5 biến chứng thường gặp của phẫu thuật ung thư tuyến giáp và cách phòng tránh

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
5 biến chứng thường gặp của phẫu thuật ung thư tuyến giáp và cách phòng tránh
Phẫu thuật ung thư tuyến giáp được đánh giá là phương pháp nền tảng trong điều trị ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên phương pháp này cũng tiềm ẩn một số rủi ro và các biến chứng sau đó, nếu không theo dõi và can thiệp kịp thời, sức khỏe của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ung thư tuyến giáp chiếm 1% trong số các bệnh ung thư, được đánh giá có tiên lượng tốt hơn so với các bệnh ung thư khác, tuy nhiên ung thư tuyến giáp cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đối với tính mạng của người bệnh.

Tiên lượng của bệnh ung thư tuyến giáp chỉ tốt khi phát hiện và điều trị tích cực. Một số phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp hiện nay chủ yếu là: phẫu thuật, điều trị bằng i ốt phóng xạ, điều trị nội tiết, hóa trị hoặc xạ trị...

Trong số các phương pháp này, điều trị bằng phẫu thuật là cách điều trị nền tảng nhất, bao gồm cắt tuyến giáp tận gốc có hoặc không kèm theo nạo hạch cổ. Phẫu thuật ung thư tuyến giáp là một phương pháp phức tạp, nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể để lại biến chứng nếu như không chuẩn bị và chăm sóc tốt. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, phẫu thuật có thể giúp loại bỏ khối u ác tính hoàn toàn.

Các kết quả không mong muốn liên quan đến phẫu thuật ung thư tuyến giáp có thể gặp:

1. Biến chứng do gây mê hồi sức

Tai biến về tim mạch, hô hấp trong và sau mổ, phản ứng thuốc gây mê – gây tê

Để hạn chế biến chứng gây mê do phẫu thuật ung thư tuyến giáp, bác sĩ gây mê hồi sức cần đánh giá đầy đủ và toàn diện sức khỏe của người bệnh nhằm có các phương án tiền mê – gây mê – hồi sức phù hợp theo từng thời điểm, theo dõi sát người bệnh trong và sau mổ.

2. Phẫu thuật cắt giáp – nạo hạch không đủ rộng

Chừa lại quá nhiều mô tuyến giáp trên người bệnh có chỉ định điều trị I-ốt phóng xạ sau này; mổ bỏ sót u hoặc hạch di căn. Đây cũng là một trong nhiều biến chứng của phẫu thuật ung thư tuyến giáp, khiến bệnh dễ bị tái phát hoặc người bệnh phải điều trị nhiều lại, iod phóng xạ liều cao, có trường hợp phải phẫu thuật lại, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, chi phí và công sức của gia đình.

Cách hạn chế biến chứng của phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Cần chẩn đoán đúng tình trạng khối u và hạch cổ trước mổ, trong đó có vai trò rất quan trọng của chẩn đoán tế bào học – FNA. Sinh thiết lạnh trong mổ (nếu có) khi không rõ tình trạng ác tính của nhân giáp hoặc hạch cổ. Phẫu thuật viên cần mổ tỉ mỉ lấy sạch tuyến giáp cùng khối u, nạo sạch hạch.

3. Nhiễm khuẩn vết mổ

Một trong những biến chứng của phẫu thuật ung thư tuyến giáp là nhiễm khuẩn vết mổ, tuy nhiên tỷ lệ xảy ra biến chứng này hiếm gặp, dưới 0.5% trên tổng số các ca.

Phòng tránh biến chứng nhiễm khuẩn bằng cách điều trị ổn định các bệnh nhiễm khuẩn đi kèm trước mổ (nếu có) như viêm amidan, viêm phổi, nhiễm khuẩn đường tiểu,… Thực hiện tốt các phương thức ngừa nhiễm khuẩn vết mổ thường quy như người bệnh được tắm bằng xà phòng tiệt khuẩn và tiêm kháng sinh dự phòng trước mổ, phòng mổ đạt tiêu chuẩn về vô khuẩn, kíp mổ thực hiện các kỹ thuật vô khuẩn tốt.

4. Chảy máu sau mổ

Biến chứng này ít gặp (dưới 1% các ca phẫu thuật) nhưng có khả năng gây tử vong cho người bệnh do khối máu tụ có áp lực cao chèn ép vào đường thở.

Cách phòng tránh:

Kiểm tra đầy đủ các xét nghiệm về đông, cầm máu; nếu phát hiện có rối loạn đông máu cần điều chỉnh tốt trước thời điểm mổ. Các bệnh nhân có uống thuốc ức chế tiểu cầu như aspirin, clopidrogel cần ngưng ít nhất 5 ngày trước mổ (cần sự đồng ý của bác sĩ tim mạch). Phẫu thuật viên thực hiện tốt các kỹ thuật cầm máu trong mổ tốt, có thể dùng dao siêu âm (Harmonic Scalpel) cắt tuyến giáp - nạo hạch cổ giúp hạn chế chảy máu.

Sau điều trị, điều dưỡng viên và người thân cần theo dõi vết mổ để điều trị kịp thời nếu như có biến chứng xảy ra.

5. Tổn thương các cơ quan lân cận do phẫu thuật

Tổn thương dây thần kinh quặt ngược thanh quản gây khàn tiếng chiếm 1% các ca phẫu thuật. Đối với một số bệnh nhân có nghề nghiệp cần giọng nói rõ, nói nhiều hoặc hát hay thì vấn đề này có thể làm họ phải thay đổi nghề nghiệp.

Tổn thương các tuyến cận giáp gây hạ can xi máu sau mổ chiếm từ 1% đến 2 % các ca phẫu thuật. Bệnh nhân gặp vấn đề này phải uống can-xi bổ sung suốt đời.

Ngoài ra, biến chứng do phẫu thuật ung thư tuyến giáp có thể gây thủng khí quản, thực quản bị thủng, rách hoặc đứt các mạch máu lớn...để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng đế cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh đến suốt đời.

Cách hạn chế: phẫu thuật viện cần đủ thâm niên và kinh nghiệm (ít nhất 5 năm về mổ tuyến giáp, hoặc mổ ít nhất 300 ca cắt giáp), cần liên tục cập nhập các kiến thức mới qua các chương trình đào tạo liên tục, phải có tính nhẫn nại và tỉ mỉ.


Tác giả: Lê Cường