Khi cơ thể của bạn bị sốt sẽ làm cho nhiệt độ tăng lên hơn mức bình thường. Sốt cao có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên một trong các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng sốt cao là do cơ thể của bạn đang bị nhiễm khuẩn hay nhiễm virus.
Khi sốt cao sẽ kèm theo các biểu hiện gây khó chịu như mất nước, chán ăn, đau nhức mỏi cơ và suy nhược cơ thể.
Tại sao không được tập thể dục khi đang sốt cao?
Nguyên nhân được giải thích là việc tập thể dục có thể gây ra nguy cơ mất nước cao hơn mức bình thường, đặc biệt là với các bài tập nặng. Bên cạnh đó, sốt cao khiến các cơ bị mỏi nhức làm giảm sức chịu đựng từ đó làm tăng nguy cơ gặp chấn thương khi luyện tập.
Do vậy các bác sĩ khuyên rằng nếu bị sốt cao trên 38 độ thì bạn không nên tập thể dục bất kể lý do gì.
Ho là một phản ứng bình thường của cơ thể khi có những tác nhân xâm nhập vào đường thở. Mặt khác ho cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý.
Nếu bị ho lâu ngày với những biểu hiện như khó khăn trong việc hít thở sâu thì việc tập thể dục là điều không nên vì nó có thể khiến nhịp tim của bạn trở nên mất ổn định, tăng cao và mệt mỏi. Hơn nữa việc ho liên tục khi tới các phòng tập có thể làm tăng nguy cơ phát tán virus ra bên ngoài, ảnh hưởng tới người khác.
Cúm là một bệnh truyền nhiễm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hệ hô hấp cũng như đường thở của bạn. Kể cả bạn bị cúm nhẹ hay nặng với những dấu hiệu như sốt, cảm giác ớn lạnh, bị đau họng, mỏi cơ, nghẹt mũi hay đau đầu thì cũng dễ có nguy cơ bị mất nước cao, từ đó gây nguy hiểm cho cơ thể nếu tập luyện thể dục.
Đồng thời, nếu cứ cố tình tập luyện mà không nghỉ ngơi bệnh cúm có khả năng "lâu khỏi" hơn, trì hoãn sự phục hồi của bạn.
Người bị viêm loét dạ dày - tá tràng hay chảy máu dạ dày và bị đau nhiều thì không được tập thể dục trừ khi bệnh đã ở giai đoạn ổn định và không gặp phải các biểu hiện đau hay rối loạn tiêu hoá nữa, vết loét trong dạ dày đã được điều trị và liền sẹo hay đã được phẫu thuật thì mới nên tập để có thể duy trì và nâng cao thể lực cũng như sức khoẻ.
Tuy nhiên người bị bệnh cần nhớ phải có mức độ tập luyện và bài tập phù hợp với tình trạng sức khoẻ của mình. Tốt nhất hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia để không gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn sau điều trị.
Nếu như người bị bệnh dạ dày muốn tập gym thì cần lưu ý với các bài tập nặng vì nó gây áp lực không nhỏ tới dạ dày. Nhiều bác sĩ đã khuyến cáo rằng người từng có tiền sử bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày - tá tràng hay từng thực hiện phẫu thuật nội soi thì tuyệt đối không nên tập gym (thể hình) vì nó có thể gây ra tổn thương nặng như chảy máu và lâu phục hồi.
Các bài tập nặng tới cơ bụng cần tuyệt đối tránh để không làm dạ dày bị tổn thương. Tốt nhất vẫn nên có giáo án tập thể hình phù hợp với tình trạng sức khoẻ nhưng chỉ thực hiện khi đã kết thúc điều trị và dạ dày liền sẹo.