4 cách dùng gừng để tăng cường sức đề kháng khi giao mùa

4 cách dùng gừng để tăng cường sức đề kháng khi giao mùa
Khi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc đơn giản chỉ là muốn tăng cường hệ miễn dịch, đừng bỏ qua loại nguyên liệu giá rẻ luôn có sẵn trong bếp của gia đình Việt: Gừng!

Khi sử dụng gừng đúng cách thường xuyên, bạn có thể nhận được nhiều lợi ích với sức khỏe trong đó có ngăn ngừa bệnh tật hoặc đơn giản là rút ngắn thời gian điều trị các triệu chứng khó chịu của nhiễm trùng đường hô hấp trên - "đặc sản" của thời tiết giao mùa - cảm cúm hay cảm lạnh thông thường.

1. Thành phần dinh dưỡng và cơ chế tăng cường miễn dịch của gừng

Gừng là một loại cây thuộc họ Zingiberaceae, gần với nghệ, mọc thành từng cụm cho hoa màu xanh tím. Các bộ phận của gừng như rễ, củ, thân, lá đều được ứng dụng trong y học cổ truyền, làm đẹp và nấu nướng.

1.1. Bảng thành phần dinh dưỡng của gừng

Trong khoảng 15g gừng tươi có chứa:

- 5g calo

- 1g carbohydrate

0,1g chất xơ

0,1g chất đạm

0g chất béo

0,1g đường.

Ngoài ra, vitamin và khoáng chất trong gừng cũng đa dạng, bao gồm: Vitamin B3 và B6, sắt, kali, vitamin C, magie, phốt pho, kẽm, folat, riboflavin, niacin,...

4 cách dùng gừng để tăng cường sức đề kháng khi giao mùa - Ảnh 2.

Gừng có thể được dùng trực tiếp dạng tươi hoặc bột khô (Ảnh: Internet)

1.2. Cơ chế tăng cường miễn dịch của gừng

Đông y cho rằng, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn, ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc. Hay nói cách khác, gừng giúp cơ thể "toát mồ hôi" nhờ tính ấm, nhờ vậy mà chất độc được thải ra bên ngoài bởi hệ miễn dịch. Còn theo Y học hiện đại, gừng có thể tăng cường hệ miễn dịch và chống/giảm nhẹ nhiễm trùng đường hô hấp trên theo cách:

- Chất chống viêm mạnh mẽ

Hợp chất có liên quan nhất tới đặc tính tăng cường miễn dịch của gừng chính là gingerol và shogaol - đây cũng là hợp chất khiến gừng có vị cay nóng. Hai hợp chất này có tác dụng ức chế tổn hợp prostaglandin và leukotriene cũng như các cytokine gây viêm như IL-1, TNF-α và IL-8. Nhờ vậy mà  gingerol và shogaol trong gừng có thể giúp chống lại cảm lạnh vì chúng có thể hạ sốt, giảm đau và giảm ho (1).

- Chống virus

Ngoài ra, một nghiên cứu khác trong ống nghiệm cho thấy gừng tươi có thể có hiệu quả chống lại virus hợp bào hô hấp cũng nhờ hợp chất gingerol - bệnh gây ra các triệu chứng dễ nhầm lẫn với cảm lạnh và nhiễm trùng hô hấp thông thường (2).

Một nghiên cứu trong ống nghiệm khác đã xem xét khả năng ức chế sự nhân lên của virus trong bệnh cúm của gừng và các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng gừng “có thể hữu ích trong việc kiểm soát virus cúm" (3).

- Chống stress oxy hóa

Theo nghiên cứu trên NIH thì hóa chất thực vật phong phú trong gừng gồm các thành phần giúp loại bỏ các gốc tự do có liên quan tới stress oxy hóa và tổn thương tế bào (4). 

Bổ sung gừng thông qua chế độ ăn uống trong những trường hợp như vậy giúp cải thiện khả năng phòng vệ của cơ thể, tăng cường chống oxy hóa để bảo vệ bạn khỏi nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.

4 cách dùng gừng để tăng cường sức đề kháng khi giao mùa - Ảnh 3.

Hóa chất thực vật phong phú trong gừng gồm các thành phần giúp loại bỏ các gốc tự do (Ảnh: Internet)

1.3. Các tác dụng khác của gừng đối với sức khỏe

- Làm dịu cơn đau dạ dày

Các hợp chất hóa học trong gừng được cho là làm dịu cơn đau dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa. Gừng từ lâu đã được đề xuất như một phương thuốc giúp giảm ốm nghén khi mang thai - các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là một cách an toàn và có thể hiệu quả để giúp giảm buồn nôn (5). Kể cả với các trường hợp buồn nôn và nôn sau phẫu thuật ở những người trải qua hóa trị liệu, gừng cũng cho thấy những tác động tích cực (6).

Ăn gừng có thể cải thiện các triệu chứng khó tiêu bằng cách giúp dạ dày trống rỗng nhanh hơn. Một nghiên cứu nhỏ cho thấy uống 1,2 g viên nang gừng trước bữa ăn sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu hóa ở những người mắc chứng khó tiêu (7).

