5 điều cần làm ngay từ sớm để phòng tránh bệnh truyền nhiễm

5 điều cần làm ngay từ sớm để phòng tránh bệnh truyền nhiễm
Các tác nhân truyền nhiễm có thể sinh sôi và phát tán rất nhanh nên có thể gây ra nhiều bệnh với rủi ro không báo trước. Dưới đây là các phương pháp bạn nên thực hiện để phòng tránh bệnh truyền nhiễm hiệu quả.

Bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân do mầm bệnh là các vi sinh vật như virus, vi khuẩn, vi nấm, các loại giun sán, ký sinh đơn bào gây ra. Các tác nhân vi sinh này có khả năng xâm nhập vào cơ thể người và gây nên các căn bệnh truyền nhiễm.

Các bệnh này bao gồm sốt virus, cúm, sởi, quai bị, sốt xuất huyết, viêm gan do virus, tay - chân - miệng, thương hàn, viêm màng não... và chúng đều rất quen thuộc đối với mọi người.

Những căn bệnh truyền nhiễm này đang có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây và có nguy cơ cao thành các đợt dịch bệnh lớn đe dọa tới sức khỏe con người.

Vào những thời điểm giao mùa, thời tiết đang dần thay đổi và có những hình thái thất thường, đây chính là cơ hội cho các bệnh truyền nhiễm phát triển. Vì thế, mọi người cần thực hiện đúng những biện pháp sau đây để có thể phòng tránh bệnh truyền nhiễm một cách hiệu quả.

1. Tiêm vaccine phòng tránh bệnh truyền nhiễm

Tiêm vaccine là biện pháp chủ động đầu tiên nhằm tạo miễn dịch cho những người có khả năng bị lây nhiễm khi tiếp xúc với mầm bệnh. Cần chú ý rằng việc tiêm phòng phải được thực hiện khi cơ thể còn khỏe mạnh và theo lịch tiêm phòng đã được đưa ra. Khi tỷ lệ người tiêm phòng vaccine tránh các bệnh truyền nhiễm càng cao thì số người có miễn dịch trong cộng đồng càng lớn và bệnh càng khó lây truyền.

2. Giữ gìn vệ sinh cá nhân

Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ là một việc rất quan trọng trong phòng tránh bệnh truyền nhiễm. Những lưu ý cần thực hiện để đảm bảo vệ sinh cá nhân bao gồm:

- Hàng ngày cần thực hiện rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Rửa tay sau khi tiếp xúc với đồ vật.

- Giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng ít nhất là 2 lần mỗi ngày trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy.

- Tắm rửa thường xuyên phòng bệnh viêm nhiễm trên da.

- Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đi đường, làm việc ở môi trường khói bụi và khi đến chỗ đông người.

- Thường xuyên ngủ màn, tránh muỗi đốt.

3. Thực hiện nghiêm túc vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm

Thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tiêu hóa và phòng tránh các bệnh truyền nhiễm:

- Ăn các thức ăn đã nấu chín, không ăn đồ tái, gỏi, đồ sống và tiết canh.

- Uống nước đã đun sôi, hoặc nước đã được lọc sạch.

- Bảo quản thức ăn đã chế biến một cách phù hợp (bảo quản lạnh) tránh ôi thiu.

- Đậy kĩ thức ăn, ngăn không cho ruồi nhặng đậu vào.

- Không dùng chung các dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín với nhau.

4. Vệ sinh môi trường sạch sẽ

Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ nhằm ngăn ngừa sự lây truyền của các bệnh lây qua đường tiêu hóa, các bệnh truyền nhiễm lây qua vết đốt côn trùng. Các biện pháp cần thực hiện bao gồm:

- Loại bỏ chỗ sinh sản của muỗi truyền sốt rét, sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền khác.

- Sử dụng nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt.

- Cần thu gom và xử lý rác thải, xử lý các chất thải của người và động vật hợp vệ sinh.

- Nuôi cá diệt bọ gậy, phun những hóa chất diệt muỗi, ruồi.

- Loại bỏ các dụng cụ chứa nước và các vật thải rắn để hạn chế nơi sinh sản của muỗi, bọ gậy, ruồi...

5. Sống khoa học, lành mạnh và quan hệ tình dục an toàn

Thay đổi lối sống khoa học, lành mạnh, chung thủy, quan hệ tình dục lành mạnh... cũng là một biện pháp để phòng tránh bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, không tiêm chích ma túy giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục (như giang mai, lậu, HIV,…) và các bệnh lây qua các dịch tiết cơ thể khác (viêm gan B, viêm gan C,…).

Khi bị mắc các bệnh truyền nhiễm, cần đến khám ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Việc điều trị sẽ giúp nhanh chóng hồi phục, tránh diễn biến nặng và giảm sự lây truyền bệnh tới cộng đồng.


Tác giả: Anh Dũng