4 yếu tố giúp bạn phân biệt viêm mũi dị ứng và cảm lạnh

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
4 yếu tố giúp bạn phân biệt viêm mũi dị ứng và cảm lạnh
Viêm mũi dị ứng và cảm lạnh thường có những triệu chứng tương đồng nhau vì thế người bệnh dễ nhầm lẫn, gây khó khăn cho việc điều trị và lựa chọn thuốc. Bài viết sau sẽ tổng hợp kiến thức về bệnh viêm mũi dị ứng và cảm lạnh giúp bạn phân biệt đâu là viêm mũi dị ứng, đâu là cảm lạnh.

Viêm mũi dị ứng và cảm lạnh là 2 bệnh thường gặp có một số triệu chứng giống nhau nên dễ gây nhầm lẫn dẫn tới phương pháp điều trị không đúng bệnh làm cho bệnh trở nên nặng hơn. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết và phân biệt 2 căn bệnh trên.

1. Thế nào là viêm mũi dị ứng và cảm lạnh?

Viêm mũi dị ứng là một loại viêm trong mũi xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với các chất gây dị ứng trong không khí.

Khi mắc bệnh người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng bao gồm sổ mũi hoặc nghẹt mũi, hắt hơi, đỏ, ngứa và chảy nước mắt và sưng quanh mắt. Chất lỏng chảy từ mũi thường là trong. Triệu chứng khởi phát thường trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc và chúng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, khả năng làm việc và khả năng tập trung.

Cảm lạnh là bệnh nhiễm virus ở mũi và họng, bệnh này không quá nguy hiểm nhưng lại làm bạn khó chịu. Bệnh có thể tự khỏi trong khoảng 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, cần chú ý trong chế độ chăm sóc và điều trị bởi nếu kéo dài bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Viêm mũi dị ứng bắt nguồn từ các chất gây dị ứng đường hô hấp có trong không khí gây lên như dị nguyên như bụi bẩn, phấn hoa, lông chó, mèo, bào tử nấm, khói thuốc lá và khi thời tiết thay đổi.

Người mắc phải cảm lạnh là do virus cảm lạnh xâm nhập vào cơ thể qua miệng, mắt, mũi và lây truyền qua tay khi người bình thường tiếp xúc với người bị cảm lạnh hoặc dùng chung đồ vật với người bệnh hoặc qua không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói.

3. Triệu chứng bệnh khi mắc bệnh

Các triệu chứng khi mắc phải viêm mũi dị ứng và cảm lạnh sẽ khác nhau:

Người mắc phải viêm mũi dị ứng sẽ có những biểu hiện sau: hắt xì, nghẹt mũi, nhiều lúc phải thở bằng miệng, sổ mũi, ngứa mũi, họng, mắt và tai, chảy nước mũi trong, ù tai, nhức đầu.

Người mắc phải cảm lạnh sẽ có những triệu chứng như sau: chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, viêm họng, ho, cảm giác đau nhức cơ thể nhẹ hoặc đau đầu nhẹ, hắt xì, sốt nhẹ, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu trong người.

Như vậy các triệu chứng của viêm mũi dị ứng và cảm lạnh khá tương đồng nhau. Tuy nhiên, viêm mũi dị ứng các vấn đề về mũi sẽ rõ ràng hơn so với cảm lạnh. Để chắc chắn, người bệnh nên đến tại các cơ sở y tế để kiểm tra và biết mình mắc bệnh gì trong viêm mũi dị ứng và cảm lạnh.

4. Cách phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng và cảm lạnh

Cảm lạnh và viêm mũi dị ứng để tránh mắc phải chúng thì bản thân mỗi cá nhân cần phải có chế độ sinh hoạt hợp lý để phòng ngừa bệnh. Cụ thể là:

Đối với người hay bị viêm mũi dị ứng thì cần tránh các tác nhân gây bệnh, tránh hít phải khói, bụi, phấn hoa, cánh bướm, lông thú, sơn ta, xăng dầu, hơi hóa chất… tránh các thức ăn có thể gây dị ứng như: nhộng tằm, cá ngừ, tôm, cua ghẹ... Người bệnh cần rèn luyện thân thể bằng việc tập thể dục thể thao vừa sức thường xuyên cũng là biện pháp phòng bệnh có hiệu quả tốt.

Đối với người hay bị cảm lạnh thì cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tránh xa người bị ốm, bổ sung vitamin D, ngủ nhiều hơn, hạn chế bia rượu, thường xuyên làm sạch tay với xà phòng và nước. Ngoài ra còn phải khử trùng vật dụng trong nhà, dùng khăn giấy khi hắt hơi và ho để hạn chế lây bệnh cho người khác, ăn uống đầy đủ. Chăm chỉ tập thể dục, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng có thể giúp bạn phòng tránh cảm lạnh, giảm thiểu tối đa stress bằng cách tìm ra nguyên nhân cụ thể, tìm hiểu phương pháp đối phó với căng thẳng.

Viêm mũi dị ứng và cảm lạnh là căn bệnh dễ gặp và cũng dễ chữa khỏi nếu đúng phương pháp và tìm đúng nguyên nhân. Để phòng tránh mắc bệnh thì bản thân chúng ta cần tạo cho mình thói quen sinh hoạt tốt để đảm bảo sức khỏe.


Tác giả: Phương Nguyễn