- Dịu cơn đau khớp

Vì gừng là một chất chống viêm nên nó cũng có thể làm dịu cơn đau khớp do viêm khớp. Nhiều nghiên cứu gần đây đã tập trung vào việc bôi chiết xuất gừng lên vùng da bị đau khớp. Kết quả cho thấy phương pháp điều trị tại chỗ bằng gừng có thể có hiệu quả trong việc giảm đau do viêm khớp mà không gây tác dụng phụ (8).

- Giảm lượng đường trong máu

Thêm gừng vào chế độ ăn uống của bạn có thể giúp cải thiện lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type. Trong một nghiên cứu trên những người mắc bệnh tiểu đường type 2, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người dùng 1.600 miligam (mg) bột gừng trong 12 tuần đã cải thiện độ nhạy insulin, giảm chất béo trung tính và giảm tổng lượng cholesterol khi so sánh với nhóm không sử dụng (9).

- Giảm nguy cơ ung thư

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy gingerol có khả năng chống ung thư. Cụ thể, nó có thể giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư đường tiêu hóa. Hàm lượng chất chống oxy hóa cao của nó có khả năng chống lại sự phát triển của tế bào ung thư (10). Trên thực tế, các chất chống oxy hóa trong gừng thậm chí có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa.

4 cách dùng gừng để tăng cường sức đề kháng khi giao mùa - Ảnh 4.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy gingerol có khả năng chống ung thư (Ảnh: Internet)

3. Cách dùng gừng để tăng cường sức đề kháng khi giao mùa

Nhiều người băn khoăn giữa việc dùng gừng tươi hay bột gừng để tăng cường sức đề kháng. Thực tế thì gừng tươi đã được chứng minh là có nhiều lợi ích hơn so với gừng khô để tăng cường miễn dịch. Còn với các triệu chứng cảm lạnh thì gừng khô lại được khuyến nghị sử dụng nhiều hơn nhờ tính nóng hơn.

- Trà gừng tươi

Loại trà kinh điển này cực kì dễ thực hiện chỉ cần vài lát gừng tươi, nửa quả chanh, mật ong (nếu có) cùng một cốc nước đun sôi. Bạn cho tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị vào cốc nước vừa đun sôi, đậy nắp trong khoảng 15 phút rồi uống.

- Trà gừng khô

Đôi khi cơn cảm lạnh khiến bạn thấy bị ớn lạnh, đừng lo, một cốc trà gừng khô với tính nóng cao hơn sẽ hoàn hảo cho những tình huống này. Điều bạn cần làm cũng rất đơn giản, chuẩn bị 2 thìa cà phê bột gừng, 3g quế vụn, mật ong (nếu có) và một cốc nước đun sôi. Cho tất cả các thành phần trên rồi đun nhỏ lửa trong khoảng 10 phút.

Thức uống này vừa giúp loại bỏ căng thẳng lại giúp cơ thể ấm hơn.

- Mật ong ngâm gừng

Mật ong ngâm với gừng tươi là bộ đôi tuyệt vời được sử dụng từ xa xưa giúp làm dịu cơn đau họng và tăng cường miễn dịch. Bạn có thể ăn trực tiếp siro này hoặc pha với trà hoặc nước lọc đun sôi. Đặc biệt là bạn chỉ cần 2 - 3 ngày để ngâm và có thể sử dụng luôn.

- Canh miso gừng

Ngoài các cách pha gừng với nước kể trên thì bạn có thể thêm gừng vào các món soup đơn giản giúp giảm chất nhầy sinh ra khi bị cúm hoặc cảm lạnh đồng thời làm ấm cơ thể cũng như tăng cường sức chống chịu của cơ thể khi đối phó với virus hoặc vi khuẩn.

Tất cả những gì bạn cần chuẩn bị chri là nước ninh xương hầm hoặc nước rau, một vài lát gừng tươi, hạt tiêu đen, 1 - 3 muỗng canh miso và ăn khi còn nóng.

Nhìn chung thì gừng được xem như là an toàn với hầu hết mọi người. Tuy nhiên không nên sử dụng gừng cho các trường hợp:

- Bị cảm/say nắng

- Người có huyết áp cao

- Người đang bị nóng trong, trĩ, hôi miệng

- Người bị rụng tóc

- Người đang mắc các bệnh về gan như viêm gan cấp tinh/mãn tính, xơ gan

- Người bị rối loạn máu

- Người đang dùng các loại thuốc chống đông máu, thuốc ức chế chẹn beta điều trị bệnh tim mạch hay thuốc insulin điều trị tiểu đường

- Người bị bệnh dạ dày như đau dạ dày, viêm loét dạ dày, loét tá tràng

- Phụ nữ cuối thai kì hoặc đang cho con bú.

Nguồn dịch: 

1. What Is Ginger? Nutrition Facts, Health Benefits, Uses, and More

2. Anti-Oxidative and Anti-Inflammatory Effects of Ginger in Health and Physical Activity: Review of Current Evidence


Tác giả: Allen