Sốt xuất huyết giai đoạn đầu có rất nhiều triệu chứng giống với triệu chứng điển hình của sốt virus, như sốt cao đột ngột, đau nhức cơ khớp, đau đầu, đau ở mắt, nôn, da bị phát ban,....
Trong 3 ngày đầu phát bệnh, chúng ta không thể dựa vào triệu chứng để chẩn đoán là sốt xuất huyết hay sốt virus vì các triệu chứng quá giống nhau. Để chẩn đoán, cần phải thực hiện các xét nghiệm, thường là xét nghiệm máu.
Bắt đầu từ ngày thứ 4, sốt xuất huyết sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng điển hình như đau bụng vùng gan, tiểu ít, nhức hốc mắt, chảy máu chân răng, phát ban dạng chấm đỏ dưới da. Nếu nặng có thể bị chảy máu nội tạng, triệu chứng là đi tiểu hoặc đại tiện ra máu. Bệnh nhân thậm chí có thể bị suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Như vậy, sang ngày thứ 4, chúng ta có thể chẩn đoán phân biệt sốt xuất huyết và sốt virus dựa vào quan sát triệu chứng.
Không giống với sốt virus thông thường, sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm, cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Ngay cả khi đã lui sốt cũng cần theo dõi bệnh nhân sát sao dể tránh các biến chứng nghiêm trọng.
Khi cơ thể đối mặt với các tác nhân gây bệnh như virus và vi khuẩn, nó sẽ tăng nhiệt độ cơ thể tạm thời để tiêu diệt và ức chế các tác nhân đó. Sốt thường sẽ không ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân. Bệnh nhân vẫn tỉnh táo và sinh hoạt bình thường. Nhiệt độ cơ thể không quá cao. Thông thường, mọi người sẽ sốt vào ban đêm.
Sốt virus cũng là phản ứng của cơ thể đối với virus nhưng có các triệu chứng nặng hơn, sốt cao hơn, thường kèm theo biểu hiện viêm đường hô hấp trên. Tần suất các cơn sốt dày, khó hạ khiến cho bệnh nhân suy kiệt, mệt mỏi và li bì.
Sốt phát ban rất dễ bị nhầm lẫn với sốt virus bởi triệu chứng đặc chưng là xuất hiện các đốm đỏ dưới da. Sốt phát ban và sốt virus đều gây sốt cao, từ 39 - 41 độ, khiến cho bệnh nhân mệt mỏi, đuối sức. Bệnh cũng sẽ tự khỏi sau 4 - 7 ngày.
Sốt phát ban thường là do các virus đường hô hấp gây ra, như virus sởi, virus rubella, adeno virus, nhóm entervirus… Đây là những virus gây bệnh nguy hiểm, có nhiều biến chứng, cần được kiểm soát và điều trị sớm. Hiện nay, có thể phòng ngừa các loại sốt phát ban do sởi, quai bị, rubellla bằng cách tiêm vacxin phòng bệnh.
Viêm đường hô hấp trên nếu không được kiểm soát sớm, gây viêm nhiễm nặng thì sẽ gây sốt. Sốt cộng với các triệu chứng như đau rát họng, ho, sổ mũi, ngạt mũi, đau đầu, chóng mặt,.... sẽ khiến nó trở lên dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus.
Nếu như triệu chứng sốt xuất hiện sau các triệu chứng viêm đường hô hấp thì rất có thể bạn đang bị viêm đường hô hấp trên biến chứng, chứ không phải sốt virus.
Nhiễm trùng máu là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, tiến triển nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Nguyên nhân gây nhiễm trùng máu là do vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập từ da vào máu qua các ổ nhiễm trùng. Từ máu, vi khuẩn có thể gây viêm toàn bộ cơ thể từ viêm phế quản, viêm mủ màng phổi, viêm thận, cho đến viêm màng não mủ và áp xe não.
Vì cơ thể bị nhiễm khuẩn nặng nên sẽ sốt rất cao 39 - 41 độ, sốt liên tục, sốt không hạ, cơ thể ớn lạnh,... trùng khớp với các triệu chứng điển hình của sốt virus. Do vậy, nếu chủ quan chăm sóc tại nhà, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc toàn thân, gây trụy mạch, tử vong.