4 yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc hậu Covid

4 yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc hậu Covid
Theo nghiên cứu mới, một trong số những yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc hậu Covid có thể được sàng lọc trong máu của người bệnh khi nhiễm virus SARS-CoV-2

Sơ lược về nghiên cứu

Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Cell ngày 24 tháng 1, các nhà khoa học đã xác định 4 yếu tố nguy cơ giúp dự đoán liệu một người có phát triển hậu Covid hay không, khi mà người nhiễm trải qua các triệu chứng khác nhau trong vài tuần tới vài tháng sau khi đợt nhiễm Covid-19 ban đầu kết thúc.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

- Chỉ số RNA của virus SARS-CoV-2 trong máu khi phát hiện bị nhiễm Covid-19

- Sự tái hoạt động của virus Epstein-Barr (EBV) là một mầm bệnh khác

- Một số tự kháng thể hoặc các phân tử miễn dịch nhắm mục tiêu đến các protein của cơ thể thay vì nhắm mục tiêu vào virus hay vi khuẩn

- Chẩn đoán trước bệnh tiểu đường type 2 trong đó các tế bào của cơ thể xảy ra phản ứng kháng insulin.

Hầu hết các yếu tố nguy cơ này có thể được đánh dấu vào thời điểm bệnh nhân bị chẩn đoán mắc Covid-19 lần đầu tiên. Nghiên cứu này đã làm tăng khả năng cho ra các phương pháp điều trị kịp thời để có thể ngăn ngừa một số trường hợp bị hậu Covid. 

4 yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc hậu Covid - Ảnh 2.

Hầu hết các yếu tố nguy cơ này có thể được đánh dấu vào thời điểm bệnh nhân bị chẩn đoán mắc Covid-19 lần đầu tiên (Ảnh: Internet)

Yapeng Su, một nhà khoa học nghiên cứu tại Viện Sinh học Hệ thống ở Seattle cho biết: "Tuy nhiên nghiên cứu này chỉ là một điểm khởi đầu. Các nhà nghiên cứu cần thực hiện thêm những nghiên cứu chuyên sâu hơn để thực sự khẳng định xem các yếu tố nguy cơ này có thúc đẩy sự phát triển của hội chứng hậu Covid hay không và liệu những tín hiệu có thể được phát hiện sớm này có thể giúp dự đoạn những triệu chứng cụ thể nào có thể kéo dài ở người bệnh sau 4 thsang, 8 tháng hay 12 tháng kể từ khi khỏi bệnh hay không".

Nghiên cứu được thực hiện như thế nào?

Nghiên cứu này được các nhà khoa học thực hiện trên việc theo dõi khoảng 210 bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong thời gian từ 2 - 3 tháng bắt đầu từ thời điểm họ bị chẩn đoán là nhiễm bệnh. Trong đó có khoảng 70% số bệnh nhân này phải nhập viện do Covid-19.

Mục tiêu của nghiên cứu là tìm ra các đặc điểm chung từ nhóm bệnh nhân mắc hậu Covid.

Những người tham gia nghiên cứu sẽ cung cấp mẫu máu và mẫu dịch được sử dụng trong việc chẩn đoán ban đầu và sau đó vài tháng. Ở lần theo dõi cuối cùng này, các bệnh nhân sẽ hoàn thành một khảo sát về các triệu chứng liên quan tới hậu Covid bao gồm ho, mệt mỏi, khó thở, tiêu chảy, các vấn đề về trí nhớ, khó tập trung, mất vị giác và khứu giác.

Nói chung, khoảng 37% bệnh nhân cho biết có ba triệu chứng COVID kéo dài trở lên vào lần theo dõi cuối cùng của họ; 24% báo cáo một hoặc hai triệu chứng; và 39% còn lại cho biết không có triệu chứng.

4 yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc hậu Covid

1. Tự kháng thể và các triệu chứng hô hấp

Trong số các yếu tố nguy cơ, đáng chú ý nhất là các tự kháng thể mà nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra trong mẫu máu của bệnh nhân. Họ đã kiểm tra cụ thể 6 tự kháng thể và nhận thấy rằng, các kháng thể khác nhau dường như có liên quan tới các triệu chứng hậu Covid khác nhau.

Theo một nghiên cứu của Frontiers, tự kháng thể là những kháng thể tấn công nhầm vào các bộ phận khỏe mạnh của cơ thể, với một số người có nguy cơ mắc các bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, bệnh Lupus hoặc bệnh Graves (cường giáp tự miễn). Các tự kháng thể được cho là đã bỏ qua mục tiêu virus SARS-CoV-2, do đó kéo dài các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải.

4 yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc hậu Covid - Ảnh 3.

