Không phải trong bất kỳ trường hợp nào trẻ bị viêm phế quản cũng cần phải được nhập viện. Trong một số trường hợp trẻ có thể được bác sĩ chỉ định điều trị viêm phế quản ngoại trú, hoặc trẻ được xuất viện sau khi tình trạng bệnh đã ổn định.
Lúc này ngoài vấn đề sử dụng thuốc thì các biện pháp chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà cũng có ý nghĩa rất lớn đối với sự bình phục của trẻ.
Bệnh viêm phế quản là bệnh lý đường hô hấp rất thường gặp, nhất là ở những đối tượng như trẻ em. Bệnh xảy ra do lớp niêm mạc lót trong lòng phế quản của trẻ bị viêm nhiễm bởi các tác nhân vi sinh vật như virus, vi khuẩn,... Trong hầu hết các trường hợp, bệnh viêm phế quản ở trẻ em là một tình trạng viêm cấp tính.
Bệnh viêm phế quản ở trẻ em thường khởi đầu với các biểu hiện của hội chứng viêm long đường hô hấp trên như sổ mũi, ngạt mũi, sốt nhẹ, ho,... Sau đó khoảng vài ngày, trẻ bắt đầu sốt cao (có thể sốt lên đến 40 độ C), ho nhiều có kèm theo khạc đờm xanh hoặc vàng, thở khò khè, nôn ói, hoặc thậm chí là khó thở đối với các trường hợp bệnh nặng.
Thông thường bệnh đáp ứng tốt với điều trị. Tuy nhiên khi không được quan tâm và chăm sóc đúng mức thì bệnh viêm phế quản ở trẻ có thể diễn tiến nặng hơn gây viêm phổi, suy hô hấp,...
Đọc thêm:
+ 8 thói quen tốt giúp phòng tránh viêm phế quản hiệu quả
+ Bị viêm phế quản có nên uống nước cam không?
Bệnh viêm phế quản ở trẻ thường hay xảy ra ở các thời điểm thời tiết bất lợi, nhất là vào mùa lạnh. Do đó trong chế độ chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà thì các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến vấn đề giữ ấm cho trẻ. Giữ ấm không tốt có thể khiến viêm phế quản dễ trở nặng và biến chứng sang viêm phổi.
Các biện pháp giữ ấm cho trẻ bị viêm phế quản bao gồm:
- Nếu thời tiết lạnh thì cần cho trẻ mặc quần áo đủ ấm để đảm bảo thân nhiệt, sử dụng khăn quàng cổ khi ra ngoài trời.
- Tránh ăn các loại thức ăn lạnh như kem, nước đá,... Thay vào đó nên cho trẻ sử dụng các loại thức ăn mới được chế biến xong và vẫn còn ấm.
- Sử dụng nước ấm để tắm cho trẻ.
Như đã nói sốt là biểu hiện thường thấy trong bệnh viêm phế quản ở trẻ em, đôi lúc trẻ có thể sốt cao lên đến 39 hay 40 độ C. Khi này vấn đề hạ sốt cho trẻ cần phải được thực hiện đúng cách để tránh các biến chứng do sốt cao như co giật,....
- Khi trẻ bị sốt dưới 38,5 độ C: Nếu trẻ chỉ bị sốt nhẹ dưới 38,5 độ C thì việc sử dụng thuốc hạ sốt là chưa cần thiết. Các bậc cha mẹ chỉ cần cởi bớt quần áo của trẻ và sử dụng khăn nước ấm để lau vào các vị trí như cổ, nách, bẹn,... để hạ sốt cho trẻ.
- Khi trẻ bị sốt trên 38,5 độ C: Ngoài các biện pháp hạ nhiệt độ vật lý như cởi quần áo, lau khăn ấm như trên thì cần phải được sử dụng thuốc hạ sốt như paracetamol và/hoặc ibuprofen. Nếu trẻ sốt trên 39 độ C thì hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay sau khi đã thực hiện các biện pháp hạ sốt như trên.
Nhiều người quan niệm rằng khi trẻ bị viêm phế quản sẽ cần phải kiêng tắm rửa. Nhưng thực sự đây lại là một quan niệm hết sức sai lầm. Vệ sinh không tốt dễ dàng khiến trẻ bị bội nhiễm với các trường hợp viêm phế quản do virus, hay làm cho bệnh nặng hơn. Vì thế cần phải đảm bảo thực hiện vệ sinh tốt trong quá trình chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà.
- Trẻ cần phải được tắm rửa sạch sẽ hằng ngày, tuy nhiên nên cho trẻ tắm bằng nước ấm..
- Cho trẻ vệ sinh răng miệng đầy đủ. Nếu trẻ chưa thể đánh răng thì có thể cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý (dung dịch Natriclorid 0,9%) để vệ sinh răng miệng.
- Khi trẻ bị sổ mũi cần hướng dẫn trẻ xì mũi đúng cách và lau chùi sạch sẽ sau khi đã xì mũi xong.
Trong chế độ chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà, vấn đề ăn uống của trẻ cũng là một vấn đề rất quan trọng mà cha mẹ cần chú ý.
- Những loại thực phẩm nên ăn: Bao gồm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa; các loại trái cây và rau củ để bổ sung các vitamin, khoáng chất; uống nhiều nước hơn để làm lỏng đờm,...
- Những loại thức ăn nên kiêng: Bao gồm các loại thức ăn khó tiêu chứa quá nhiều chất xơ; các loại đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ (chiên, xào, rán) và những loại đồ ăn vặt chứa nhiều đường, nước có gas,...
Ngoài các vấn đề về chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà như đã nêu ở trên, các bậc cha mẹ còn phải biết được khi nào trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế ngay để điều trị. Những trường hợp này bao gồm:
- Trẻ bị khó thở, cánh mũi của trẻ phập phồng theo nhịp thở, co rút các cơ ở vùng bụng và ngực khi thở.
- Trẻ tím tái, không còn hồng hào, tay chân lạnh.
- Trẻ có nhịp thở nhanh trên 60 lần/phút với trẻ sơ sinh, trên 50 lần/phút với trẻ từ 2-12 tháng tuổi và trên 40 lần/phút với trẻ dưới 5 tuổi.
- Trẻ sốt cao trên 39 độ C dù đã được sử dụng thuốc hạ sốt, hoặc sốt cao có kèm theo co giật.
- Trẻ bỏ bú, li bì, giảm linh hoạt so với bình thường.
Trên đây là một số lưu ý dành cho các bậc cha mẹ khi chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà. Cha mẹ cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý làm theo những phương pháp truyền miệng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.