Bị trĩ là hiện tượng rất nhiều sản phụ gặp phải. Tuy không gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng nhưng khiến cho mẹ có cảm giác đau đớn, khó chịu, đặc biệt là khi đi vệ sinh. Vì vậy, cần nhận biết những dấu hiệu bệnh trĩ sau sinh để có thể điều trị kịp thời.
- Dấu hiệu bệnh trĩ sau sinh thường gặp nhất và xuất hiện đầu tiên là mẹ bị táo bón nhiều ngày và khi đi vệ sinh (đại tiện) có dính máu ở phân hoặc giấy vệ sinh.
- Lượng máu có thể nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu để lâu không chữa có thể dẫn đến tình trạng chảy máu thành giọt khi vận động mạnh hoặc ngồi xổm quá lâu.
- Một dấu hiệu bệnh trĩ sau sinh điển hình nữa là búi trĩ bị sa ra ngoài gây cộm, vướng víu, đặc biệt là khi ngồi. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ có cảm giác ướt át, ngứa ngáy ở hậu môn vì búi trĩ sẽ tiết dịch gây viêm da xung quanh hậu môn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày.
- Tình trạng đi vệ sinh ra máu kéo dài nhiều ngày, sau đó sẽ dẫn đến hình thành búi trĩ. Mỗi lần đi vệ sinh xong sẽ có một khối thịt nhỏ lòi ra, phải dùng tay đẩy vào bên trong hậu môn mới không thấy.
- Càng để lâu, kích thước của khối thịt càng tăng và không thể dùng tay đẩy vào nữa. Cuối cùng, nó sẽ nằm hẳn ở bên ngoài hậu môn, gây vướng víu, khó chịu.
- Thêm một dấu hiệu bệnh trĩ sau sinh là các mẹ sẽ thấy đau rát hậu môn mỗi lần đi vệ sinh. Cảm giác rặn ra không được, đẩy vào cũng không xong và có thể mất hàng giờ trong nhà vệ sinh.
- Không những bị đau lúc đi vệ sinh mà khi sau đó cũng sẽ vẫn cảm thấy đau ở hậu môn. Lúc này mẹ nên đi khám ngay vì bệnh trĩ gây đau đớn là do biến chứng như sa trĩ, tắc mạch…
Bệnh trĩ có 4 cấp độ, người bệnh dựa vào dấu hiệu để nhận biết mình đang ở cấp độ nào và đưa ra những giải pháp chữa trị kịp thời:
– Cấp độ 1: dấu hiệu ban đầu là táo bón, đi vệ sinh dính máu.
– Cấp độ 2: cảm giác đau và chảy máu khi đại tiện, ngứa rát hậu môn, xuất hiện búi trĩ nhưng có thể tự đẩy vào.
– Cấp độ 3: búi trĩ sa ra bên ngoài, phải dùng tay đẩy mới vào.
– Cấp độ 4: búi trĩ sa hoàn toàn ra bên ngoài, không thể dùng tay đẩy vào, cảm giác đau đớn kéo dài, gây tắc mạch, áp xe hậu môn, thậm chí búi trĩ có thể bị tổn thương, gây lở loét, xuất huyết và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Ở những cấp độ nhẹ và vừa như cấp độ 1, 2 , 3, khi búi trĩ chưa sa hoàn toàn thì người bệnh có thể cải thiện bệnh bằng cách kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý. Bệnh nhân nên ăn nhiều rau củ quả, uống nhiều nước, vận động nhẹ nhàng, hạn chế ngồi xổm, khi cho con bú có thể nằm. Tuy nhiên, đến cấp độ 4, tình trạng trở nên nghiêm trọng và có thể xuất hiện những biến chứng nguy hiểm, người bệnh nên đi khám ngay.
Nhìn chung, bị trĩ sau sinh không phải là tình trạng hiếm gặp ở các sản phụ. Tuy nhiên, các mẹ cần chú ý quan sát các dấu hiệu để nhận biết cấp độ bệnh trĩ và có biện pháp chữa trị kịp thời.