Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người lành, Đông y Việt Nam xếp bệnh sốt xuất huyết vào nhóm ôn bệnh và ôn dịch (vì có tính lây lan thành dịch).
Nhiệt độc từ phần vệ, qua phần khí vào phần dinh rồi phần huyết, gây nên các giai đoạn bệnh từ nhẹ đến nặng khác nhau như:
- Giai đoạn nhiệt độc vào phần vệ, phần khí: Triệu chứng sốt cao rất nhanh, mệt mỏi, đau người, đau đầu, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa.
- Giai đoạn nhiệt độc vào phần dinh, phần huyết: Ngoài triệu chứng trên, nếu nhiệt vào lạc, có thể gây xuất huyết dưới da (ban chẩn) nếu vào mạch, gây chảy máu ở trong (nôn máu, tiêu ra máu).
Đọc thêm:
+ Sốt xuất huyết nên ăn rau gì? Những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh
+ Sốt xuất huyết làm gì cho nhanh khỏi?
Bệnh sốt xuất huyết được phân ra làm 4 độ như sau:
- Độ 1: Sốt kéo dài từ 2-7 ngày, kèm theo các dấu hiệu như nhức đầu, đau người…
- Độ 2: Dấu hiệu như độ 1, kèm theo có xuất huyết ngoài da, niêm mạc, phủ tạng, nhưng chưa có dấu hiệu sốc.
- Độ 3: Có dấu hiệu suy tuần hoàn, huyết áp hạ hoặc kẹt, mạch nhanh yếu, da lạnh, người bứt rứt, vật vã (dương hư).
- Độ 4: Sốc sâu, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được, chân tay lạnh (thoát dương).
Thuốc Y học cổ truyền chỉ được chỉ định điều trị bệnh sốt xuất huyết ở độ 1 và độ 2.
Bệnh sốt xuất huyết độ 1 và độ 2 là thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, giải độc, nâng cao thể trạng, kết hợp với nghỉ ngơi và ăn nhẹ dễ tiêu.
Bài thuốc trị sốt xuất huyết độ 1 và độ 2 có thể tham khảo:
Gồm các vị thuốc sau: Lá cúc tần 12g, sắn dây củ 20g, cỏ mực 16g, rau má 16g, mã đề 16g, lá tre 16g, trắc bá diệp (sao đen) 16g, gừng tươi 3 lát.
Cách dùng: Cho 600ml nước sạch, đun sôi còn lại 300ml, để ấm, uống ngày 3 lần cho người lớn.
Phương giải bài thuốc: Lá cúc tần có tác dụng hạ sốt, sắn dây thanh nhiệt, cỏ mực cầm máu, rau má nhuận gan, thanh nhiệt, mã đề lợi tiểu, lá tre có tác dụng hạ sốt, thanh nhiệt, trắc bá diệp giúp cầm máu, gừng tươi kích thích tiêu hóa, chống nôn, ôn vị, giải biểu, giải độc. Các vị thuốc phối hợp với nhau chủ trị bệnh sốt xuất huyết độ 1 và độ 2.
Gồm các vị: Cỏ mực (sao vàng) 20g, kim ngân 12g, cối xay (sao vàng) 12g, hoa hòe (sao qua) 10g, rễ cỏ tranh 20g, sài đất 20g, hạ khô thảo 12g, gừng tươi 3 lát.
Cách dùng: Cho 600ml nước sạch, đun sôi còn lại 300ml, để ấm, uống ngày 3 lần cho người lớn.
Phương giải bài thuốc: Cỏ mực chỉ huyết, nhuận huyết là chủ dược, kim ngân thanh nhiệt, giải độc, cối xay lợi tiểu, hạ sốt, giải độc, hoa hòe có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, rễ cỏ tranh lợi tiểu, hạ sốt, giải độc, sài đất thanh nhiệt, giải độc, hạ khô thảo có tác dụng lợi tiểu, hoạt huyết, thanh can hỏa. Các vị thuốc phối hợp với nhau trong bài thuốc trị sốt xuất huyết độ 1 và độ 2.
Bài thuốc gồm các vị thuốc sau: Cỏ mực 20g, cam thảo 06g, hoạt thạch 12g, mã đề 16g, gừng tươi 3 lát.
Cách dùng: Giống bài số 1 và 2.
Phương giải bài thuốc: Cỏ mực có tác dụng chỉ huyết, nhuận huyết là chủ dược. Cam thảo giải độc, hoạt thạch lợi tiểu, hạ sốt. Mã đề lợi tiểu, hạ sốt và gừng kích thích tiêu hóa, chống nôn, ôn vị, giải biểu, giải độc.
Thành phần bài thuốc gồm các vị thuốc sau: Hoạt thạch 6 phần, cam thảo 1 phần.
Cách dùng: Tán thành bột, trộn đều, mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê, khi hết sốt phải ngừng thuốc ngay.
Phương giải bài thuốc: Hoạt thạch có tác dụng lợi tiểu, hạ sốt. Cam thảo giải độc.
Đối với trẻ em bị sốt xuất huyết:
+ Còn bú mẹ: Cho mẹ uống thuốc, qua mẹ điều trị cho con.
+ Từ 1-5 tuổi: Liều bằng 1/3 liều người lớn.
+ Từ 6-13 tuổi: Liều bằng ½ liều người lớn.
+ Từ 14 tuổi trở lên: Liều bằng liều người lớn.
Giai đoạn phục hồi
Khi bệnh nhân khỏi bệnh sốt xuất huyết dùng bài Bổ trung ích khí để bổ khí huyết, kiện tỳ vị, nâng cao thể trạng, phục hồi sức khỏe.
- Không dùng các loại thuốc có thể gây xuất huyết như aspirin.
- Ưu tiên dùng phương pháp hạ nhiệt vật lý như chườm, quạt mát, nên dùng hạ nhiệt bằng Đông y.
- Không sử dụng thức ăn, đồ uống có màu đỏ làm che lấp triệu chứng xuất huyết trong bệnh sốt xuất huyết.
- Các bài thuốc trên chỉ mang tính tham khảo, người bệnh sốt xuất huyết tuyệt đối không tự ý dùng thuốc sẽ rất nguy hiểm, cần có chỉ định của bác sĩ y học cổ truyền.