Hóa trị ung thư buồng trứng là phương pháp sử dụng các hóa chất để điều trị ung thư buồng trứng. Thông thường, hóa trị sẽ sử dụng các loại thuốc được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc uống qua đường miệng.
Đối với một số trường hợp ung thư buồng trứng, hóa chất cũng có thể được bơm trực tiếp vào ổ bụng thông qua đường dẫn là một ống nhỏ. Dù sử dụng đường tiêm hay đường uống thì hóa chất đều đi vào dòng máu và lưu thông khắp cơ thể. Chính vì vậy hóa trị thường gây ra những tác dụng phụ đôi khi rất khủng khiếp cho người bệnh.
Riêng với ung thư buồng trứng, bơm thuốc trực tiếp vào khoang bụng qua ống catheter có thể được áp dụng. So với các bệnh ung thư khác phải tiêm truyền hóa chất thì bệnh ung thư buồng trứng có thể giảm được tác dụng phụ do hóa chất được giữ lại trong khoang bụng, hạn chế tác dụng lên các bộ phận khỏe mạnh khác.
Việc đưa hóa chất vào điều trị ung thư buồng trứng sẽ khiến tế bào ung thư bị tiêu diệt do nguyên lý cắt đứt các tế bào có tốc độ tăng sinh nhanh. Tuy nhiên, hóa chất cũng sẽ tiêu diệt những tế bào lành tính do vậy việc cơ thể người bệnh bị ảnh hưởng là điều chắc chắn xảy ra.
Khi hóa trị ung thư buồng trứng, người bệnh có thể sẽ phải trải qua các hiện tượng không mong muốn như: sốc phản vệ, mệt mỏi, sốt, nôn ói, lở loét miệng, thiếu máu, giảm tiểu cầu, tiêu chảy, táo bón, giảm thính lực, rụng tóc, rối loạn hệ sinh dục… Thậm chí, một số tác dụng phụ có thể đến muộn sau một vài năm như vô sinh, xơ gan, suy tim…
Hóa chất điều trị ung thư buồng trứng có nhiều loại, mỗi loại có độc tính riêng và bệnh nhân cần được các bác sĩ cảnh báo trước những tác dụng phụ để chủ động có kế hoạch kiểm soát tốt. Đa phần các tác dụng phụ sẽ biến mất sau điều trị khoảng 4-6 tuần, trường hợp nặng có thể bị lâu hơn tùy vào liều lượng hóa chất được sử dụng.
– Hóa trị đơn thuần: được áp dụng cho các loại ung thư máu, ung thư hệ bạch huyết.
– Hóa trị hỗ trợ: được thực hiện sau khi đã điều trị tại chỗ bằng phẫu thuật hay xạ trị nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại đã di căn mà không thể phát hiện được bằng các xét nghiệm. Phương pháp này cũng có thể giúp phòng tránh việc khối u buồng trứng di căn sang các bộ phận khác.
– Hóa trị tân hỗ trợ: được áp dụng như phương pháp điều trị đầu tiên nhằm làm cho khối u nhỏ lại thuận lợi cho các bước điều trị tiếp theo mà thường là phẫu thuật.
– Hóa xạ trị kết hợp: Phương pháp này thường được áp dụng trong khá nhiều trường hợp và đem lại kết quả tốt đối với bệnh nhân.
Sau hóa trị ung thư buồng trứng, bệnh nhân có thể được trở về nhà để người thân chăm sóc và sinh hoạt tốt hơn, giảm thiểu chi phí nằm viện. Sau điều trị, người nhà nên phối hợp với các bác sĩ để lên phác đồ theo dõi bệnh nhân bởi nguy cơ ung thư buồng trứng tái phát rất cao, có thể lên đến 90%.
Bệnh nhân cần được kiểm tra đều đặn qua hình thức thăm khám lâm sàng, làm PAP test . Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm khác như chụp cắt lớp, siêu âm ổ bụng, định lượng CA-125, xét nghiệm máu…
Ngoài ra, việc mắc thêm những loại ung thư khác như ung thư vú, ung thư đại tràng là rất có thể. Do vậy việc theo dõi và chăm sóc sau điều trị là một việc làm có tính sống còn đối với người bệnh.
Không có một chi phí cụ thể nào cho hóa trị ung thư buồng trứng. Chi phí cao hay thấp phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh, cơ sở vật chất tại địa điểm điều trị, tình trạng sức khỏe người bệnh...
Tuy nhiên, bệnh nhân không cần quá lo lắng bởi hầu hết các loại hóa chất được sử dụng tại nước ta hiện nay đều nằm trong diện thuốc bảo hiểm. Do đó, chi phí bạn cần bỏ ra cho mỗi đợt hóa trị không quá lớn. Nếu bạn chưa đóng bảo hiểm thì hãy cân nhắc việc này càng sớm càng tốt.