp cận khác so với các phương pháp truyền thống. Đây là phương pháp tập trung vào trải nghiệm của từng cá nhân người bệnh, tiêu chuẩn sống và sự đáp ứng với điều trị. cụ thể, phương pháp này sẽ xem xét những nhu cầu tâm lý của người bệnh về sự thoải mái, khả năng hòa nhập, nghề nghiệp,...

Do đó, bên cạnh việc tìm kiếm điểm chung giữa các bệnh nhân sa sút trí tuệ thì việc đánh giá tính cách cá nhân của người bệnh cũng vô cùng quan trọng. Điều này có thể giúp giảm sự tác động tiêu cực đến thế giới nội tâm của bệnh nhân, từ đó tránh sự suy giảm tổng thể của người bệnh sa sút trí tuệ.

Nguồn tham khảo: 5 Common Myths About Dementia, Debunked by an Expert


https://suckhoehangngay.vn/5-quan-niem-sai-lam-thuong-gap-ve-sa-sut-tri-tue-20220423115000989.htm
Tác giả: QN