3 thông tin cần biết về bệnh viêm họng cấp tính

3 thông tin cần biết về bệnh viêm họng cấp tính
Viêm họng cấp tính là bệnh tai mũi họng khá phổ biến gây ra tình trạng sốt cao, rát họng, đau họng khi nuốt. Viêm họng cấp tính thường xuất hiện đột ngột khiến người bệnh đau đớn, mệt mỏi.

Là một thể bệnh của viêm họng, viêm họng cấp tính thường xuất hiện đột ngột và khiến cho bệnh nhân phải gánh chịu hàng loạt những triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên hầu hết người bệnh đều khá chủ quan về thể bệnh này nên ít chú trọng đến việc điều trị dứt điểm bệnh. Vì lẽ đó mà bệnh diễn biến theo nhiều chiều hướng phức tạp.

Viêm họng cấp tính có đặc điểm là đau họng khởi phát nhanh và viêm họng (có hoặc không có tiết dịch). Biểu hiện không ho, ngạt mũi, và chảy nước mũi giúp phân biệt giữa nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn với vi-rút. Bệnh lý này có thể do nhiều loại mầm bệnh do vi-rút và vi khuẩn gây ra, bao gồm liên cầu khuẩn nhóm A (GAS), cũng như các mầm bệnh do nấm (Candida).

Viêm họng do vi khuẩn thường xảy ra vào mùa đông (hoặc đầu mùa xuân), trong khi nhiễm trùng do vi-rút đường ruột thường xảy ra vào mùa hè và mùa thu. Thường là bệnh lý tự giới hạn, tự khỏi trong hai tuần.

1. Những biểu hiện viêm họng cấp tính

Bệnh thường khởi phát đột ngột, người bệnh sốt cao 39 - 40 độ C, nuốt đau, rát họng. Lúc đầu, bệnh nhân thấy khô nóng trong họng, dần dần thành cảm giác đau rát, tăng lên khi nuốt, khi ho và khi nói. Người bệnh thấy đau lên tai và đau nhói khi nuốt.

Các triệu chứng kèm theo là sụt sịt, tắc mũi và chảy nước mũi nhầy, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan. Hai amiđan viêm to, trên bề mặt amiđan có chất nhầy trong, có khi có bựa trắng như nước cháo phủ trên bề mặt, hạch cổ bị sưng.

Trong trường hợp viêm họng cấp tính do virut cúm thì các triệu chứng khá nặng, nhức đầu, đau rát họng, xuất huyết ở thành sau họng. Hoặc viêm họng cấp do virut APC (Adeno-Pharyngo-Conjunctival) thì xuất tiết mũi, niêm mạc họng đỏ, viêm màng tiếp hợp và sưng hạch cổ. Các trường hợp viêm họng cấp do virut thì hiện nay việc xác định loại virut gì gây bệnh còn gặp không ít khó khăn.

Tình trạng viêm họng cấp tính khi thời tiết chuyển mùa thường diễn ra trong vòng 3 - 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng khi sức đề kháng yếu (trẻ em, người cao tuổi) thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm và trở thành viêm họng mạn tính. Hoặc thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes).

2. Điều trị phải theo chỉ định của bác sĩ

Nguyên tắc điều trị phải dựa vào nguyên nhân gây bệnh, trong trường hợp xác định được vi khuẩn và có kết quả của kháng sinh đồ thì nên lựa chọn kháng sinh để điều trị cho thích hợp với tuổi, tình trạng bệnh và tính động học của kháng sinh. Việc dùng thuốc để điều trị phải tuân theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh, không tự động mua thuốc để chữa bệnh cho mình và người nhà.

Cần bù nước và chất điện giải do sốt cao gây ra. Tốt nhất là uống dung dịch oresol (ORS), có thể dùng ORS cam loại 5,63g/gói cho cả người lớn và trẻ em, pha 1 gói vào 200ml nước (đun sôi, để nguội). Thông thường sử dụng ORS như sau, trẻ nhũ nhi thì dùng 50ml/lần, 2 - 3 lần/ngày; trẻ từ 2 - 6 tuổi dùng 100ml/lần, 2 - 3 lần/ngày; trẻ từ 6 - 12 tuổi dùng 150ml/lần, 2 - 3 lần/ngày. Với người lớn dùng theo nhu cầu.

Thức ăn nên dùng loại mềm, nhuyễn, dễ nuốt. Cần ăn thêm rau, trái cây. Cần phải nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân. Nên tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch. Cần vệ sinh họng, miệng như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Nên súc họng bằng nước muối nhạt hằng ngày.

3. Phòng ngừa viêm họng cấp tính thế nào?

Để phòng ngừa viêm họng cấp tính, cần vệ sinh răng miệng, họng, mũi thường xuyên và hàng ngày. Cần đánh răng sau khi ăn và trước, sau khi ngủ dậy làm sao tạo thành một thói quen, nhất là đối với trẻ em.

Nên tắm bằng nước ấm nhất là với những người mắc bệnh viêm họng tái đi tái lại nhiều lần. Khi tắm xong cần lau người khô trước khi mặc quần áo sạch bất kể là mùa nào. Cũng không nên ngồi trước quạt hoặc trong phòng điều hòa lạnh sau khi tắm xong.

Khi bị viêm họng cần đi khám ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa tai mũi họng hoặc phòng khám đa khoa để nhanh chóng xác định bệnh và điều trị ngay từ những ngày đầu, không nên để bệnh xảy ra vài ba ngày mới đi khám bệnh.

Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình, dùng theo đơn thuốc cũ hoặc tự mua thuốc để điều trị. Khi bị viêm họng kéo dài cần tới thăm khám để được điều trị tránh một số biến chứng không đáng có xảy ra.


Tác giả: Thanh Hoa