Cơ thể của chúng ta sản xuất vitamin D một cách tự nhiên dưới tác dụng của ánh nắng, nên nó còn được gọi là "vitamin ánh sáng mặt trời". Tuy nhiên, rất nhiều người trong chúng ta không được nhận đủ nhu cầu về loại vitamin này. Điều này khiến vitamin D trở thành chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây.
Các nghiên cứu đã phát hiện rằng, mức độ vitamin D đầy đủ sẽ đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Những lợi ích đó bao gồm việc tác động tích cực lên những hệ thống cơ bản của cơ thể, thậm chí góp phần nâng cao tuổi thọ của con người.
Theo kết quả của một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Journal of Nutrition, vitamin D có thể giúp cấu trúc telomeres trên DNA của con người dài ra. Cấu trúc này là một dấu hiệu sinh học của sự lão hóa, chúng trở nên ngắn hơn khi tuổi tác của chúng ta tăng dần. Cho đến khi chúng ngắn đi quá mức cũng là lúc các tế bào bị chết đi.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã thấy rằng, những người có hàm lượng vitamin D trong máu cao có đoạn telomeres dài hơn so với những người cùng độ tuổi nhưng có hàm lượng vitamin D trong máu thấp.
Một nghiên cứu khác vào năm 2021 cũng đã phát hiện kết quả tương tự. Theo đó, bổ sung vitamin D có thể có các lợi ích tiềm tàng với sự lão hóa hoặc những bệnh lý liên quan đến tuổi tác.
Đọc thêm:
+ 9 bài tập Yoga cho người cao tuổi sống thọ, sống lâu
+ Hướng dẫn mẹ tắm nắng cho trẻ sơ sinh đúng cách để bổ sung đủ vitamin D cho trẻ
Một số nghiên cứu phát hiện rằng, hàm lượng vitamin D thấp có liên quan đến gia tăng nguy cơ nhiều loại ung thư khác nhau, chẳng hạn như ung thư vú, ung thư đại tràng, bệnh bạch cầu, hay ung thư sắc tố,...
Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều tranh cãi xung quanh lợi ích phòng tránh ung thư của vitamin D. Bởi theo một số nghiên cứu khác, hàm lượng vitamin D cao hơn dù có thể giảm nguy cơ ung thư đại tràng, nhưng lại không giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày, ung thư thực quản và ung thư tiền liệt tuyến. Còn trong một báo cáo năm 2021, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng lợi ích của vitamin D đối với bệnh ung thư vú là nhỏ bé và không có ý nghĩa thống kê.
Vì vậy, sẽ còn cần nhiều hơn các công trình khoa học được thực hiện nhằm kiểm nghiệm vai trò của vitamin D liệu có thực sự giúp giảm nguy cơ mắc các căn bệnh ung thư hay không.
Một sự thật ít được biết đến là có hai quá trình hủy xương và tạo xương vẫn liên tục được diễn ra trong xương của chúng ta. Mà vitamin D lại có tác dụng giúp cơ thể hấp thu calci (khoáng chất cần thiết cho quá trình tạo xương) hiệu quả hơn. Chính vì thế đã khiến nó trở thành một chất dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, bổ sung đủ calci và vitamin D chẳng những giúp xương chắc khỏe hơn mà còn làm giảm nguy cơ mắc hình thành loãng xương.
Vitamin D hỗ trợ hệ miễn dịch nhờ khả năng cải thiện chức năng của các tế bào bạch cầu trong cơ thể. Nó cũng giúp điều hòa hệ thống miễn dịch, ngăn chặn sự đáp ứng quá mức của hệ thống này với các tác nhân gây hại.
Ngoài ra người ta còn cho rằng, vitamin D có vai trò trong làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tự miễn như bệnh đa xơ cứng, đái tháo đường tuýp 2 hay bệnh lupus,...
Một nghiên cứu tại Tây Ban Nha đã được tiến hành khi đại dịch COVID-19 mới bắt đầu. Theo đó, 82% số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện là những người có mức vitamin D thấp. Vì vậy họ cho rằng vitamin D có thể bảo vệ cơ thể trước COVID-19.
Nhiều nghiên cứu khác cũng thu được kết quả tương tự về vai trò của vitamin D đối với bệnh COVID-19. Nổi bật là kết quả phân tích tổng hợp kết quả từ 54 nghiên cứu đã cho thấy, thiếu hụt vitamin D có mối quan hệ với tăng nguy cơ nhiễm COVID-19, tỷ lệ nhập viện hoặc khoa hồi sức tích cực, tỷ lệ tử vong,...
Theo khuyến cáo của Văn phòng Dinh dưỡng Bổ sung, mỗi người trưởng thành cần được cung cấp khoảng 600UI vitamin D mỗi ngày từ các nguồn thức ăn và thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng lượng vitamin D bổ sung nên nhiều hơn để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể.
Trên thực tế, vitamin D có thể được tìm thấy từ các loại thực phẩm như cá hồi, lòng đỏ trứng, sữa, trái cây, ngũ cốc,... Tuy nhiên khó có thể cung cấp đủ vitamin D cho cơ thể từ việc chỉ sử dụng các loại thức ăn. Điều này dẫn đến khoảng 40% người Mỹ có tình trạng bị thiếu hụt vitamin D.
Lúc này, việc sử dụng các thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D là cần thiết. Tuy nhiên cần phải thận trọng khi sử dụng. Bởi vitamin D là một loại vitamin tan trong dầu, điều này nghĩa là nó có thể bị tích tụ lại trong cơ thể. Do đó, dù hiếm khi xảy ra nhưng nếu sử dụng quá nhiều vitamin D cũng có thể gây ngộ độc.
Nguồn tham khảo: What Vitamin D Does For Your Body, Say Experts