Ở chân có 6 đường kinh và nhiều huyệt vị quan trọng nên được coi là gốc của cơ thể. Ngoài ra, bàn chân thường xuyên tiếp xúc với mặt đất nên độc tố hoặc vi khuẩn có thể tấn công cơ thể qua da bàn chân. Do đó, việc chăm sóc bàn chân là điều quan trọng để bảo vệ sức khoẻ tổng thể.
Theo y học cổ truyền, ngâm chân có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý và cải thiện sức khỏe. Các bạn có thể ngâm chân cùng với muối, gừng hoặc chanh…
Lòng bàn chân con người là nơi xa trái tim nhất. Vào mùa đông, nguồn cung cấp máu tương đối ít và nhiệt độ tương đối lạnh. Do đó, bàn chân là nơi dễ cảm thấy lạnh nhất.
Ngâm chân bằng nước nóng có thể nhanh chóng làm tăng nhiệt độ ở lòng bàn chân và thúc đẩy quá trình lưu thông máu khắp cơ thể. Điều này, không chỉ bàn chân cảm thấy ấm áp mà toàn bộ cơ thể cũng ấm lên.
Ngâm chân bằng nước ấm, đặc biệt khi cho thêm gừng có thể làm giảm cả áp lực tâm thu và tâm trương tăng cao ở những người cao tuổi bị tăng huyết áp.
Ngâm chân bằng nước nóng hoặc ấm rất hữu ích đối với những trường hợp mất ngủ. Một số nghiên cứu cho thấy rằng khi bàn chân được làm ấm trước khi đi ngủ, mọi người sẽ ngủ nhanh hơn sâu giấc hơn, giúp tinh thần thoải mái. Hơn nữa, ngâm chân là cách để mọi người thư giãn, giảm căng thẳng, mệt mỏi sau một ngày làm việc dài.
Ngoài ra, ngâm chân bằng nước ấm cũng có thể cải thiện giấc ngủ của những người bị chấn thương sọ não giai đoạn mãn tính.
Đọc thêm:
- Cần làm gì để tăng cường sức khoẻ đường hô hấp khi thời tiết trở lạnh?
- Duy trì và cải thiện sức khoẻ hệ tiêu hoá trong mùa đông với 6 nguyên tắc
Ngâm chân với nước nóng kết hợp với phương pháp bấm huyệt có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng và hỗ trợ điều trị một số bệnh về xương khớp, đái tháo đường, lạc nội mạc tử cung…
Chân thường xuyên tiếp xúc với mặt đất hoặc do việc vệ sinh không đúng cách, không thay tất thường xuyên làm tăng nguy cơ nấm chân do vi khuẩn.
Tuy nhiên, khi ngâm chân bằng nước ấm có thể loại bỏ các vi khuẩn, chất bẩn bám trên chân. Từ đó sẽ làm giảm nguy cơ nấm hoặc hôi chân.
Để ngâm chân đem lại lợi ích cho sức khỏe, mọi người có thể ngâm chân theo những hướng dẫn sau đây:
- Chuẩn bị một thau nước ấm ở nhiệt độ khoảng 40 đến 50 độ C. Có thể cho thêm một chút muối hoặc một số thảo dược như gừng, xả, chanh, ngải cứu…
Tuy nhiên, các vị thảo dược sẽ có công dụng hoặc nguy hại đối với những trường hợp khác nhau. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược.
- Sau đó, bạn ngồi lên ghế một cách thoải mái và cho chân vào ngâm. Lúc này, bạn nên thư giãn, thả lỏng cơ thể để giúp máu tuần hoàn một cách tốt nhất.
- Khi ngâm chân nên ngâm ngập cổ chân, trên mắt cả khoảng 2cm để có thể tác động lên các huyệt đạo, các đường kinh, can, tỳ, thận, bàng quang, kinh đởm, kinh vị, giúp cho khí huyết trong kinh mạch lưu thông, tăng cường sức khỏe.
- Ngâm chân trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 phút, sau đó bỏ chân ra ngoài và lau khô. Cuối cùng, bạn không nên quên bước dưỡng ẩm để giúp da không bị khô hay kích ứng.
Ngâm chân đem lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ngâm chân không đúng cách có thể gây ra một số hệ luỵ, ảnh hưởng tới sức khỏe. Sau đây là một số lưu ý khi ngâm chân vào mùa đông:
- Không nên ngâm chân sau bữa ăn: Sau khi thức ăn đi vào dạ dày, cần một khoảng thời gian nhất định để tiêu hóa, đồng thời cần một lượng lớn máu cung cấp.
Nhiều người buồn ngủ sau khi ăn thực chất là do máu chạy đến dạ dày, dẫn đến việc máu lên não giảm. Do đó, nếu bạn ngâm chân ngay sau khi ăn, một lượng lớn máu sẽ dồn về dạ dày và các bộ phận khác trong cơ thể, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, gây khó tiêu.
Tốt nhất, bạn nên ngâm chân sau bữa ăn khoảng 1 giờ hoặc trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng.
- Không nên ngâm chân quá 20 phút vì có thể ảnh hưởng đến tim.
- Mặc dù có nhiều công dụng đối với sức khỏe nhưng một số trường hợp sau không nên ngâm chân như:
+ Những người bị giãn tĩnh mạch và huyết khối tĩnh mạch: Khi ngâm chân, lưu lượng máu của chân tăng lên, tốc độ cũng tăng, nhưng khả năng hồi máu về cơ bản là cố định.Vì vậy sẽ khiến máu tích tụ ở chân nhiều hơn trong một thời gian, sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ứ đọng máu, gây bệnh lý trở nên nặng hơn.
+ Người bị tiểu đường: Thần kinh ngoại biên của người bị bệnh tiểu đường kém hơn bình thường nên khả năng cảm nhận nhiệt độ nước tương đối kém. Do đó, người bị tiểu đường ngâm chân có khả năng bị bỏng cao.
Nếu muốn ngâm chân, người bệnh nên nhờ người khác pha nước, thời gian ngâm chân giảm đi và đặc biệt cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên môn.
+ Người bị huyết áp thấp: Khi ngâm chân sẽ giúp hạ huyết áp đối với những người bị huyết áp cao. Vì thế, ngâm chân cũng có thể làm giảm huyết áp ở những người huyết áp thấp, có thể gây nguy hại đến sức khoẻ, gây choáng váng, mệt mỏi, giảm tập trung…
Nhìn chung, ngâm chân là phương pháp giúp giữ ấm cơ thể vào mùa đông, ngủ ngon giấc, giảm mệt mỏi... Để tăng hiệu quả, các bạn có thể vừa ngâm chân, vừa xoa bóp các huyệt vị. Ngoài ra, để giúp tăng cường sức khoẻ và giữ ấm cơ thể, mọi người nên kết hợp thêm chế độ ăn uống phù hợp, vận động thường xuyên, mặc nhiều quần áo...