5 quan điểm sai lầm khi điều trị bệnh quai bị cần tránh

5 quan điểm sai lầm khi điều trị bệnh quai bị cần tránh
Điều trị bệnh quai bị đúng cách có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế các nguy cơ do bệnh quai bị có đối với sức khỏe của người bệnh. Nhưng đôi khi, một số quan điểm sai lầm trong quá trình điều trị có thể khiến việc điều trị trở nên kém hiệu quả và kém an toàn hơn.

Bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm do nguyên nhân virus, có khả năng gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy, vấn đề điều trị bệnh quai bị đúng cách có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, một số sai lầm khi điều trị bệnh quai bị có thể dẫn đến quá trình điều trị trở nên kém hiệu quả hoặc thậm chí có thể gây nên các nguy hiểm khác nhau cho người bệnh. 5 sai lầm khi điều trị bệnh quai bị cần tránh:

1. Tự ý điều trị bệnh quai bị khi chưa có chỉ định của bác sĩ

Nhiều bệnh nhân khi bị bệnh quai bị đã tự ý tìm đến các phương pháp điều trị bệnh chẳng hạn như các bài thuốc dân gian, các phương pháp truyền miệng, hay các hướng dẫn trên mạng internet,... và áp dụng chúng mà chưa hề nhận được sự đồng ý, chỉ định từ bác sĩ điều trị.

Đây là hành động vô cùng nguy hiểm mà người bệnh cần tránh khi điều trị bệnh quai bị. Đã có không ít các trường hợp bệnh nhân quai bị chỉ được đưa đến bệnh viện sau nhiều ngày tự điều trị tại nhà nhưng không hiệu quả, khi này thì bệnh hầu như đã chuyển nặng và gây nên nhiều biến chứng nặng nề cho người bệnh.

Chính vì thế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh quai bị (sưng đau các tuyến nước bọt, nổi hạch ở góc hàm, chán ăn, sốt cao,...) thì bệnh nhân nên được đưa ngay đến bệnh viện để thăm khám và điều trị theo phác đồ đã quy định.

5 quan điểm sai lầm khi điều trị bệnh quai bị cần tránh - Ảnh 1.

Tự ý áp dụng các phương pháp điều trị bệnh quai bị có thể gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh (Ảnh: Internet)

2. Cần phải sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh quai bị

Một quan điểm sai lầm khi điều trị bệnh quai bị khác mà nhiều người mắc phải khi cho rằng cần phải sử dụng thuốc kháng sinh khi điều trị bệnh quai bị.

Tuy nhiên ta cần biết rằng, bệnh quai bị là bệnh lý do virus gây nên. Trong khi đó, thuốc kháng sinh là loại thuốc chỉ có tác dụng điều trị khi nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn. Chính vì vậy, nó hoàn toàn không có tác dụng trong điều trị bệnh quai bị và việc sử dụng thuốc kháng sinh khi bị mắc bệnh quai bị cũng là điều không cần thiết. Thuốc kháng sinh chỉ được chỉ định cụ thể khi có các biểu hiện bội nhiễm trên bệnh nhân quai bị.

Như đã biết, thuốc kháng sinh không có tác dụng trong việc điều trị các bệnh về virus. Không những thế, thói quen Lạm dụng kháng sinh: Hiểm họa kháng thuốc khôn lường!

3. Có thể điều trị bệnh quai bị bằng các phương pháp đặc hiệu

Hiện nay, mặc dù tác nhân gây nên bệnh quai bị đã được xác định rõ ràng nhưng vẫn chưa có bất kỳ phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho bệnh có thể được áp dụng.

Các phương pháp điều trị bệnh quai bị hiện nay vẫn chủ yếu là các điều trị hỗ trợ người bệnh bao gồm hạ sốt, giảm đau, kiểm soát các biến chứng do bệnh gây nên và các điều trị nâng đỡ về dinh dưỡng và chăm sóc người bệnh hợp lý.

Tuy nhiên, điều đáng mừng chính là dù chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nhưng bệnh quai bị hoàn toàn có thể được chữa khỏi, hầu hết các trường hợp mắc bệnh sẽ khỏi trong 7 đến 8 ngày kể từ khi có các triệu chứng của bệnh.

5 quan điểm sai lầm khi điều trị bệnh quai bị cần tránh - Ảnh 2.

Điều trị bệnh quai bị chủ yếu là các điều trị hỗ trợ như giảm đau, hạ sốt,... (Ảnh: Internet)

4. Không thực hiện cách ly tốt người bệnh

Một sai lầm khác cũng khá thường hay mắc phải khi điều trị bệnh quai bị đó chính là không thực hiện tốt các biện pháp cách ly người bệnh nghiêm túc.

Bệnh quai bị là căn bệnh do virus gây nên, rất dễ phát tán nguồn bệnh ra môi trường và lây lan cho những người khác. Chính vì thế, khi không thực hiện tốt cách ly người bệnh quai bị và các biện pháp phòng chống lây nhiễm như đeo khẩu trang,... thì rất có thể sẽ khiến bệnh bùng phát thành dịch. Điều này là rất nguy hiểm cho cộng đồng.

Do vậy, ngay khi có các biểu hiện của bệnh quai bị xuất hiện thì người bệnh cần phải được cách ly ngay lập tức, hạn chế tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang và vệ sinh sát khuẩn các vật dụng cá nhân để phòng tránh lây nhiễm bệnh. Đồng thời cần phải thông báo ngay với cơ quan y tế tại địa phương để có phương án phòng chống dịch bệnh kịp thời. Để phòng tránh lây quai bị, bạn cần phải biết điều này.

5. Bệnh quai bị có thể bị mắc lại sau khi đã điều trị khỏi

Do có biểu hiện khá giống với các bệnh lý viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn và sỏi tuyến nước bọt nên đôi khi hai căn bệnh này có thể bị nhầm lẫn với bệnh quai bị và khiến người bệnh cho rằng bệnh có thể bị mắc lại nhiều lần kể cả sau khi đã được điều trị khỏi.

Thực tế đây lại là một quan điểm rất sai lầm. Bởi sau khi đã được điều trị khỏi thì trong cơ thể người bệnh sẽ tồn tại các kháng thể trung hòa, chúng duy trì ở nồng độ thấp trong máu và ngăn cản khả năng mắc bệnh ở lần tiếp theo. Chính vì thế, những bệnh nhân nào đã bị mắc bệnh quai bị một lần trước đó thì sẽ không bị quai bị thêm lần nào nữa.

Qua đây có thể thấy rằng, một số các quan điểm tưởng chừng như quen thuộc nhưng lại hoàn toàn là sai lầm khi điều trị bệnh quai bị mà chúng ta cần tránh. Chính vì thế, hãy liên hệ với bác sĩ ngay khi có các thắc mắc liên quan đến bệnh để được hướng dẫn và tư vấn đầy đủ, chính xác nhất.


Tác giả: QN