Tự kháng thể và các triệu chứng hô hấp (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, sự tồn tại của các tự kháng thể cụ thể đã được báo cáo là có liên quan đến rối loạn chức năng miễn dịch và tử vong do COVID-19.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng báo cáo rằng, trong 6 tự kháng thể mà họ tìm thấy thì yếu tố nguy cơ thần kinh không liên quan tới chúng.

Thay vào đó, các triệu chứng thần kinh dường như liên quan tới các kháng thể nhắm mục tiêu vào chính virus Covid-19. 

2. Virus Epstein-Barr và vấn đề nhận thức

Virus Epstein-Barr (EBV) là một loại virus herpes phổ biến có thể gây mệt mỏi và sưng hạch bạch huyết. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), EBV tiềm ẩn (không hoạt động) trong cơ thể bạn, nhưng sau này có thể hoạt động trở lại. 

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Scientific Reports cho biết sự tái hoạt động của EBV có thể liên quan đến mức độ nghiêm trọng của COVID-19. Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu nhận thấy virus này đã hoạt động trở lại trong một số trường hợp COVID kéo dài.

Theo nghiên cứu thì những bệnh nhân có EBV trong máu khi được chẩn đoán ban đầu cho thấy họ có nguy cơ cao mắc các vấn đề về trí nhớ, cũng như mệt mỏi, ho có đờm hoặc đờm trong phổi.

4 yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc hậu Covid - Ảnh 4.

Theo nghiên cứu thì những bệnh nhân có EBV trong máu khi được chẩn đoán ban đầu cho thấy họ có nguy cơ cao mắc các vấn đề về trí nhớ (Ảnh: Internet)

Điều thú vị là, virus EBV được tìm thấy trong giai đoạn đầu nhưng nồng độ trong máu sẽ giảm nhanh chóng. Các nhà khoa học giải thích rằng, có thể hệ miễn dịch đã kích hoạt để chống lại virus Covid-19 nên virus EBV có cơ hội tái hoạt trở lại và gây ra các hậu quả lâu dài.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, ở những người mang một bộ gen cụ thể, nhiễm EBV có thể gây ra bệnh lupus, theo một đánh giá năm 2021 trên tạp chí Frontiers in Immunology . Và đầu tháng này, các nhà khoa học đã công bố bằng chứng thuyết phục rằng, ở những người nhạy cảm, virus có thể gây ra bệnh đa xơ cứng - đây là một bệnh tự miễn có ảnh hưởng đến não và tủy sống (2).

3. Bệnh tiểu đường type 2 và RNA của virus SARS-CoV-2

Khoảng 1/3 số bệnh nhân của nghiên cứu mắc bệnh tiểu đường type 2. Đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ này có nhiều khả năng bị mệt mỏi, ho,... hậu Covid. Bên cạnh đó, có 1/3 số bệnh nhân mắc hậu covid mang theo hàm lượng cao RNA của virus SARS-CoV-2 trong máu của họ tại thời điểm bị chẩn đoán và dễ gặp phải các triệu chứng hậu Covid liên quan tới trí nhớ.

RNA của SARS-CoV-2 trong máu là một hiện tượng trong đó chủng virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào hệ thống huyết tương của bệnh nhân. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), COVID-19 nhân lên trong các tế bào, bao gồm cả máu, và khi nó xảy ra, nó sẽ thay đổi môi trường của máu. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân mắc COVID kéo dài, virus không rời khỏi huyết tương.

4 yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc hậu Covid - Ảnh 5.

Có 1/3 số bệnh nhân mắc hậu covid mang theo hàm lượng cao RNA của virus SARS-CoV-2 trong máu của họ tại thời điểm bị chẩn đoán và dễ gặp phải các triệu chứng hậu Covid liên quan tới trí nhớ (Ảnh: Internet)

Ngoài 4 yếu tố nguy cơ trên thì nghiên cứu mới cũng đã chỉ ra rằng những người có các triệu chứng hô hấp hậu Covid có nồng độ hormone cortisol trong máu thấp bất thường. Và những người có các triệu chứng về thần kinh mang nồng độ protein trong máu cao bất thường được cho là có sự gián đoạn của chu kì thức ngủ trong đồng hồ sinh học.

Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng, đây chưa phải là nghiên cứu cuối cùng mà chỉ là nghiên cứu khởi đầu cho các tìm kiếm sâu hơn để có thể giải quyết được tình trạng hậu Covid đang trở nên phổ biến. 

Nguồn dịchThese 4 risk factors may increase your chance of long COVID, study hints


https://suckhoehangngay.vn/4-yeu-to-nguy-co-co-the-lam-tang-kha-nang-mac-hau-covid-20220219223208809.htm
Tác giả: Allen