5 lưu ý khi dùng thuốc diệt côn trùng trong nhà để tránh gây hại cho sức khoẻ

5 lưu ý khi dùng thuốc diệt côn trùng trong nhà để tránh gây hại cho sức khoẻ
Sử dụng thuốc diệt côn trùng không đúng cách có thể gây ngộ độc với các triệu chứng như nôn mửa, đau đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi,...

Thuốc xịt côn trùng là một phương pháp đơn giản để xử lý các loài gây hại và côn trùng gây phiền nhiễu trong khu vực sinh sống của chúng ta. Tuy nhiên, những sản phẩm này cần được sử dụng cẩn thận và đúng cách để tối đa hóa lợi ích đồng thời hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khoẻ.

1. 5 lưu ý khi dùng thuốc diệt côn trùng trong nhà

Để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, khi phun thuốc diệt côn trùng trong nhà, mọi người nên lưu ý những điều sau:

- Phun đúng vị trí

Điều quan trọng là nhắm mục tiêu vào các vị trí mà côn trùng có khả năng ẩn náu, xâm nhập hoặc di chuyển khi sử dụng thuốc xịt côn trùng trong phòng. Bạn có thể tăng hiệu quả của việc phun thuốc diệt côn trùng cũng như tránh phun diện tích quá rộng, ảnh hưởng đến sức khoẻ bằng cách tập trung vào những vị trí này.

Khi phun thuốc xịt côn trùng trong phòng cần lưu ý những khu vực sau vì đây là những nơi mà côn trùng thường ẩn náu:

+ Ván chân tường

+ Các vết nứt và kẽ hở

+ Bệ cửa sổ và khung cửa

+ Góc

+ Xịt phía sau và bên dưới đồ nội thất

+ Vị trí cất giữ như tủ, chạn

+ Bộ đồ giường và nệm (có thể xịt hoặc không): Bạn có thể xịt nhẹ thuốc xịt côn trùng lên đệm, ga đồ giường, cẩn thận làm theo hướng dẫn của sản phẩm. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xác nhận rằng sản phẩm phù hợp để sử dụng trên nệm và vải.

Nhìn chung là bạn không nên phun thuốc diệt côn trùng hết cả nhà, đặc biệt là những nơi ăn uống. Nếu cần thiết phun ở khu vực nhà bếp, bạn nên che phủ hết thực phẩm, dụng cụ nấu ăn và các vật dụng cá nhân khác khỏi khu vực phun thuốc. Làm sạch hoàn toàn bàn bếp trước khi chuẩn bị thức ăn.

5 lưu ý khi dùng thuốc diệt côn trùng trong nhà để tránh gây hại cho sức khoẻ - Ảnh 2.

Phun đúng ở các vị trí côn trùng thường ẩn nấp (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Không còn nỗi lo bé bị côn trùng cắn với những mẹo này

Cách xử lý khi bị côn trùng cắn, đốt vào mùa hè

- Không nên quay lại phòng quá sớm

Bạn nên chờ ít nhất 30 phút để bước vào nhà sau khi sử dụng thuốc diệt côn trùng vì hóa chất trong thuốc có thể gây hại cho sức khỏe nếu tiếp xúc sớm. Hít phải không khí có chứa hóa chất còn sót lại có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, kích ứng da, mắt và các triệu chứng khác. Chờ đủ thời gian giúp hóa chất phân tán và giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc. 

Đối với thuốc diệt muỗi, sau khi phun bạn nên chờ 2 tiếng rồi mới quay trở lại nhà hoặc phòng để tránh ngộ độc.

Ngoài ra, khi quay trở lại nhà, bạn hãy mở cửa sổ để thông thoáng không khí và để các hoá chất còn sót lại bay đi.

- Bảo hộ đúng cách khi phun thuốc

Thuốc diệt côn trùng có thể xâm nhập vào cơ thể bạn bằng cách hít phải, nuốt hoặc hấp thụ qua da hoặc mắt. Các nghiên cứu cho thấy hơn 90% phơi nhiễm hóa chất xảy ra qua da. Để giảm tiếp xúc với thuốc diệt côn trùng, bạn nên:

+ Đeo găng tay, bạn nên đeo găng tay cao su, không sử dụng găng tay da, vải hoặc có lót vì chúng hấp thụ thuốc diệt côn trùng.

+ Mặc áo dài tay và cài nút tất cả tay áo và cổ áo

+ Mặc quần dài ống quần che ngoài giày

+ Đeo giày hoặc bốt có tất; tốt nhất là ủng cao su không lót

+ Đeo khẩu trang, kính có tấm chắn, đồng thời đội mũ đi mưa có gân rộng hoặc áo mưa có mũ trùm đầu.

