4 vị trí trong cơ thể dễ "mọc" polyp và lâu dần có thể phát triển thành ung thư mà mọi người nên cẩn trọng

4 vị trí trong cơ thể dễ "mọc" polyp và lâu dần có thể phát triển thành ung thư mà mọi người nên cẩn trọng
Polyp là khối u mô thường trông giống như những cục u nhỏ, phẳng. Hầu hết các polyp đều lành tính nhưng có thể trở thành ung thư.

Mặc dù polyp lành tính nhưng chúng ta cần kiểm soát một cách thường xuyên để ngăn ngừa polyp phát triển thành ung thư. Dưới đây là 4 vị trí polyp trong cơ thể có thể phát triển thành ung thư mà mọi người nên cẩn trọng.

1. Polyp đại tràng

Polyp đại tràng khá phổ biến và nhiều loại vô hại, đây là tình trạng ở lớp niêm mạc bên trong đại tràng xuất hiện các khối u hoặc các tế bào bất thường. Tuy nhiên, nếu polyp đại tràng không được cắt bỏ hoặc kiểm soát, sau một thời gian chúng có thể phát triển thành ung thư. 

Khoảng 75% ung thư đại tràng bắt đầu từ polyp tuyến, và khoảng 80% tất cả các polyp đại tràng là u tuyến. Nhưng chỉ có khoảng 5% u tuyến thực sự là ác tính. Nguy cơ polyp đại tràng kích thước trung bình ngẫu nhiên trở thành ung thư được ước tính là 8% trong 10 năm và 24% trong 20 năm.

Có nhiều loại polyp đại tràng như polyp tuyến (adenomas), u tuyến ống, u tuyến nhung mao, u tuyến ống nhung mao, polyp răng cưa, polyp tăng sản, tổn thương răng cưa không có cuống, u tuyến răng cưa truyền thống.

4 vị trí trong cơ thể dễ "mọc" polyp và lâu dần có thể phát triển thành ung thư mà mọi người nên cẩn trọng - Ảnh 2.

Polyp đại tràng có thể tiến triển thành ung thư nên cần cắt bỏ (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

8 bệnh ung thư khó phát hiện ở giai đoạn sớm và cách nhận biết

3 bất thường có thể nhìn thấy được ở cổ cảnh báo bệnh ung thư đang "đến gần"

Triệu chứng của polyp đại tràng bao gồm:

+ Chảy máu trực tràng như thấy máu trong phân hoặc khi lau.

+ Thay đổi trong phân như tiêu chảy hoặc táo bón mãn tính, thấy chất nhầy dư thừa trong phân, đi phân không thành khuôn.

Nguyên nhân gây polyp đại tràng có thể do di truyền hoặc chế độ ăn uống và lối sống không lành mạnh, chẳng hạn như ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, hút thuốc, uống nhiều rượu,... Nếu phát hiện ra polyp, bác sĩ có thể yêu cầu cắt bỏ hoặc nội soi định kỳ để kiểm soát.

2. Polyp dạ dày

Polyp dạ dày là các khối u ở lớp niêm mạc bên trong dạ dày. Cũng như polyp đại tràng, polyp dạ dày có thể lành tính nhưng cũng có thể phát triển thành ung thư, đặc biệt khi không kiểm soát kích thước của polyp. Nhưng thật may là polyp mất nhiều thời gian để chuyển thành ung thư, do đó việc chúng ta kiểm soát sức khoẻ thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa được ung thư dạ dày.

Các loại polyp dạ dày bao gồm polyp biểu mô, polyp tuyến đáy vị, polyp tăng sản, polyp tuyến, polyp xơ viêm, u mô đệm đường tiêu hóa, u cơ trơn, polyp hamartomatous.

Hầu hết các polyp dạ dày không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Trong một số trường hợp polyp có thể gây chảy máu và hiếm khi gây tắc nghẽn trong dạ dày.

4 vị trí trong cơ thể dễ "mọc" polyp và lâu dần có thể phát triển thành ung thư mà mọi người nên cẩn trọng - Ảnh 3.

Hầu hết các polyp dạ dày không gây ra bất kỳ triệu chứng nào (Ảnh: ST)

Polyp dạ dày liên quan đến hội chứng di truyền là rối loạn di truyền. Nhưng polyp dạ dày lẻ tẻ là do sự kết hợp của di truyền và các yếu tố khác như viêm dạ dày mãn tính, chế độ ăn uống không khoa học.

Nếu nhận thấy polyp trong dạ dày, bác sĩ có thể cắt bỏ polyp, kiểm tra polyp bổ sung, điều trị các tình trạng liên quan - chẳng hạn như điều trị viêm dạ dày.

3. Polyp tử cung

Polyp tử cung là khối u ở lớp niêm mạc bên trong tử cung (nội mạc tử cung). Đôi khi chúng được gọi là polyp nội mạc tử cung.

Polyp tử cung thường lành tính (không phải ung thư), nhưng chúng có thể gây ra các vấn đề về kinh nguyệt hoặc khả năng sinh con. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy khoảng 2–3% polyp nội mạc tử cung có thể trở thành ác tính. Nguy cơ polyp nội mạc tử cung trở thành ác tính cao hơn nếu polyp gây chảy máu và nếu polyp xảy ra ở phụ nữ đã mãn kinh.

