Xoa ấn huyệttác động vào huyệt vị ở bên ngoài có thể cải thiện công năng tạng phủ ở bên trong thân thể.
Dưới đây là năm huyệt vị quan trọng nếu có thể thường xuyên day ấn sẽ cho tác dụng rất tốt điều chỉnh công năng của ngũ tạng.
Can chủ về tàng huyết, chủ về sơ tiết, chủ cân, khai khiếu ra mắt, vinh nhuận ra móng tay, móng chân.
Thái xung theo Đông y là huyệt du, huyệt nguyên của kinh can, là huyệt quan trọng bậc nhất trên kinh can, có tác dụng bình can tức phong, thanh nhiệt lợi thấp, thông lạc chỉ thống.
Khi thường xuyên day ấn huyệt thái xung sẽ có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh tật liên quan đến tạng can như các chứng đau đầu, chóng mặt, ù tai, mắt đỏ, đau họng…; các chứng kinh nguyệt không điều hòa, đau bụng kinh, bế kinh; vàng da, vàng mắt, đau ngực sườn, đắng miệng…
Theo nghiên cứu y học hiện đại, huyệt Thái xung còn có tác dụng tốt trong điều trị các trường hợp tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt, viêm gan, viêm tuyến vú, viêm đường tiết niệu…
Vị trí huyệt Thái xung: Ở khe xương bàn ngón 1 - 2 chân. Bàn chân để bằng phẳng, từ huyệt hành gian lên 2 thốn (có sách nói 1,5 thốn) trước gốc 2 xương bàn chân giáp nhau.
Đọc thêm:
- 5 điểm bấm huyệt giúp thông mũi trong 30 giây
- Bấm 6 huyệt này để ngủ ngon hơn và nhận nhiều lợi ích sức khỏe khác
Tạng tâm đứng đầu các tạng, có tâm bào lạc bảo vệ bên ngoài, phụ trách các hoạt động về thần chí, huyết mạch, khai khiếu ra lưỡi biểu hiện ra ở mặt.
Thiếu phủ là huyệt rất quan trọng trên kinh tâm, theo Đông y có tác dụng phát tán tâm hỏa, người hàn có thể dùng phép châm bổ, hoặc dùng ngải cứu, người nhiệt có thể dùng phép châm tả giúp thanh nhiệt.
Huyệt Thiếu phủ có tác dụng điều trị các chứng rối loạn thần kinh tim, tim hồi hộp, ngực đau, ngứa hạ bộ, tiểu tiện khó, đái dầm, lòng bàn tay nóng.
Theo nghiên cứu y học hiện đại, huyệt Thiếu phủ có tác dụng điều hòa nhịp tim, điều trị cơn đau thắt ngực, đau thần kinh liên sườn, đau đám rối thần kinh cánh tay…
Vị trí: Khi nắm bàn tay, đầu khe ngón út và ngón nhẫn chiếu vào lòng bàn tay, chỗ khe xương bàn tay 4 - 5 là huyệt.
Tạng tỳ ở trung tiêu, chủ về vận hoá nước và đồ ăn, thống huyết, chủ cơ nhục và tứ chi, khai khiếu ra miệng, vinh nhuận ở môi.
Huyệt Thương khâu là huyệt thứ 5 trên kinh tỳ, có các tác dụng kiện Tỳ hóa thấp, thông điều trường vị. Huyệt Thương khâu ngoài tác dụng tại chỗ điều trị chứng đau vùng mắt cá chân còn thường được ứng dụng trong các chứng thuộc hệ tiêu hóa như viêm dạ dày, viêm ruột, tiêu hoá kém.
Vị trí: Chỗ lõm trước và dưới mắt cá trong chân, ở giữa đường nối từ lồi xương thuyền và chỗ nhọn mắt cá trong chân.
Phế chủ hô hấp, chủ khí, có tác dụng tuyên phát và túc giáng, khai khiếu ra mũi và bên ngoài hợp với bì mao (da lông). Hợp cốc là một huyệt quan trọng thường xuyên được sử dụng trong châm cứu. Ngoài tác dụng tại chỗ, tác dụng với tạng phế, huyệt này còn có nhiều tác dụng toàn thân quan trọng.
Theo Đông y, huyệt Hợp cốc có tác dụng sơ tán phong tà, khai quan thông khiếu, hòa vị thông trường, điều kinh, với tạng Phế huyệt có tác dụng giúp thanh tiết phế khí.
Phạm vi ứng dụng của huyệt Hợp cốc rất rộng, từ các chứng trúng phong, khẩu nhãn oa tà, đến các chứng như kinh bế, đau mắt, ù tai, đau răng… Đối với tạng Phế, huyệt Hợp cốc có tác dụng thanh giải Phế nhiệt, tăng cường khả năng miễn dịch của phế và đại trường.
Vị trí: Ở mu bàn tay, khe đốt bàn ngón 1 - 2.
Cách lấy huyệt: Giao hai hổ khẩu tay, đầu nếp ngang ngón cái chiếu xuống mu bàn tay, đó là huyệt (cạnh xương bàn 2).