5 lưu ý khi dùng thuốc diệt côn trùng trong nhà để tránh gây hại cho sức khoẻ - Ảnh 3.

Trang bị đầy đủ khi phun thuốc diệt côn trùng (Ảnh: Internet)

- Rửa sạch tay sau khi phun thuốc diệt côn trùng

Bạn nên rửa găng tay bằng xà phòng và nước trước khi tháo ra. Điều này sẽ bảo vệ bàn tay của bạn khỏi dư lượng thuốc còn sót lại trên găng tay. Sau đó bạn có thể tháo găng tay một cách an toàn và rửa lại tay và mặt thật kỹ bằng xà phòng và nước. Bạn cũng có thể tắm để loại bỏ những hoá chất có thể vẫn còn tồn động trên người.

Những vật dụng như ủng, quần áo,... cũng cần được giặt sạch sẽ ngay sau đó và phơi khô ở nơi thoáng đãng.

- Bảo quản và tiêu huỷ thuốc diệt côn trùng an toàn

Sau khi sử dụng không hết thuốc diệt côn trùng, bạn nên bảo quản thuốc một cách an toàn bằng cách: để lên các khu vực cao để xa tầm tay của trẻ em, để riêng biệt với thực phẩm, không đổ thuốc diệt côn trùng vào bồn cầu, bồn rửa hay cống rãnh - điều này có thể làm ô nhiễm đất, nước ở khu vực sinh sống của bạn.

2. Ngộ độc do thuốc diệt côn trùng

Thuốc diệt côn trùng có thể xâm nhập vào cơ thể bạn và gây ảnh hưởng sức khoẻ theo nhiều cách như:

- Tiêu thụ thực phẩm hoặc đồ uống đã tiếp xúc với thuốc diệt côn trùng

- Tiếp xúc qua da với thuốc diệt côn trùng một cách trực tiếp hoặc khi quần áo bị dính thuốc

- Hít phải hơi, thuốc xịt hoặc bụi thuốc diệt côn trùng

- Dụi mắt sau khi tiếp xúc với thuốc diệt côn trùng

Ngộ độc do tiếp xúc với thuốc diệt côn trùng có thể xảy ra ngay sau một lần tiếp xúc (ngộ độc cấp tính) hoặc dần dần sau khi tiếp xúc nhiều lần trong một khoảng thời gian (ngộ độc mãn tính).

Ngộ độc cấp tính do thuốc diệt côn trùng

Các triệu chứng ngộ độc cấp tính do thuốc diệt côn trùng có thể bắt đầu ngay sau khi tiếp xúc:

- Đau đầu

- Chóng mặt

- Buồn nôn

- Nôn mửa

- Co thăt dạ dày

- Tiêu chảy

- Mờ mắt

- Chảy nước mắt quá nhiều

- Đổ mồ hôi

- Tiết nhiều nước bọt

Ngộ độc nghiêm trọng hơn cũng có thể dẫn đến thay đổi nhịp tim, tức ngực, yếu cơ và co giật, khó thở và đi lại, co đồng tử và tiểu không tự chủ. Trong trường hợp ngộ độc rất nặng, có thể xảy ra co giật và bất tỉnh.

5 lưu ý khi dùng thuốc diệt côn trùng trong nhà để tránh gây hại cho sức khoẻ - Ảnh 4.

Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn mửa là những triệu chứng ngộ độc cấp tính từ thuốc diệt côn trùng (Ảnh: Internet)

Ngộ độc mãn tính do thuốc diệt côn trùng

Các triệu chứng có thể xảy ra dần dần sau khi tiếp xúc nhiều lần trong một khoảng thời gian và có thể bao gồm:

- Yếu cơ

- Mệt mỏi

- Khó tập trung và ghi nhớ mọi thứ

- Cảm thấy không khỏe.

Loại triệu chứng bạn gặp phải, thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của chúng có thể khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như:

- Loại và nồng độ thuốc trừ diệt côn trùng được sử dụng

- Mức độ phơi nhiễm

- Sức khỏe và độ tuổi của người bị phơi nhiễm.

Nếu bạn hoặc bất kỳ ai trong gia đình bạn xuất hiện các triệu chứng ngay sau khi tiếp xúc với thuốc diệt côn trùng, nên đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức.

Nên làm gì khi tiếp xúc trực tiếp với thuốc diệt côn trùng?

Nếu không may tiếp xúc da hay niêm mạc với thuốc diệt côn trùng, bạn nên rửa sạch các vùng da đó bằng xà phòng và nước ấm tức thì.

