4 phương pháp bổ sung dịch nhờn khớp cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
4 phương pháp bổ sung dịch nhờn khớp cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
Dịch nhờn giúp bôi trơn và bảo vệ khớp khỏi các ma sát. Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường bị thiếu dịch nhờn khớp khiến cho các hoạt động trở nên khó khăn và gây đau đớn. Tuy nhiên, có rất nhiều cách bổ sung dịch nhờn khớp đơn giản mà hiệu quả.

1. Bổ sung dịch nhờn khớp qua chế độ ăn uống

- Uống đủ nước để tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất dịch nhờn khớp.  Theo khuyến nghị, nam giới nên uống khoảng 3,7l nước mỗi ngày. Phụ nữ nên uống khoảng 2,7l nước mỗi ngày.

- Ăn nhiều cá và các loại chất béo lành mạnh là cách giúp bổ sung dịch nhờn khớp tự nhiên nhất, ví dụ: cá hồi, cá ngừ, quả bơ, dầu oliu. Hạn chế các chất béo không bão hòa như phô mai, thịt đỏ, mỡ lợn,... 

- Ăn nhiều trái cây và rau, ưu tiên những loại có đặc tính chống viêm để cải thiện tình trạng bệnh viêm khớp dạng thấp, tránh làm gián đoạn quá trình sản sinh dịch nhờn khớp. Các thực phẩm khuyến nghị là mâm xôi, cam, ớt, rau cải xanh, súp lơ, cà chua, cà rốt, rau bina,...

- Tránh thực phẩm có chứa nhiều đường hoặc muối, những thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh bởi chúng rất có hại cho xương khớp.

2. Tập thể dục

- Tập thể dục thường xuyên rất quan trọng đối với sức khỏe khớp và giảm thiểu các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Chúng cũng có thể cải thiện lượng chất lỏng của khớp, tăng sản sinh chất bôi trơn. Hãy bắt đầu bằng những hoạt động nhẹ nhàng với khoảng 5 phút vài lần mỗi ngày. 

- Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể khiến bạn thấy khó chịu và cứng khớp khi tập. Cố gắng duy trì tập luyện vào những ngày bạn cảm thấy khỏe mạnh, dần dần việc tập luyện sẽ trở nên dễ dàng và thoải mái hơn.

- Ngừng tập thể dục và nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn cảm thấy đau. Tốt nhất hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn về 1 chương trình tập thể dục an toàn, hiệu quả.

- Những bài tập có tác dụng tăng cường sản sinh dịch nhờn khớp là các bài aerobic nhẹ, đi bộ, đạp xe tốc độ thấp, khiêu vũ, động tác kéo giãn, yoga, bơi lội. Đây cũng là những bài tập rất hiệu quả trong việc giảm triệu chứng viêm khớp dạng thấp.

3. Dùng thuốc bổ, thực phẩm chức năng

- Trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng bổ sung dịch nhờn khớp nào, bạn đều cần xin ý kiến của bác sĩ. 

- Các thuốc bổ sung dịch nhờn khớp phổ biến là viên nang axit hyaluronic giúp bổ sung dịch nhờn khớp cấp tốc. Glucosamine và chondroitin giúp giảm đau khớp, ngăn ngừa xói mòn sụn, cải thiện dịch khớp và tái tạo cấu trúc khớp. Dầu cá hoặc viên omega-3 có thể giúp cơ thể sản xuất các chất tạo nên sụn và dịch khớp. Vitamin tổng hợp giúp cơ thể nhận đủ các dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để sản xuất chất lỏng hoạt dịch.

- Nếu như bạn dùng thuốc bổ và thực phẩm chức năng  trong 4 đến 6 tuần mà không nhận thấy bất kỳ tác động tích cực nào thì nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn đổi thuốc.

4. Tiêm bổ sung dịch nhờn khớp

- Dịch nhờn khớp có 2 thành phần chính là Acid hyaluronic và polysacharid. Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp mãn tính, thiếu dịch khớp trầm trọng thì bác sĩ có thể tiêm Acid Hyaluronic thẳng vào khớp để cải thiện tình hình tức thời.

- Mỗi lần bệnh nhân sẽ được tiêm khoảng 2 - 2,5ml Acid Hyaluronic, 1 tuần tiêm 1 lần. Mỗi đợt tiêm 5 lần và nghỉ 6 tháng mới tiếp tục đợt 2.

- Tiêm Acid Hyaluronic là phương pháp bổ sung dịch nhờn khớp cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp an toàn,  hiệu quả nhanh và kéo dài. Tuy Acid Hyaluronic chỉ lưu lại trong khớp 7 ngày, nhưng nó cho hiệu quả kéo dài đến 6 tháng bởi Acid Hyaluronic kích thích sản xuất dịch nhờn khớp tự nhiên.

- Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cần chú ý, không phải ai cũng phù hợp với phương pháp tiêm bổ sung dịch nhờn khớp. Chỉ khi tiêm đủ liều, thuốc mới có tác dụng. Do vậy, bệnh nhân cần thăm khám kỹ càng và tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ.


Tác giả: Mai Nhung