Điều đáng lưu ý là polyp tử cung thường xuất hiện ở độ tuổi 40-50, những người tiền mãn kinh hoặc sắp mãn kinh. Những người thừa cân, tăng huyết áp, sử dụng liệu pháp thay thế hormone sẽ có nguy cơ bị polyp tử cung cao hơn.

4 vị trí trong cơ thể dễ "mọc" polyp và lâu dần có thể phát triển thành ung thư mà mọi người nên cẩn trọng - Ảnh 4.

Polyp tử cung có thể phát triển thành ung thư nhưng tỷ lệ không cao (Ảnh: ST)

Triệu chứng phổ biến nhất của polyp tử cung là chảy máu bất thường. Chẳng hạn như chảy máu kinh nguyệt nhiều, chảy máu giữa kỳ kinh, chảy máu âm đạo sau thời kỳ mãn kinh, chảy máu sau khi giao hợp. Nếu polyp lớn có thể gây đau âm ỉ ở bụng hoặc lưng dưới, tương tự như đau bụng kinh.

Phương pháp điều trị polyp tử cung bao gồm sử dụng thuốc hoặc cắt bỏ polyp, điều này sẽ phụ thuộc vào tình trạng của bạn và bác sĩ sẽ xem xét và quyết định.

4. Polyp túi mật

Polyp túi mật là những khối u bất thường của mô nhô ra khỏi lớp niêm mạc bên trong túi mật. Polyp túi mật hầu như là vô hại nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề túi mật khác, thậm chí là ung thư.

Polyp túi mật có đường kính lớn hơn 10 mm có nhiều khả năng trở thành ung thư hoặc chuyển thành ung thư theo thời gian. Polyp có đường kính lớn hơn 18 mm có thể có nguy cơ ác tính đáng kể.

Hầu hết các polyp không gây đau hoặc bất kỳ triệu chứng nào. Trong một số trường hợp hiếm gặp, polyp có thể gây viêm và đau nếu chúng chặn một trong các ống dẫn từ túi mật. Nhưng có những nguyên nhân khác có khả năng gây viêm và đau túi mật hơn là polyp, đặc biệt là sỏi mật.

4 vị trí trong cơ thể dễ "mọc" polyp và lâu dần có thể phát triển thành ung thư mà mọi người nên cẩn trọng - Ảnh 5.

Nhiều loại polyp túi mật không cần điều trị chỉ cần theo dõi (Ảnh: ST)

Những người bị sỏi mật, viêm túi mật, viêm đường mật, viêm gan B, cholesterol cao, trên 50 tuổi có nguy cơ bị polyp túi mật cao hơn.

Có rất nhiều loại polyp túi mật không cần điều trị nhưng cần theo dõi thường xuyên hoặc phẫu thuật trong những trường hợp nghiêm trọng.

5. Làm thế nào để kiểm soát và phát hiện ra polyp?

Polyp giai đoạn đầu có ít triệu chứng hơn và khó phát hiện. Chìa khóa để tìm ra "thủ phạm" là đi khám định kỳ.

- Người trên 40 tuổi nên nội soi đại tràng 5-10 năm một lần để phát hiện sớm polyp

- Nếu bạn bị đau dạ dày, chướng bụng và các cảm giác khó chịu khác hoặc có tiền sử mắc các bệnh về đường tiêu hóa thì nên nội soi dạ dày thường xuyên.

- Các polyp túi mật được tìm thấy, đặc biệt nếu chúng lớn hoặc kèm theo các triệu chứng, cần được sàng lọc bằng siêu âm bụng.

- Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh, có triệu chứng kinh nguyệt không đều hoặc chảy máu bất thường nên đi khám phụ khoa định kỳ và nội soi tử cung hoặc siêu âm nếu cần thiết.

6. Có thể phòng ngừa polyp không?

Có nhiều loại polyp có thể do di truyền nên không thể phòng ngừa hoàn toàn sự xuất hiện của polyp trong cơ thể. Nhưng bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh:

- Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo bằng cách giảm ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, tránh uống rượu và hút thuốc quá nhiều, những điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc polyp. Thay vào đó, bạn nên bổ sung chất chống oxy hóa và vitamin: Ăn các thực phẩm giàu vitamin C và E và chất xơ như trái cây, rau củ, các loại hạt.

- Bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu

- Tập thể dục thường xuyên, bạn nên đặt ra mục tiêu tập thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải ít nhất 150 phút hoặc 75 phút tập thể dục nhịp điệu cường độ cao (chẳng hạn như đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, v.v.) mỗi tuần.

- Nội soi đại tràng, dạ dày hoặc siêu âm tử cung hay các cơ quan định kỳ để phát hiện và xử lý kịp thời nếu xuất hiện các polyp nhỏ.

Nhìn chung, polyp hầu hết là lành tính nhưng có thể trở thành ung thư theo thời gian. Do đó, thăm khám sức khoẻ định kỳ và xử lý polyp cần thiết là chìa khoá để chặn đứng ung thư từ các polyp này.

Nguồn tham khảo:

1. 肠道里长了息肉,上厕所时会有 4 个提示,别等到肠癌才后悔!

2. Gallbladder Polyps

3. Colon Polyps

4. Stomach Polyps

5. Uterine Polyps


Tác giả: Vân Anh