Những huyệt vị kể trên có thể day ấn hằng ngày, mỗi huyệt từ 3-5 phút. Nếu có thể kiên trì thực hiện, không những giúp thúc đẩy sự lưu thông khí huyết mà còn rất tốt trong việc điều hòa và thúc đẩy công năng các tạng phủ, hỗ trợ bài tiết độc tố, nâng cao thể trạng.
Thận chủ về tàng tinh, chủ cốt tuỷ, chủ về sinh dục và phát dục của cơ thể, chủ nạp khí, chủ thuỷ, khai khiếu ra tai, tiền âm, hậu âm và vinh nhuận ra tóc. Dũng tuyền là huyệt nằm ở lòng bàn chân, là huyệt tỉnh của kinh Thận. Theo Đông y, huyệt Dũng tuyền có tác dụng khai khiếu, tả nhiệt, giáng nghịch, sinh khí, chủ trị các chứng hôn mê, điên giản, đau đầu, chóng mặt, say nắng, tăng huyết áp… Đối với tạng Thận, huyệt này có tác dụng bổ ích cho nguyên khí của tạng Thận, bổ Thận cố nguyên.
Vị trí: Ở chính giữa phía trước lòng bàn chân.
Cách lấy huyệt: Nằm ngửa, ngón chân quặp vào lòng bàn chân, có một chỗ lõm như hình chữ nhân, tiếp giáp da dày chai và da mỏng hơn.
Việc thực hiện xoa bóp bấm huyệt không đúng cách có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Áp lực mạnh hoặc kỹ thuật thô bạo như giậm chân trên lưng người bệnh, sử dụng các công cụ ấn huyệt tự chế... có thể kích thích dây thần kinh gây ra cảm giác đau, tê liệt hoặc mất cảm giác tạm thời.
Trường hợp nghiêm trọng, việc gây tổn thương cho dây thần kinh do xoa bóp bấm huyệt có thể dẫn đến khó khăn trong vận động, thậm chí teo cơ, liệt cơ hoặc gặp các rối loạn cảm giác kéo dài. Thậm chí có trường hợp bệnh nhân do bị xoa bóp sai cách gây liệt các cơ hô hấp dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, việc xoa bóp không đúng cách có thể gây vết bầm tím, chảy máu dưới da và bầm dập mô cơ bên dưới, gây đau đớn dai dẳng, đặc biệt là đối với những người cao tuổi, sức khỏe kém.
Hậu quả về tâm lý cũng là một phần không thể bỏ qua. Trải nghiệm tiêu cực do xoa bóp bấm huyệt không đúng cách gây lo âu, sợ hãi và tăng cường cảm giác đau đớn, ảnh hưởng đến tinh thần và tâm trạng của người bệnh.
Việc thực hiện xoa bóp bấm huyệt sai cách không chỉ có thể gây dập cơ, xuất huyết mà còn có thể gây tổn thương hệ thống thần kinh tự chủ, vận động, cảm giác và tâm lý của người được xoa bóp bấm huyệt.
Khi chỉ định một người bệnh có cần xoa bóp bấm huyệt hay không, các bác sĩ thường lưu ý tránh những tình huống sau:
- Bệnh nhân có vết thương ngoài da hoặc mất nhiều máu: Do áp lực khi xoa bóp có thể làm trầm trọng thêm vết thương hoặc làm tăng cường việc chảy máu khiến bệnh tình nặng hơn.
- Khớp bị viêm: Không nên áp dụng xoa bóp hoặc bấm huyệt khi khớp bị sưng nóng, đỏ và đau ngay cả khi nghỉ ngơi, vì xoa bóp có thể làm kích thích quá trình viêm, gây tăng đau hoặc sưng to hơn.
- Gãy xương, trật khớp, bong gân, loãng xương nặng: Trong trường hợp bong gân, trật khớp hoặc gãy xương, xoa bóp có thể gây ra các biến chứng. Bệnh nhân loãng xương nặng có cấu trúc xương yếu, dễ gặp tổn thương trong quá trình xoa bóp, vặn xoắn.
- Huyết khối tĩnh mạch chi dưới: Áp dụng xoa bóp khi có huyết khối có thể gây dịch chuyển huyết khối dẫn đến làm tắc các mạch máu khác, trường hợp nặng cục máu đông có thể di chuyển tới phổi gây thuyên tắc phổi.
- Phát ban, lở loét trên da: Khu vực có ban đỏ, loét hoặc nốt phát ban thường rất nhạy cảm, xoa bóp có thể làm trầm trọng thêm tình trạng da bệnh hoặc gây khó chịu cho người bệnh.
- Mới uống rượu bia: Uống nhiều rượu bia có thể khiến mạch máu giãn nở, xoa bóp có thể làm giãn các mạch máu gây khó thở, rối loạn nhịp tim.
- Phụ nữ có thai và người cao tuổi cần tiếp cận xoa bóp hoặc bấm huyệt cẩn thận do cơ địa nhạy cảm và dễ bị tác động bên ngoài làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
BS. Nguyễn Huy Hoàng