4 điều cần chú ý khi chăm sóc trẻ bị sốt virus cha mẹ nên nhớ

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
4 điều cần chú ý khi chăm sóc trẻ bị sốt virus cha mẹ nên nhớ
Đa phần khi trẻ mắc sốt virus sẽ có thể khỏi bệnh sau từ 5 đến 7 ngày điều trị. Tuy bệnh không quá nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện và điều trị, chăm sóc trẻ bị sốt virus đúng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

1. Theo dõi diễn biến bệnh ở trẻ

Triệu chứng thường gặp nhất là sốt cao. Khi mắc bệnh, trẻ thường sẽ có nhiệt độ cơ thể khoảng trên 37 độ C khi đo nhiệt độ tại nách. Nếu phụ huynh tiến hành đo nhiệt độ cơ thể cho bé ở miệng hoặc hậu môn thì nhiệt độ có thể tăng thêm từ 0,5 đến 1 độ C.

Khi trẻ còn nhỏ, cơ thể còn rất yếu, hệ thống miễn dịch cũng chưa hoàn thiện, không đủ sức để chống lại sự tấn công, xâm nhập của virus, tác nhân gây hại từ môi trường. Khi virus bắt đầu xâm nhập vào trong cơ thể, ngay lúc này hệ thống miễn dịch của trẻ sẽ tiến hành các hoạt động nhằm mục đích chống lại các virus này.

Tuy nhiên trong quá trình chống lại virus của hệ thống miễn dịch sẽ làm xuất hiện các phản ứng viêm và sẽ tạo ra một số các chất trung gian kích thích. Bởi vậy, có thể nói, nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng sốt ở trẻ chính là do phản ứng viêm và chất trung gian này gây nên.

2. Ưu tiên hạ sốt và bù nước cho trẻ

Cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể đặc trị sốt virus. Bởi vậy cách phòng và chữa bệnh tốt nhất đó là giúp trẻ hạ sốt, bù nước, chườm đá và điện giải. Đi kèm với đó, các bậc phụ huynh cần biết cách chăm sóc trẻ bị sốt virus thật tốt. Nếu trẻ khi mắc sốt virus không có bội nhiễm vi khuẩn phụ huynh không nên cho trẻ sử dụng kháng sinh.

Đa phần các trường hợp trẻ mắc sốt virus phụ huynh chỉ cần chăm sóc tốt cho trẻ ở nhà từ 5 đến 7 ngày là trẻ đã có thể khỏi. Tuy nhiên phụ huynh vẫn cần phải lưu ý đến từng triệu chứng của trẻ để đưa ra được cách chăm sóc trẻ bị sốt virus phù hợp và hiệu quả nhất.

Đối với những trường hợp trẻ bị sốt cao, thân nhiệt nóng, đi kèm đó là cơ thể trẻ nóng lạnh thất thường, khi sốt nhiệt độ cơ thể nằm trong khoảng từ 38,5 độ C cho đến hơn 40-41 độ C kèm theo hiện tượng cơ giật. Lúc này phụ huynh cần chăm sóc trẻ theo các bước sau:

- Thường xuyên cặp nhiệt độ để theo dõi thân nhiệt trẻ liên tục: Nếu tình trạng sốt cao diễn ra quá 2 ngày và không có dấu hiệu suy giảm cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ tiến hành thăm khám và điều trị.

- Hạ sốt cho trẻ: Cho trẻ sử dụng các loại thuốc có khả năng hạ sốt theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng các loại thuốc kháng sinh.

- Cho trẻ mặc số lượng quần áo vừa đủ, thoáng mát không quá bó.

- Đề phòng trẻ sốt cao bị co giật: Nếu trẻ bị co giật thì phụ huynh có thể cho sử dụng kèm theo các loại thuốc chống co giật theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

- Bù nước cho trẻ: Khi trẻ bị sốt cao sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể hao hụt một lượng nước lớn, dẫn đến tình trạng mất nước. Điều này sẽ làm cho cơ thể xuất hiện các triệu chứng rối loạn cân bằng điện giải. Bởi vậy khi chăm sóc trẻ bị sốt virus phụ huynh nên thường xuyên cho uống nước, oresol hoặc cháo muối nấu loãng để cung cấp lại lượng nước đã mất. Tuy nhiên lúc này họng của trẻ thường bị sưng nên phụ huynh nên lưu ý để trẻ ăn và uống từ từ để tránh tình trạng bị nôn.