Nếu thuốc diệt côn trùng vào mắt, rửa mắt dưới vòi nước chảy trong ít nhất 15 phút, nếu thấy rát đi nên đi khám bác sĩ và mang theo nhãn và mẫu của sản phẩm.

5 lưu ý khi dùng thuốc diệt côn trùng trong nhà để tránh gây hại cho sức khoẻ - Ảnh 5.

Ảnh: Vân Anh (SKHN)

3. Các cách diệt côn trùng một cách tự nhiên

Trong nhiều trường hợp, bạn có thể loại bỏ côn trùng mà không cần dùng thuốc, chẳng hạn như:

- Sử dụng húng quế đuổi ruồiĐặt một số chậu húng quế xung quanh nhà (cạnh cửa sổ hoặc trên bàn bếp) để trang trí thêm cho không gian của bạn và giúp xua đuổi ruồi. Bạn cũng có thể cho một ít lá húng quế khô vào một chiếc túi nhỏ và chà xát xung quanh cửa ra vào, nơi ruồi bay vào nhà.

- Sử dụng nước rửa bát đuổi kiến: Trộn một ít nước và xà phòng rửa chén vào bình xịt. Sau đó lắc đều hỗn hợp và xịt xung quanh các khu vực có nhiều kiến.

- Xịt nước chanh để đuổi nhệnBạn có thể pha nước và nước cốt chanh vào bình xịt. Tiếp đó, xịt chất lỏng này lên những bề mặt mà bạn từng thấy nhện, chúng thường thích ẩn nấp trong các góc nhà.

- Sử dụng baking soda trị rệpRắc một ít bột baking soda lên những nơi bị côn trùng phá hoại, làm sạch và thêm một ít bột mới vài ngày một lần. Chỉ một thời gian ngắn bạn có thể loại bỏ được bọ rệp.

- Muối diệt bọ chétTương tự như cách baking soda làm khô rệp, muối cũng có tác dụng tương tự với bọ chét. Rải muối xung quanh các khu vực có vấn đề trong nhà bạn, dọn dẹp và lặp lại trong vài ngày.

- Sử dụng tinh dầu bạc hà diệt giánTrộn 10 giọt dầu bạc hà với 250 ml nước. Trộn đều hai thứ này và xịt xung quanh những khu vực có gián. Lặp lại quá trình để có kết quả ngay lập tức.

- Xịt nước tỏi để đuổi muỗi: Có rất nhiều biện pháp tự nhiên để đuổi muỗi, trong đó có việc dùng nước tỏi. Bạn chỉ cần nghiền nát vài tép tỏi và đun sôi trong nước để tạo thành hỗn hợp. Sau đó, dùng bình xịt phun dung dịch xung quanh phòng, nhà để xe,... để diệt muỗi.

5 lưu ý khi dùng thuốc diệt côn trùng trong nhà để tránh gây hại cho sức khoẻ - Ảnh 6.

Có nhiều biện pháp tự nhiên có thể giúp đuổi côn trùng (Ảnh: Internet)

4. Cách phòng ngừa côn trùng phát triển trong nhà

Giảm thiểu sự phát triển của côn trùng trong nhà sẽ giúp bạn không cần sử dụng đến thuốc diệt côn trùng cũng như đảm bảo vệ sinh cho môi trường mình sinh sống.

- Đối với loài gặm nhấm: Bạn không nên để thức ăn thừa bừa bãi, điều này sẽ thu hút các loài gặm nhấm.

- Đối với ruồi: Đậy nắp thùng rác ngoài trời thật kín và vệ sinh nhà ở một cách thường xuyên để ngăn ngừa ruồi phát triển.

- Đối với bọ chét: Giặt chăn màn thường xuyên và tắm rửa sạch sẽ cho vật nuôi, đặc biệt không để vật nuôi ngủ trong phòng của bạn.

- Đối với gián: Loại bỏ mọi nguồn nước như ở chân vòi hoa sen, bồn rửa hoặc bát đĩa còn sót lại trong nhà bếp. Gián cần nguồn nước hàng ngày để tồn tại. Đừng để thức ăn thừa xung quanh nhà vì có thể thu hút gián. Bịt kín các vết nứt và kẽ hở nơi gián có thể xâm nhập vào nhà bạn.

- Muỗi: Đổ hết các vũng nước đọng lại vì đây là nơi muỗi sinh sản, phát quang bụi rậm và vệ sinh nhà cửa thường xuyên.

Nguồn tham khảo:

1. Pest control in the home

2. Bugs Be Gone: 7 Natural Ways to Kill Bugs

3. What You Need to Know about Protecting Yourself When Using Pesticides

4. Where Do You Spray Bug Spray In A Room?


Tác giả: Vân Anh