- Giảm nhẹ triệu chứng đau nhức: Khi bị sốt trẻ thường bị đau đầu, cảm giác toàn thân mệt mỏi, nhức đầu dữ dội. Kèm theo đó, các em sẽ cảm thấy đầu óc choáng váng, toàn thân bị đau nhức, nặng nề. Lúc này phụ huynh cần thường xuyên xoa bóp cho trẻ, sử dụng khăn ướt để đắp lên trán để giảm cơn đau, hạ sốt và giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn.

- Nếu trẻ gặp một số các triệu chứng có liên quan đến đường hô hấp như viêm họng, ho, chảy nước mũi hay hắt hơi liên tục phụ huynh có thể cho sử dụng thêm một số các loại thuốc khác theo chỉ dẫn của bác sĩ để điều trị các triệu chứng này.

- Ngoài ra phụ huynh cần tránh các yếu tố dễ khiến cho trẻ buồn nôn như mùi dầu mỡ,....

Nếu sau khi trẻ đã hết sốt những vẫn còn các triệu chứng mỏi mệt, lờ đờ, ngủ li bì, không ăn, quấy khóc, không chơi nghịch như bình thường thì phụ huynh cần đặc biệt lưu ý. Bởi có thể sốt virus đã gây ra một số các biến chứng khác ở não ở trẻ. Các biến chứng này có thể làm cho trẻ bị co giật, hôn mê và đôi khi còn để lại rất nhiều các di chứng nặng nề khác.

3. Chế độ dinh dưỡng khi chăm sóc trẻ bị sốt virus

Phụ huynh cũng cần đặc biệt lưu ý chăm sóc trẻ bị sốt virus với chế độ dinh dưỡng phù hợp và đầy đủ dưỡng chất giúp trẻ phục hồi và giảm cảm giác buồn nôn do sốt virus.

- Nếu trẻ không ăn được cháo hay bột phụ huynh có thể cho uống thêm sữa. Đồng thời bổ sung thêm nước ép trái cây, hoa quả nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng của hệ miễn dịch.

- Chia khẩu phần ăn hàng ngày thành nhiều bữa để tránh cảm giác biếng ăn và giúp trẻ hấp thụ tốt hơn.

- Để tránh mắc bội nhiễm, phụ huynh nên thường xuyên nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorid 0,9%  và vệ sinh sạch sẽ cơ thể bằng khăn ấm

4. Các dấu hiệu cần đi viện ngay

Nếu trong quá trình điều trị, chăm sóc trẻ bị sốt virus tại nhà, bé xuất hiện một trong các dấu hiệu sau phụ huynh cần lập tức đưa đến các trung tâm y tế gần nhất để khám chữa:

- Trẻ bị sốt cao, nhiệt độ cơ thể trên 39 độ C. Sau khi sử dụng thuốc hạ sốt nhiệt độ vẫn không thuyên giảm.

- Trẻ luôn trong tình trạng ngủ li bì, lơ mơ, tần suất và cường độ co giật tăng dần.

- Trẻ bị sốt kéo dài trên 5 ngày nhưng các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh vẫn chưa thuyên giảm.

Khi đang ở trong trạng thái khỏe mạnh, trong cơ thể trẻ vẫn tồn tại một số các loại virus ở tai, mũi, họng và đường tiêu hóa,.... Tuy những virus này chưa đủ để gây bệnh nhưng vào thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột, hệ thống miễn dịch yếu đi sẽ khiến chúng thuận lợi phát triển và gây bệnh.

Việc chăm sóc trẻ bị sốt virus đúng cách quyết định đến thời gian bình phục và giúp con nhanh chóng khỏe mạnh. Bởi vậy các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý cẩn thận. Nếu cảm thấy hoang mang, hãy tìm đến bác sĩ để nhận được những lời khuyên hữu ích.


Tác giả: Lê Thọ Hưng